An Giang là tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, có truyền thống cách mạng, được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là quê hương Bác Tôn kính mến, nhân dân có tinh thần yêu nước, hiếu học;. dân số trên 2,1 triệu người, phần đông nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ An Giang nhiệt tình cách mạng, cầu tiến, khá năng động. Tuy nhiên mặt bằng về trình độ, điều kiện học tập, tiếp cận khoa học, công nghệ chưa thuận lợi. Từ những đặc điểm trên, những năm qua địa phương đã chú trọng đổi mới; tăng cường thực hiện gắn với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đạt thành quả bước đầu đáng khích lệ.
Đẩy mạnh đào tạo cơ bản cho cán bộ
Từ năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 660-QĐ/TU ngày 4-5-2009 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền cử cán bộ đào tạo sau đại học từ nguồn kinh phí nhà nước. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đào tạo sau đại học bằng kinh phí nhà nước phải được quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc có chuyên môn cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; là đảng viên hoặc đoàn viên ưu tú, tốt nghiệp đại học chính qui tập trung. Để được đào tạo sau đại học ở ngoài nước, bên cạnh các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên còn phải: tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đào tạo sau đại học trong nước, ngoài nước bằng kinh phí nhà nước sẽ được tài trợ học phí, tiền tàu xe, vé máy bay, tiền ăn, lưu trú, sinh hoạt phí... và người được cử đào tạo phải cam kết phục vụ lâu dài, chấp hành sự phân công, giao nhiệm vụ của địa phương sau thời gian đào tạo. HĐND và UBND tỉnh An Giang đã xây dựng, ban hành nghị quyết, quyết định về chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút, khuyến khích người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 11-7-2008 của HĐND tỉnh; Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 25-5-2010 của UBND). Các chế độ, chính sách trên đã tạo cho cán bộ an tâm nghiên cứu, học tập.
Kết quả là 5 năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương 57 cán bộ. Trong đó, cao học 17, nghiên cứu sinh 3, bồi dưỡng ngắn và trung hạn 37. Đào tạo sau đại học theo Quyết định 660-QĐ/TU: cao học 83, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước là 11 cán bộ. Bồi dưỡng theo chương trình, đề án khác của Trung ương và tỉnh 68 cán bộ.
Đối với các lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung: Hằng năm, khi có thông báo chiêu sinh của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện Chính trị - Hành chính khu vực, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy nhiệm xem xét cử cán bộ trong qui hoạch, đúng đối tượng thông báo, lập danh sách, hồ sơ gửi cơ sở đào tạo. Đối với các lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức: căn cứ chỉ tiêu của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông báo các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy rà soát, cử cán bộ trong danh sách quy hoạch đi học. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tham gia vào Ban Chỉ đạo lớp học. Các lớp trung cấp lý luận chính trị do Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Trường Chính trị tỉnh xét duyệt học viên theo đúng quy định và tổ chức, học tập tại Trường Chính trị hoặc ở các huyện, thị xã xa trung tâm tỉnh.
Đến nay đã đào tạo tập trung: 111 cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, 1.642 trung cấp lý luận chính trị. Đào tạo tại chức: 532 cao cấp lý luận chính trị, 3.466 trung cấp lý luận chính trị.
Chất lượng được nâng lên theo yêu cầu của từng nội dung, chương trình đào tạo; 100% học viên cuối khóa tốt nghiệp; nhiều cán bộ được bố trí các chức danh, vị trí quan trọng trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể. Số cán bộ quy hoạch dự nguồn cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở; quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý sau khi được đào tạo đa số đều được bố trí, sử dụng theo hướng đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, luân chuyển vào các chức danh, vị trí công tác cao hơn.
Mở rộng đối tượng và đa dạng hóa nội dung bồi dưỡng cán bộ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho cán bộ giữ chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Chương trình, nội dung bồi dưỡng được xây dựng cô đọng, có trọng tâm, chọn lọc những chuyên đề phù hợp với đối tượng được bồi dưỡng, thời gian mở lớp bồi dưỡng từ 5 đến 7 ngày.
Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất cán bộ dự các lớp thuộc đối tượng 1 ở Học viện Quốc phòng Hà Nội; đối tượng 2 tham dự các lớp ở Trường Quân sự Quân khu 9; đối tượng 3 dự các lớp tại địa phương do Ban Tổ chức cùng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh mở.
Bên cạnh đó, ban đảng, đoàn thể, Sở Nội vụ hằng năm đều mở các lớp chuyên đề, triển khai nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho đối tượng làm công tác nghiệp vụ theo hệ thống ngành từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung bồi dưỡng bao gồm những qui định, hướng dẫn mới nhất của các cơ quan Trung ương và tỉnh.
Nhờ đó, đến nay, ở An Giang, số lượng cán bộ đã tham gia bồi dưỡng các khoa học do Trung ương tổ chức là 598 người, Tỉnh tổ chức là 1.970, sở, ban ngành tỉnh và cấp huyện tổ chức là 55.405. Công tác bồi dưỡng cán bộ đã trở thành nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của địa phương. Qua bồi dưỡng cán bộ có thêm tri thức mới về chuyên môn, về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng tốt hơn vào công việc ở địa phương, đơn vị.
Nâng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng
Đến nay, cán bộ cấp tỉnh và huyện đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo qui định. Đặc biệt cấp xã qua 5 năm, tỷ lệ đạt chuẩn của công chức xã tăng từ 57% lên 91%, cán bộ chuyên trách xã tăng từ 43 % lên 84%. Cán bộ cấp tỉnh và huyện đến nay có 25 tiến sỹ, trên 600 thạc sỹ, 2 phó giáo sư; cấp ủy viên cấp tỉnh và huyện đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, cấp ủy viên cơ sở đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Đa số cán bộ sau đại học được bố trí nhiệm vụ cao hơn hoặc hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, được bổ sung quy hoạch cán bộ ở vị trí cao hơn.
Từ thực tiễn đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở An Giang có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, cần có được nhận thức thống nhất trong lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp, coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu trọng yếu, vấn đề mang tính đột phá sau khâu đánh giá, quy hoạch cán bộ, để nâng cao năng lực hoạt động đội ngũ cán bộ, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Hai là, đi đôi với đổi mới nhận thức, phải có sự tập trung cao trong tổ chức thực hiện, bằng việc đề ra các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách phù hợp; chỉ đạo cụ thể, phân công rõ ràng, có kiểm tra đánh giá, sơ tổng kết thường xuyên.
Ba là, gắn đào tạo, bồi dưỡng với đánh giá và quy hoạch cán bộ, xem quy hoạch cán bộ là cơ sở, định hướng để đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó phải làm tốt việc quy hoạch cán bộ theo hướng “ động” và “mở”, tăng thêm cán bộ trẻ, cán bộ nữ; gắn với quy hoạch cán bộ cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chủ động trong việc đưa cán bộ đi học.
Bốn là, chú trọng rà soát trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nhất là yêu cầu phát triển của địa phương để xác định, điều chỉnh, bổ sung nội dung đào tạo, bồi dưỡng; hạn chế dàn trải, đào tạo theo kiểu đại trà mà phải chuyên sâu. Theo đó, đối với cán bộ tỉnh, huyện chủ yếu đào tạo sau đại học; cán bộ xã tập trung đào tạo chuẩn hóa, đào tạo lý luận chính trị gắn với tiêu chuẩn cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo từng cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước, mở rộng bồi dưỡng theo chức danh và cập nhật kiến thức mới
Năm là, cải tiến công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và giảng dạy, học tập, vừa mở lớp tập trung vừa mở lớp tại chức ở cấp huyện, thị để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ xã đi học.
Tuy nhiên, do việc đào tạo dự nguồn còn ít, phần nhiều ở dạng đào tạo để chuẩn hóa, nội dung đào tạo tuy có điều chỉnh nhưng chưa sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, việc cập nhật, đánh giá sau đào tạo chưa thật sát sao.
Để khắc phục những hạn chế trên và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01-ĐA/TU về tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó tạo điều kiện, môi trường để đào tạo cán bộ dự nguồn với trình độ cao, nâng công tác cán bộ lên thành chiến lược song song với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, cân đối nhu cầu phát triển, nhất là xây dựng các mô hình phát triển theo chuỗi giá trị, thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng và phát triển nông thôn mới; có danh mục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển địa phương. Đồng thời, điều chỉnh kịp thời cơ chế, chính sách, phương pháp xét chọn, cử cán bộ đi học và cách thức tổ chức lớp ở tỉnh nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Để làm tốt công tác đào, bồi dưỡng cán bộ, Trung ương cần tiếp tục đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; trang bị nhiều hơn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương pháp công tác, tiếp cận kỹ năng tiên tiến trên thế giới; có chương trình bồi dưỡng chức danh và cập nhật kiến thức hằng năm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã trở lên; tăng thêm chỉ tiêu, số lượng đào tạo cao cấp và cử nhân chính trị cho địa phương; điều chỉnh quy định hỗ trợ chế độ học tập đối với cán bộ ngành dọc đóng trên địa bàn cũng được hưởng như địa phương.
Nguyễn Trung Thứ
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ An Giang