Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có 14 đảng bộ trực thuộc (9 đảng bộ huyện, thành ủy và 5 đảng bộ trực thuộc), với tổng số 643 tổ chức cơ sở đảng và 64.296 đảng viên. Cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý hiện có 359 cán bộ, trong đó: Cấp tỉnh là 230, cấp huyện là 129 cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh tính đến tháng 3-2018 có 28.548 người. Để thực hiện tốt công tác cán bộ trong tình hình mới, nhất là sau khi Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 58-QĐ/TW, ngày 07-5-2007 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Quy chế số 58), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiêm túc thực hiện Quy chế, gắn lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát với công tác cán bộ.
Hằng năm, nội dung kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ đều được Ban Thường vụ đưa vào Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát nội dung liên quan đến công tác cán bộ đối với 76 tổ chức đảng, 608 đảng viên là cấp ủy viên cấp tỉnh và cấp huyện; qua kiểm tra, giám sát đã kết luận 7 tổ chức đảng và 12 đảng viên có tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, đã yêu cầu khắc phục kịp thời. Trong năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành kiểm tra đối với 9/9 ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nội dung kiểm tra, giám sát công tác cán bộ tập trung vào: Công tác tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động và luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ; việc đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ; công tác khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Kết quả đã kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại có liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, nhất là những đơn thư tố cáo có liên quan đến nhân sự cấp ủy trong các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh. Kịp thời kiểm tra, làm rõ dư luận của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và thông tin báo chí phản ảnh về những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Kiên quyết đưa ra khỏi danh sách nhân sự ứng cử, bổ nhiệm đối với những đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết, nhất là việc chỉ đạo kiểm tra, làm rõ một số vụ việc điển hình về công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 2 đồng chí Tỉnh ủy viên có liên quan đến công tác cán bộ và một số nội dung có liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định xem xét, thi hành kỷ luật đối với 2 đồng chí bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo. Chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy tăng cường việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ; qua kiểm tra đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với một số tổ chức đảng và đảng viên có liên quan.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ tiến hành 6 cuộc kiểm tra đối với 22 tổ chức đảng và 80 đảng viên; 9 cuộc giám sát đối với 33 tổ chức đảng và 240 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị có liên quan đến công tác cán bộ; việc nhận xét, đánh giá theo tiêu chuẩn cán bộ; phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng theo định kỳ… Trong đó, đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; việc thực hiện các Đề án của Tỉnh ủy về công tác cán bộ, nhất là việc thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Qua kiểm tra, kết luận 12 tổ chức đảng và 21 đảng viên có hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ đã yêu cầu chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.
Ban Thường vụ cũng đã chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy tăng cường việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, gắn việc thực hiện nhiệm vụ này với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là việc kiểm tra, làm rõ những vi phạm trong công tác cán bộ; thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư tố cáo và thi hành kỷ luật đối với đảng viên có sai phạm. Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy đổi mới về phương pháp nắm bắt tình hình, phát hiện và xác định dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong công tác cán bộ để quyết định tiến hành kiểm tra. UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 17 đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý về: Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, cử cán bộ đi học lý luận chính trị, công tác quản lý hồ sơ đảng viên, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên... Kết luận đảng viên có khuyết điểm, vi phạm 16/17 đồng chí, chiếm 94,11% so với tổng số đảng viên được kiểm tra, trong đó vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật 5 đồng chí, chiếm 31,2% so với tổng số đảng viên có vi phạm; đưa ra khỏi danh sách nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện 1 đồng chí; đề nghị điều động, luân chuyển công tác khác đối với 3 đồng chí có khuyết điểm, vi phạm.
Về giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đến công tác cán bộ, Ban Thường vụ và UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, giải quyết theo quy trình đối với 12 đơn tố cáo, trong đó Ban Thường vụ giải quyết 1 đơn, UBKT Tỉnh ủy giải quyết 11 đơn tố cáo; kết luận: Tố đúng và đúng một phần 2 đơn (chiếm 16,6% tổng số đơn phải giải quyết), chưa có cơ sở kết luận 4 đơn (chiếm 33,3%), tố sai 6 đơn (chiếm 50%).
Cấp ủy và UBKT cấp dưới đã tiến hành kiểm tra đối với 110 tổ chức đảng, 252 đảng viên, giám sát 674 tổ chức đảng, 1.182 đảng viên liên quan đến công tác cán bộ; kết luận 79 tổ chức đảng, 198 đảng viên có hạn chế, khuyết điểm, đã yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ.
Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, đã chỉ đạo cấp ủy cấp dưới ban hành các quy chế phối hợp giữa UBKT cùng cấp với các tổ chức đảng có liên quan; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ. Phân công các đồng chí cấp ủy theo dõi các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác cán bộ nói riêng, kịp thời phát hiện những khuyết điểm, sai phạm trong công tác cán bộ để báo cáo cấp ủy chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh đơn, thư tố cáo hoặc mất đoàn kết nội bộ.
UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ tỉnh để tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ; góp phần quan trọng giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc rút ra những kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về công tác cán bộ, xác định rõ công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quan tâm thực hiện đồng bộ giữa công tác cán bộ và việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất của UBKT về công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ cần được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm, nội dung kiểm tra phải cụ thể, bảo đảm tính trọng tâm, công tác giám sát phải mở rộng, nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm trong các khâu đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ gắn với việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nói chung và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ nói riêng.
An Bình