Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 9 (khoá X) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, Tỉnh uỷ Sóc Trăng vừa ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực của Sóc Trăng được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Nguồn nhân lực của tỉnh tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn ngày càng nhiều; cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm có chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ; trình độ dân trí được nâng lên, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, tỷ lệ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 5,1% dân số trong độ tuổi lao động; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và chuyên sâu, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục,...
Nghị quyết xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát huy yếu tố con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động có phẩm chất, năng lực, cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cả trước mắt và lâu dài….
Mục tiêu tổng quát được xác định là phát triển nguồn nhân lực bảo đảm số lượng, chất lượng và cân đối về cơ cấu; đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động và đáp ứng yêu cầu của các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn theo từng chức danh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 51% (trong đó, đào tạo nghề 45%). 100% giáo viên các ngành học, bậc học đạt chuẩn quy định; có ít nhất 40% giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; 50% giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên; có ít nhất 15% giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sỹ trở lên. Có 5 bác sỹ/vạn dân; 85% xã có bác sỹ; tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa 1 chiếm 30%, chuyên khoa 2 chiếm 20% trong tổng số bác sỹ; 12 điều dưỡng/vạn dân. 100% cán bộ, công chức, viên chức (không tính viên chức ngành giáo dục và y tế) cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn theo ngạch qui định; 5% có trình độ sau đại học; 90% cán bộ cấp xã và 100% công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn.
Đến năm 2020, tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 60% (trong đó, đào tạo nghề 55%). Có ít nhất 50% giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên; 100% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; 100% giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên; 30% giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên; 50% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sỹ trở lên và 10% có trình độ tiến sỹ; 65% giảng viên đại học có trình độ thạc sỹ trở lên và 30% có trình độ tiến sỹ. Có 8 bác sỹ/vạn dân; 100% xã có bác sỹ; 2,5 dược sỹ/vạn dân; tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa 1 chiếm 40%, chuyên khoa 2 chiếm 20% trong tổng số bác sỹ; 19 điều dưỡng/vạn dân. Có 10% cán bộ, công chức, viên chức (không tính viên chức ngành giáo dục và y tế) cấp tỉnh, huyện có trình độ sau đại học; trên 95% cán bộ cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn.
Để thực hiện mục tiêu đó đạt kết quả trên, Nghị quyết nêu 6 nhiệm vụ và giải pháp: Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là tiến hành rà soát trình độ cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh để có kế hoạch sắp xếp, điều chuyển, bố trí, sử dụng phù hợp. Tuyển chọn, bổ nhiệm, bố trí cán bộ đúng tiêu chuẩn, quy trình và có cơ cấu hợp lý... ưu tiên sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, khá, giỏi và người tốt nghiệp sau đại học. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng; tuyển, chọn cán bộ đưa đi đào tạo đúng đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn; quan tâm đúng mức việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, trẻ, dân tộc, mặt trận và đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn,... Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ có trình độ chuyên môn trên đại học trong nước và nước ngoài để hình thành đội ngũ chuyên gia ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh. Tập trung đào tạo chuyên sâu về chuyên môn kỹ thuật cao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, các ngành công nghiệp chủ lực; nhân lực cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ làm giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ y khoa, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cho các bệnh viện tỉnh, huyện và bác sĩ cho các trạm y tế cấp xã.
Kh.N