Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá hiện có 27 huyện, thị, thành phố; cán bộ khối huyện, thị, thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 341 đồng chí. Thực hiện chủ trương của Trung ương về tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, với mục đích vừa đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, vừa giải quyết cho các địa phương đang gặp khó khăn về cán bộ. Tiếp đó, ngày 12-3-2012, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04 -NQ/TU về "tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hoá thành tỉnh tiến tiến vào năm 2020", xác định 2 khâu đột phá trong công tác cán bộ là đánh giá cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2005 đến nay Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 23 cán bộ cấp tỉnh về làm phó bí thư phụ trách công tác xây dụng tổ chức cơ sở đảng và phó chủ tịch UBND cho các huyện, thị, thành phố (trong đó phó bí thư 11 đồng chí, phó chủ tịch 12 đồng chí). Đến nay, có 4 đồng chí phó bí thư cấp huyện chuyển về tỉnh, 2 đồng chí ở lại (1 đồng chí vào Tỉnh ủy làm Bí thư Huyện ủy Như Thanh, 1 đồng chí làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát), có 2 đồng chí vào Tỉnh ủy (1 làm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, 1 làm Bí thư Thị ủy Sầm Sơn, rồi làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy).
Đối với 3 phó chủ tịch luân chuyển năm 2008, được phân công phụ trách những lĩnh vực phù hợp với chuyên môn được đào tạo như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tư pháp, kinh tế… Hầu hết các đồng chí đã tiếp cận nhanh, bước đầu đã phát huy vai trò tham mưu, quản lý, điều hành thuộc lĩnh vực phân công. Đến năm 2011 có 2 đồng chí về tỉnh và đầu năm 2013 tiếp tục được luân chuyển về làm chủ tịch ở Sầm Sơn và Lang Chánh, 1 đồng chí tiếp tục làm Phó Chủ tịch huyện Quảng Xương, nhiệm kỳ 2011- 2016. Hiện còn 9 đồng chí vừa luân chuyển năm 2013.
Nhìn chung các đồng chí được luân chuyển về làm phó bí thư phụ trách công tác xây dụng tổ chức cơ sở đảng và phó chủ tịch UBND tại các huyện đã tiếp cận nhanh với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và công tác xây dựng đảng. Các đồng chí phó bí thư phụ trách cơ sở, các đồng chí phó chủ tịch UBND được tiếp cận, sâu sát cơ sở, phát hiện tình hình kịp thời để tham mưu cho cấp ủy, ủy ban nhân dân; đồng thời chia sẻ bớt những công việc với thường trực huyện ủy, thường trực UBND cấp huyện. Hầu hết các đồng chí luân chuyển về làm phó bí thư phụ trách cơ sở và phó chủ tịch UBND giữ được sự đoàn trong nội bộ thường trực, thường vụ, cấp ủy, đồng thời khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình, được cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương ghi nhận, thích ứng với công việc, trưởng thành trên cương vị được giao, qua đây được rèn luyện trong thực tiễn. Cũng qua công tác luân chuyển cán bộ, tạo được nhận thức đúng đắn đối với các cấp, các ngành, các địa phương; từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, việc tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện, một số trường hợp chưa căn cứ vào quy hoạch cán bộ. Một số đồng chí có tư tưởng “dĩ hòa, vi quý”, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Việc tiếp cận, nắm bắt, phát hiện tình hình và tham mưu cho cấp ủy về công tác tổ chức xây dựng đảng hiệu quả chưa cao, mới đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt. Nhận thức của một số cán bộ và tổ chức đảng đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa đúng, vẫn còn băn khoăn và tâm lý không muốn tỉnh luân chuyển về địa phương mình.
Qua thực tiễn về việc tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện cho thấy, để thực hiện tốt chủ trương này trước hết, phải chuẩn bị thật tốt nguồn cán bộ luân chuyển, là những cán bộ trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ tỉnh hoặc quy hoạch lãnh đạo quản lý ở các sở, ban, ngành. Trong đánh giá cán bộ luân chuyển phải công tâm, khách quan, thực hiện theo quy trình chặt chẽ, phát huy vai trò của cá nhân tự kiểm điểm, đánh giá, đến việc các cấp ủy mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch để đánh giá cán bộ, sát hơn với thực tiễn và thông báo kết quả đánh giá đến từng cơ quan, đơn vị. Sau khi làm tốt khâu đánh giá cán bộ thì lựa chọn những cán bộ trẻ trong quy hoạch, có triển vọng, có năng lực thực thi công việc để luân chuyển xuống địa phương.
Tăng thêm chức danh phó bí thư cơ sở và phó chủ tịch là nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ trẻ, có triển vọng trong thực tiễn và tăng cường đến những nơi khó khăn về công tác cán bộ, tạo được chuyển biến tốt về công tác xây dựng đảng ở cơ sở và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Về thời gian luân chuyển cán bộ phải từ 5 năm trở lên. Đây là khoảng thời gian tối thiểu để cán bộ quen công việc, quen địa bàn và khẳng định được năng lực, sở trường công tác. Tránh tình trạng cán bộ luân chuyển về địa phương mới bắt đầu quen công việc ở cơ sở thì điều động về tỉnh. Việc làm này đã gây dư luận không tốt trong công tác cán bộ của tỉnh nói chung và bản thân người cán bộ đó cũng chưa tích lũy, kinh nghiệm gì từ thực tiễn. Những cán bộ luân chuyển không tính vào tổng biên chế cấp huyện, đồng thời bổ sung kinh phí, chế độ nhà công vụ, phương tiện đi lại, phòng làm việc tại công sở...
Các đồng chí được luân chuyển, sau thời gian công tác trước khi điều động về tỉnh phải tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình; được tập thể ban chấp hành, ban thường vụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nếu tín nhiệm cao thì được xem xét để bổ nhiệm ở chức vụ cao hơn hoặc tương đương. Trường hợp tín nhiệm thấp, quá thời gian 5 năm nếu cán bộ không phát huy được năng lực, sở trường thì cũng điều động về tỉnh, có thể bố trí ở vị trí thấp hơn hoặc tương đương trước khi luân chuyển.
Phương Vinh
Báo Thanh Hóa