Tỉnh ủy Quảng Ngãi lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ
Để đạt mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII (2010-2015) thì phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu cần thiết vừa mang tính chiến lược lâu dài. Tỉnh ủy xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Đến nay, sau gần bốn năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015, công tác phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả khá toàn diện, có ý nghĩa về cả trước mắt và lâu dài.

Những kết quả đạt được

1. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện kịp thời. Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp ủy, ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015), Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 theo Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW và Công văn số 6519-CBNS/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2010-2015. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từng bước được hoàn thiện, tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

2. Việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ được tiến hành kịp thời, đúng nguyên tắc, quy trình, theo hướng đổi mới. Cán bộ được bổ nhiệm đều đạt chuẩn và phát huy tác dụng tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Việc kiện toàn cấp ủy, bố trí, bổ nhiệm cán bộ ở các sở, ban, ngành và các hội, đoàn thể được thực hiện kịp thời, góp phần đắc lực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, tạo chuyển biến trong Đảng bộ.

3. Công tác luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị được đẩy mạnh. Trong năm, đã luân chuyển 8 cán bộ cấp tỉnh là trưởng, phó sở, ngành về giữ các chức vụ chủ chốt ở huyện, thành phố gồm 3 phó bí thư cấp ủy, 5 phó chủ tịch UBND. Ở huyện, có 8 huyện, thành phố thực hiện luân chuyển 12 đồng chí trưởng, phó phòng, ban cấp huyện, chuyên viên các ban đảng về giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã gồm: 4 bí thư, 4 phó bí thư, 4 chủ tịch UBND; luân chuyển 1 bí thư đảng uỷ xã về giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện. Công tác luân chuyển cán bộ đã phát huy được tác dụng tích cực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu đảng bộ đã đề ra.

4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng đã quan tâm, chủ động hơn trong đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 7-5-2006 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực. Đã tổ chức 2 lớp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Quản lý giáo dục tại tỉnh, cử 5 cán bộ lãnh đạo các ban đảng Tỉnh ủy dự bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, 156 cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tại Học viện Quốc phòng và Trường Quân sự tỉnh, 16 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Quyết định cử 181 cán bộ đi học các lớp Đại học tổ chức, kiểm tra, Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và tại tỉnh, 8 cán bộ đi bồi dưỡng công tác kiểm tra, giám sát tại Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III. Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng cho 90 cán bộ làm công tác tổ chức cấp ủy các cấp.

5. Thực hiện Đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn. Theo Quyết định số 8738-QĐ/TU ngày 2-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong năm qua đã tiếp nhận và tổ chức lớp trung cấp chính trị - hành chính bồi dưỡng cho 70 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy để phân công về công tác tại xã, phường, thị trấn; đào tạo trung cấp lý luận chính trị 215 người, trung cấp hành chính 380 người và tổ chức 1 lớp đại học cử tuyển để tạo nguồn cán bộ cho các xã, huyện ở miền núi.

6. Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện miền núi. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề án "Tăng cường nhân lực cho UBND các xã thuộc 6 huyện miền núi để thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Nội dung cơ bản của Đề án là lựa chọn cán bộ quy hoạch cấp trưởng, phó phòng ở các sở, ban, ngành ở tỉnh, huyện có kiến thức về quản lý kinh tế để luân chuyển về các xã nghèo thuộc Chương trình 30a, đảm nhiệm chức trách phó chủ tịch UBND xã, phụ trách những nội dung liên quan đến chương trình xoá nghèo bền vững ở xã. Số cán bộ này sẽ được tập huấn cơ bản về công tác ở xã và Chương trình 30a trước khi được luân chuyển. Thời gian công tác tại xã từ 3 - 5 năm. Mặt khác, Đề án cũng đề cập đến việc mở khoá đại học chuyên ngành quản lý kinh tế cho học sinh người dân tộc thuộc diện cử tuyển, sau khi tốt nghiệp đại học, đây sẽ là nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã miền núi. Đề án này đã được Thường trực Chính phủ và Bộ Nội vụ đánh giá cao.

7. Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở lớp đại học nông nghiệp và các lớp đào tạo trung cấp hành chính, trung cấp quản lý văn hóa, trung cấp báo chí, chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, công an xã, cao đẳng tin học... cho gần 650 cán bộ cấp xã.

Tuy vậy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Quảng Ngãi còn hẫng hụt, thiếu đồng bộ và chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chưa bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ trong giai đoạn mới. Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ tham mưu ở tầm chiến lược, cán bộ có trình độ chuyên môn sâu sau đại học ở từng ngành, từng lĩnh vực, chuyên gia giỏi đầu ngành còn quá ít; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp. Đội ngũ cán bộ cấp xã, về số lượng và trình độ trong thời gian qua có chuyển biến rất tích cực, nhưng hiện nay số cán bộ ở cấp này chưa đáp ứng yêu cầu trình độ còn rất nhiều.

Giải pháp trong thời gian tới

1. Trước tiên, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển. Tập trung sức chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Trên cơ sở Đề án phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chương trình, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khác nhau để thực hiện hằng năm; đặc biệt chú ý nguồn nhân lực cán bộ, công chức cấp xã; chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả phát triển nguồn nhân lực ở địa phương, đơn vị, nhất là về xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp và theo đúng các quy định của Nhà nước.

3. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nghề cho người lao động, xác định rõ ngành, nghề, nội dung, đối tượng cần đào tạo cho từng năm và kế hoạch định hướng đến năm 2015. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt quan tâm đào tạo những cán bộ có độ tuổi dưới 40, có trình độ đại học và triển vọng phát triển để đào tạo sau đại học; xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ chính là đào tạo cán bộ qua thực tiễn để có kế hoạch thực hiện tốt công tác này.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015 và Quyết định số 8738-QĐ/TU ngày 02-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc ban hành Đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn của tỉnh; chú trọng đào tạo các chức danh: bí thư, phó bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn.

5. Các cơ quan chức năng hướng dẫn thủ tục cụ thể cho cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn nhưng không có khả năng, điều kiện để tiếp tục đào tạo được nghỉ việc theo chế độ, nghỉ việc chờ hưu hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Đồng thời, thu hút số sinh viên tốt nghiệp đại học về cấp xã công tác; xét, chọn một số sinh viên ưu tú đưa đi đào tạo về công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế trong và ngoài nước; đồng thời tăng cường công tác thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ các địa phương khác về tỉnh công tác bằng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất