Ngày 20-7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”.
Nghị quyết số 22-NQ/TW đã được Thành ủy Hà Nội và cấp ủy các cấp cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác. Ở mỗi nhiệm kỳ, Thành ủy và các cấp ủy cấp trên cơ sở đều có các đề án, chuyên đề, kế hoạch, nhằm tập trung nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã thành lập mới được gần 900 tổ chức Đảng, kết nạp gần 6.000 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Kết quả thực hiện Nghị quyết đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp và trong đời sống xã hội; củng cố niềm tin, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Thành phố đã cơ cấu lại tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng đồng bộ, thống nhất và tinh gọn, nhờ vậy đã giảm được 939 chi bộ và 2.400 tổ dân phố, thôn; giảm chi phụ cấp, tiết kiệm được ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW với nhiều giải pháp đổi mới, nhằm chủ động giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Thành ủy Hà Nội đã vào cuộc đồng bộ, một mặt đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên; mặt khác tập trung củng cố những “mắt xích” yếu. Năm qua, toàn Đảng bộ thành phố đã củng cố được 75/86 tổ chức cơ sở đảng còn yếu kém.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” và thống nhất thực hiện từ ngày 1-7-2018...
Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt cấp thành phố và quận, huyện, thị đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có 94,9% tốt nghiệp cao đẳng, đại học; 98,5% đạt trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Đảng bộ Hà Nội đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội rút ra 7 bài học kinh nghiệm:
Một là, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ một cách sáng tạo, quyết liệt, tạo sự thống nhất chung về nhận thức, đồng bộ cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy.
Hai là, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nắm vững quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết.
Ba là, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở. Lựa chọn các khâu đột phá hằng năm gắn với chương trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bốn là, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội và của nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là trong công tác cán bộ.
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh.
Sáu là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người cấp ủy, chính quyền; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; giữ vững, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Bảy là, phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ; duy trì sinh hoạt chi bộ là cầu nối trực tiếp giữa tổ chức với đảng viên, chi bộ vững mạnh thì tổ chức cơ sở Đảng mới vững mạnh.
Hoa Hiền