Đảng bộ tỉnh Quảng Bình hiện có trên 70.150 đảng viên, 615 TCCSĐ, trong đó có 320 đảng bộ cơ sở; 295 chi bộ cơ sở, 137 đảng bộ bộ phận, 34 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng ủy bộ phận. Hiện nay toàn Đảng bộ có 14 loại hình chi bộ, cơ bản phù hợp, ổn định, đang phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư, chất lượng sinh hoạt chi bộ có bước chuyển biến tích cực rõ nét.
Một số kết quả
Sau khi có Chỉ thị 10-CT/TW về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo các cấp ủy quán triệt các văn bản của Trung ương đến tận cán bộ, đảng viên. Ban hành Công văn 361-CV/TU ngày 2-5-2008 hướng dẫn bổ sung một số nội dung sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, một số cấp ủy cấp huyện đã có nhiều hình thức phù hợp trong việc triển khai thực hiện. Huyện ủy Lệ Thủy đã tổ chức 2 hội thảo về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và “Giải pháp để nâng cao chất lượng chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, chi bộ HTX dịch vụ nông nghiệp”. Hội thảo đã tạo diễn đàn để các TCCSĐ, các đồng chí bí thư chi bộ trao đổi kinh nghiệm, từ đó tìm ra những cách làm hay, thiết thực để học tập. Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã ban hành Đề án số 01-ĐA/HU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn giai đoạn 2013-2015” với những nội dung cụ thể, tích cực như: 100% chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần; phấn đấu ít nhất 95% chi bộ có nội dung sinh hoạt trọng tâm, trọng điểm; thảo luận và ban hành nghị quyết khả thi, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; bảo đảm mỗi kỳ sinh hoạt của các chi bộ nông thôn có từ 90% đảng viên tham dự… Ở Đảng bộ TP. Đồng Hới, do có nhiều chi bộ trên 50 đảng viên sinh hoạt, việc nắm tình hình, tư tưởng và phẩm chất của cán bộ, đảng viên còn hạn chế; việc tổ chức sinh hoạt cũng như hoạt động của chi ủy, chi bộ gặp nhiều khó khăn nên Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành Quyết định số 217-QĐ/TU ngày 24-5-2012 về việc “Ban hành đề án thành lập đảng bộ bộ phận ở các đảng bộ xã, phường”. Bước đầu thực hiện ở các chi bộ có trên 50 đảng viên trở lên, đến nay thành phố đã thành lập được 34 đảng bộ bộ phận. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Đảng bộ Quân sự tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 533/HD-CT về “Thực hiện “tự soi, tự sửa” theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) trong lực lượng vũ trang tỉnh. Theo đó, 100% đảng viên phải đăng ký thực hiện “tự soi, tự sửa” của tập thể và đảng viên trong các phiên họp, trở thành một công việc thường xuyên.
Nhiều cấp ủy đã duy trì thường xuyên việc phân công các đồng chí là ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, xã, các đồng chí là chuyên viên, cán bộ các ban của huyện ủy trực tiếp về dự sinh hoạt ở một số chi bộ (Huyện Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Minh Hóa, Bố Trạch…). Thông qua việc dự sinh hoạt chi bộ, cấp ủy các cấp đã đánh giá sát, đúng về thực trạng sinh hoạt của các loại hình chi bộ. Từ đó, tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy các cấp có những chủ trưởng, giải pháp để chỉ đạo kịp thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt chi bộ.
Xác định vai trò quan trọng của cấp ủy và đồng chí bí thư chi bộ trong việc nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng ủy, ban thường vụ cấp huyện đã chỉ đạo các ban xây dựng đảng, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho các đồng chí chi ủy viên, bí thư chi bộ, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo yêu cầu của Chỉ thị 10 của Ban Bí thư và Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Trung ương.
Đến nay, hầu hết các chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ vào ngày 25 hằng tháng (trừ chi bộ cơ quan xã sinh hoạt chi bộ ngày 27, chi bộ trong doanh nghiệp và chi bộ vùng biển sẽ linh hoạt). Nội dung sinh hoạt chi bộ đã đáp ứng theo Hướng dẫn số 09 như quán triệt nghị quyết, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; thông tin tình hình thời sự, kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao; giải quyết tâm tư, vướng mắc của đảng viên… Theo đặc điểm của từng loại hình, các chi bộ đã bám sát yêu cầu để tổ chức sinh hoạt có nội dung trọng tâm, phù hợph. Sinh hoạt chuyên đề cũng được chú ý hơn, gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các chuyên đề ở các chi bộ chủ yếu về sinh hoạt chính trị tư tưởng và các vấn đề về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng khu phố văn hóa, vệ sinh môi trường, công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên…Nhiều nghị quyết được ban hành sau các buổi sinh hoạt chuyên đề đã phát huy hiệu quả, tạo những bước chuyển biến mạnh về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề nổi cộm trong dân cư, huy động nguồn lực trong dân.
Hạn chế
Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, chưa xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt chưa đồng đều giữa các loại hình chi bộ.
Phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt chi bộ ở một số đồng chí bí thư chưa khoa học, còn lúng túng, kết luận hội nghị chưa rõ, nên chưa trở thành nghị quyết của chi bộ. Vẫn còn có chi bộ chưa họp cấp ủy trước lúc họp chi bộ do đó một số nội dung khi đưa ra họp chưa có sự thống nhất trong cấp ủy.
Nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ còn rập khuôn, máy móc, thiếu nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng mà chủ yếu còn nặng về chuyên môn, chưa đánh giá sâu công tác xây dựng đảng, đoàn thể, công tác vận động quần chúng, nhất là các chi bộ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Trong sinh hoạt chi bộ, ít chú ý kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm chi bộ, việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện tự phê bình và phê bình chưa trở thành việc thường xuyên.
Một số cấp ủy cấp trên chưa thường xuyên cử cán bộ tham dự các cuộc sinh hoạt chi bộ. Một số chi bộ còn lúng túng trong việc chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề. Việc xây dựng nghị quyết của chi bộ có nơi chưa cụ thể, chưa chú trọng xây dựng nghị quyết hằng tháng, chưa gắn nội dung đánh giá kiểm điểm công tác của chi bộ với đánh giá việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bài học kinh nghiệm
Cấp ủy, chi bộ và các đảng viên phải nhận thức đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chi bộ, coi đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Phát huy tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ.
Cấp ủy các cấp cần tập trung chỉ đạo củng cố chi bộ, nhất là các chi bộ yếu kém, các tổ chức quần chúng, phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tháo gỡ khó khăn của cơ sở.
Quan tâm đến chất lượng đội ngũ cấp ủy, trước hết là bí thư chi bộ. Có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, có kỹ năng xử lý tình huống , kỹ năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trước khi sinh hoạt chi bộ, đồng chí bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung, thảo luận trước trong cấp ủy. Kinh nghiệm cho thấy các chi bộ được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ sẽ tạo cho buổi sinh hoạt chi bộ đạt hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và phát huy vai trò tiên phong của đảng viên.
Chất lượng dự thảo nghị quyết của chi ủy, bí thư chi bộ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vậy dự thảo nghị quyết cần cân nhắc, lựa chọn nội dung phù hợp, vừa bảo đảm toàn diện, không sót việc, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm.
Diệp Chi