Đảng bộ Bắc Giang nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ 18- Công ty may Gazico, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (tháng 5-2018).

Chuyển biến trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Kịp thời triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo đảm thiết thực, trọng tâm, trọng điểm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thường xuyên được quan tâm đổi mới về nội dung, phương pháp. Từng bước khắc phục tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều trong giảng dạy và học tập lý luận chính trị. Định kỳ tổ chức hội nghị thông tin, chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình và định hướng tư tưởng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp thường xuyên được kiện toàn. Hằng tháng, ban tuyên giáo các cấp ủy tổ chức giao ban công tác nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời nắm bắt, tham mưu chỉ đạo giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc ngay từ cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 03, 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI, XII) về học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; tiến hành gợi ý kiểm điểm sâu đối với tập thể và cá nhân cán bộ thuộc diện quản lý về các nội dung công tác hạn chế, có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc. Riêng năm 2016 và 2017 ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã gợi ý kiểm điểm đối với 107 tập thể, 146 cá nhân thuộc quyền quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 624-CV/TU ngày 1-3-2017 chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Thông qua đó, giúp các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ; chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên

Để sắp xếp các TCCSĐ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, từ năm 2008 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo chuyển 33 TCCSĐ có lĩnh vực công tác và phạm vi hoạt động rộng thuộc các đảng bộ huyện, thành phố về Đảng bộ Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh quản lý. Khi mới thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh (tháng 8-2009) có 55 TCCSĐ và 2.112 đảng viên, đến nay đã phát triển thêm 13 TCCSĐ và 1.208 đảng viên.  

Các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã tích cực xây dựng, phát triển, củng cố các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành kế hoạch phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2012- 2015 và 2016- 2020; chỉ đạo thành lập Đảng bộ Các Khu công nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh theo Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương... 10/10 huyện uỷ, thành uỷ và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch; giao chỉ tiêu cho đảng ủy cơ sở nơi doanh nghiệp đứng chân; chỉ đạo chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên về doanh nghiệp; tăng cường kết nạp đảng đối với công nhân... Đến nay,  tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh có 169 (72 TCCSĐ, 97 chi bộ trực thuộc) với 1.899 đảng viên.

Đối với mô hình TCCSĐ ở các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sắp xếp các tổ chức đảng theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh có 9/10 huyện, thành phố (trừ huyện Yên Dũng) đã thành lập đảng bộ cơ sở cơ quan Đảng, đoàn thể và đảng bộ cơ sở cơ quan chính quyền. Việc thành lập theo mô hình trên đã góp phần giảm đầu mối tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện (giảm 116 TCCSĐ); phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập chi bộ cơ quan cấp xã ở những nơi đủ điều kiện theo Hướng dẫn của Trung ương. Đến nay, có 140/230 xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ cơ quan cấp xã với 3.012 đảng viên. Về thực hiện thí điểm mô hình chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thí điểm ở 8 xã, thị trấn với 69 đảng viên. Tuy nhiên, hầu hết các chi bộ quân sự xã hoạt động không hiệu quả, nội dung sinh hoạt đơn điệu; không kết nạp được đảng viên; một số đơn vị tồn tại song song với mô hình chi bộ cơ quan xã nên ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ của đồng chí bí thư đảng... Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương giải thể các chi bộ quân sự xã hoạt động không hiệu quả , đến nay đã có 5/8 đơn vị giải thể.

Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên

Cấp ủy các cấp đã quan tâm chỉ đạo công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; hằng năm xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu, cơ cấu tới từng TCCSĐ; chú trọng phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, trong doanh nghiệp, đảng viên nữ, tuổi trẻ, người dân tộc, học sinh, sinh viên... Từ 2008 đến 2017, toàn tỉnh kết nạp được 26.496 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh lên 81.999 đảng viên,  tăng 22.333 đảng viên so với trước khi thực hiện Nghị quyết 22; chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, đảng viên kết nạp năm 2017 có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 65,4%, tăng 27,6%; tỷ lệ đảng viên là nữ, trẻ nhiều hơn, năm 2017 đảng viên mới kết nạp là nữ chiếm 55,2%, tăng 11,3%;

Thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 44-KH/TU, chỉ đạo các huyện uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh rà soát, mỗi đơn vị lựa chọn ít nhất 1 chủ doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp; cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ; xét, kết nạp khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 19 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

Việc nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố được tập trung chỉ đạo thực hiện. Các cấp ủy đã chỉ đạo rà soát, nắm chắc đội ngũ trưởng, phó thôn có khả năng, triển vọng kết nạp vào Đảng, cử đi bồi dưỡng nhận thức để tạo nguồn và xét kết nạp khi đủ điều kiện; phân công, giới thiệu đảng viên có uy tín ứng cử để bầu làm trưởng, phó thôn; điều chỉnh nhiệm kỳ trưởng thôn phù hợp với nhiệm kỳ đại hội chi bộ... Bằng nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, toàn tỉnh đã kết nạp 298 trưởng thôn và 426 phó thôn, bản, tổ dân phố vào Đảng; nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên lên 62,6%, tăng 20,6%.

Công tác kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên được chú trọng thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành Hướng dẫn công tác phát triển đảng đối với đoàn viên ưu tú là học sinh các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã kết nạp được 437 quần chúng là học sinh, sinh viên ưu tú vào Đảng, tạo nguồn quan trọng để trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh.

Trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở

Công tác quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt cấp ủy, HĐND, UBND cấp xã được thực hiện nghiêm túc. Số lượng, chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt cấp ủy, HĐND, UBND cấp cơ sở được nâng lên qua các nhiệm kỳ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được quan tâm thực hiện. Hằng năm, xây dựng kế hoạch và mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ, công chức cơ sở trên địa bàn; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết tình huống cụ thể ở cơ sở và bồi dưỡng theo chức danh cán bộ. 

Thực hiện chủ trương thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn 7 xã của 7 huyện thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, do các quy chế, quy định về chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã chưa rõ ràng; việc giám sát thực hiện nhiệm vụ đối với đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã chưa chặt chẽ, nên một số nơi có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, xuất hiện tình trạng không thống nhất trong nội bộ. Vì vậy, từ đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015- 2020, 7 đơn vị được chọn thí điểm không tiếp tục thực hiện chủ trương này. Hiện nay, do yêu cầu sắp xếp cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Huyện ủy Tân Yên và Lục Ngạn đang bố trí đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 2 xã là Nhã Nam và Kiên Thành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy là chủ tịch HĐND ở xã, phường, thị trấn; thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, giám đốc doanh nghiệp Nhà nước, thủ trưởng đơn vị lực lượng vũ trang đồng thời là bí thư cấp ủy. Hiện nay, có 185/230 (bằng 80,4%) xã, phường, thị trấn, đồng chí bí thư đảng ủy là chủ tịch HĐND xã; 409/431 (bằng 94,9%) thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước đồng thời là bí thư cấp ủy.

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nên chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên rõ rệt; độ tuổi bình quân trẻ hơn; cơ cấu hợp lý hơn; trình độ chuyên môn cao hơn, cụ thể:

Tổng số cán bộ cấp xã toàn tỉnh (đến 31-12-2017) là 2.305 người. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ 41 (1,8%), tăng 1,8% so với trước khi thực hiện Nghị quyết 22; đại học, cao đẳng 1.235 (53,6%), tăng 36,8%; trung cấp 962 (41,7%), giảm 6,7 %; sơ cấp và chưa qua đào tạo 67 (2,9%), giảm 31,9%. Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 65 (2,8%), tăng 2,2%; trung cấp 1963 (85,2%), tăng 17%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 277 (12%), giảm 19,2%. Độ tuổi bình quân là 45,7 tuổi (giảm 3,2 tuổi) so với trước khi thực hiện Nghị quyết.

Tổng số công chức cấp xã toàn tỉnh (đến 31-12-2017) là 2.665 người. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ 33 (1,2%), tăng 1,1% so với trước khi thực hiện Nghị quyết 22; đại học, cao đẳng 1.849 (69,4%), tăng 40,3%; trung cấp 780 (29,3%), giảm 28,8 %; sơ cấp và chưa qua đào tạo 3 (0,1%), giảm 12,6%. Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 10 (0,4%), tăng 0,4%; trung cấp 1.556 (58,4%), tăng 21%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 1.099 (12%), giảm 21,4%. Độ tuổi bình quân là 39,8 tuổi (giảm 5,5 tuổi) so với trước khi thực hiện Nghị quyết.

Bài học kinh nghiệm

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ động, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa.

Hai là, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy dân chủ, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị.

Ba là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất