Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 16 đảng bộ trực thuộc, 556 tổ chức cơ sở đảng, 21 đảng bộ bộ phận, 2.778 chi bộ với 42.592 đảng viên.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng được Tỉnh ủy Quảng Trị và các cấp ủy trực thuộc quan tâm, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung vào việc thành lập chi bộ mới ở các thôn, bản, cơ quan đơn vị đang còn sinh hoạt ghép; xóa thôn, bản chưa có đảng viên. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên nhân chính đó là một số chi bộ, cấp uỷ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; công tác quản lý, giáo dục đảng viên chưa thực sự chú trọng; nội dung sinh hoạt chi bộ chưa thiết thực, tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục, tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa được đề cao; chi bộ chưa thể hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tăng cường công tác chỉ đạo
Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Bên cạnh các giải pháp về củng cố và phát triển tổ chức đảng, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ như: Quy định số 03-QĐ/TU ngày 21-7-2011 “Về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ khu phố trực thuộc đảng uỷ phường, thị trấn”; Quy định số 04-QĐ/TU ngày 21-7-2011 “Về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ thôn, bản trực thuộc đảng uỷ xã”; Quy định số 08-QĐ/TU ngày 21-5-2013 “Về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn”; Quy định số 02-QĐ/TU ngày 30-3-2016 (thay thế Quy định (tạm thời) số 07-QĐ/TU ngày 9-7-2012) “Về nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của đảng viên Bộ đội Biên phòng tỉnh về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản các xã, thị trấn biên giới”; Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 23-9-2011 “Về triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2011 đến năm 2015”; Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22-3-2017 về việc tổ chức diễn đàn “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đồng thời chỉ đạo việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể.
Ở cấp huyện, hầu hết các huyện ủy, thị ủy và thành ủy đã xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ chỉ đạo, tổ công tác, phân công cấp ủy viên cấp huyện, cấp ủy viên cơ sở và các đồng chí cán bộ là đảng viên về dự, theo dõi sinh hoạt hằng tháng với các chi bộ ở khu dân cư, đồng thời gắn trách nhiệm với chất lượng hoạt động của các chi bộ.
Ở cấp xã, nhiều xã, thị trấn đã thành lập tổ công tác về chỉ đạo tham dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư do đồng chí cấp uỷ viên cấp huyện chỉ đạo xã làm tổ trưởng; một số xã có thôn bản có ít đảng viên hoặc cần có sự tham gia của cấp ủy, đã tiến hành phân công các đồng chí là cấp ủy viên, cán bộ Mặt trận, đoàn thể, giáo viên là đảng viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm trong công tác Đảng về tham gia sinh hoạt đảng tại chi bộ thôn, bản để vừa củng cố, phát triển chi bộ, nâng cao năng lực cho đảng viên đồng thời giúp chi bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Cùng với giải pháp phân công cấp uỷ viên, cán bộ là đảng viên về dự sinh hoạt với các chi bộ ở khu dân cư, công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt chi bộ cho chi ủy viên, bí thư, phó bí chi bộ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ trực thuộc quan tâm chỉ đạo. Công tác kiểm tra, giám sát đối với chi bộ được các đảng uỷ cơ sở thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ chi bộ bình quân trong 1 năm được kiểm tra về sinh hoạt chi bộ/tổng số chi bộ trên 35%. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các chi bộ đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo định kỳ hằng tháng, cơ bản thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức sinh hoạt Đảng; nội dung, phương thức sinh hoạt đảng dần được đổi mới và đi vào nền nếp.
Đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ
Căn cứ vào tình hình, điều kiện và nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ để quy định thời gian tổ chức sinh hoạt định kỳ của chi bộ hợp lý. Từ khi có Chỉ thị 10 và các Hướng dẫn của Trung ương và Quy định số 03, 04-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, việc sinh hoạt của các chi bộ đã có sự đổi mới, chuyển biến rõ rệt về nội dung và cách thức tổ chức. Trong sinh hoạt thực hiện đầy đủ 3 bước: mở đầu, nội dung và kết thúc, trong đó phần nội dung được chi bộ dành nhiều thời gian nhất để sinh hoạt.
Mặc dù có nhiều loại hình chi bộ khác nhau nhưng trong nội dung sinh hoạt của các chi bộ luôn thực hiện đảm bảo yêu cầu chung đề ra, đó là: Hằng tháng, thông qua Tài liệu sinh hoạt chi bộ do Ban Tuyên giao Tỉnh uỷ phát hành và các thông tin cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng, chi uỷ, bí thư chi bộ chọn lọc những thông tin phù hợp, thiết thực, có tính thời sự nổi bật về tình hình trong nước, quốc tế và của địa phương, cơ quan, đơn vị; những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên phổ biến, quán triệt đến với đảng viên. Chú trọng việc nắm tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề tư tưởng cần quan tâm để từ đó có hướng giải quyết phù hợp, giúp cho đảng viên, quần chúng an tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong sinh hoạt, việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được phân công; đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ được các chi bộ thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình được coi trọng, trong đó tập trung vào những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Trung ương 4 (khoá XII). Trên cơ sở đó, chi bộ đề ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong chi bộ thực hiện.
Công tác chuẩn bị của chi ủy, bí thư chi bộ đã được chú trọng và trở thành nền nếp. Nội dung sinh hoạt được chi ủy hoặc đồng chí bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) thảo luận, thống nhất trước sau khi trao đổi với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thôn, bản, khu phố. Tuỳ theo tính chất của cuộc họp và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thông báo cho các đồng chí dự họp và đảng viên của chi bộ biết trước từ 1 đến 3 ngày.
Thông qua đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ. Việc thảo luận của đảng viên được coi trọng đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của đảng viên.
Sinh hoạt chuyên đề được cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Ngoài yêu cầu chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo các chi bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung và số lượng phù hợp.
Một số cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo trong sinh hoạt chi bộ đã xuất hiện, khắc phục được tình trạng trong sinh hoạt chi bộ chủ yếu bàn về công việc chuyên môn, ít bàn về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ mình, như: Đưa các đồng chí đảng viên là sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp ở các đội trinh sát, vận động quần chúng đồn biên phòng có cấp bậc từ trung úy trở lên, có năng lực, trình độ được giới thiệu về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản thuộc đảng bộ ở các xã biên giới; đưa các cán bộ giữ chức vụ là đảng viên ở xã, phường, thị trấn về sinh hoạt và giữ chức vụ bí thư ở các chi bộ thôn, bản, khu phố có ít đảng viên, ở các chi bộ gặp khó khăn; phân công cán bộ là đảng viên ở cấp huyện, xã (bao gồm các đồng chí ủy viên ban thường vụ vụ, ủy viên ban chấp hành) hằng tháng về dự sinh hoạt tại các chi bộ ở khu dân cư. Thành lập các tổ chỉ đạo dự sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư; một số cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, nội dung sinh hoạt chi bộ được chi ủy, bí thư chi bộ chuẩn bị trước và gửi đến các đảng viên (bằng văn bản giấy, mạng nội bộ) để nghiên cứu trước và chuẩn bị ý kiến tham gia. Nhờ vậy khi tổ chức sinh hoạt không đọc lại nội dung, chi bộ chỉ có thảo luận, tiết kiệm được thời gian; một số chi bộ, ngoài những nội dung cơ bản do đồng chí bí thư chi bộ chuẩn bị, quán triệt, nội dung sinh hoạt chuyên đề giao cho đảng viên chuẩn bị, trình bày và đóng vai trò là người chủ trì. Với cách làm này giúp đảng viên vừa nghiên cứu sâu về vấn đề cần trình bày, vừa nâng cao kỷ năng diễn thuyết trước tập thể; tổ chức tại các chi bộ diễn đàn “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế, bất cập trong sinh hoạt chi bộ:
Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị và các hướng dẫn của Trung ương ở một số cấp uỷ cơ sở còn chậm, nhất là đối với các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Một số cấp uỷ, chi bộ chưa nghiên cứu kỹ Chỉ thị 10-CT/TW, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW để áp dụng vào thực tiễn nên việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có lúc chưa được sâu sát, chưa thường xuyên. Có nơi việc tổ chức sinh hoạt chi bộ chưa bám sát vào hướng dẫn, vẫn còn thực hiện theo lối truyền thống, dựa vào kinh nghiệm. Nền nếp sinh hoạt có nơi thực hiện chưa nghiêm, sinh hoạt chưa đúng định kỳ hằng tháng, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt mới đạt từ 80 đến 90%. Nội dung sinh hoạt hằng tháng ở một số chi bộ còn đơn điệu, hình thức; ở chi bộ địa bàn khu dân cư nặng báo cáo hoạt động của đoàn thể, ở chi bộ cơ quan nặng về đánh giá chuyên môn; số lần sinh hoạt chuyên đề chưa bảo đảm, chất lượng sinh hoạt chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong sinh hoạt tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn nể nang, né tránh nhất là ở các chi bộ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt, là thủ trưởng, giám đốc cơ quan, đơn vị; tính chiến đấu, tính giáo dục chưa được đề cao, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của đảng viên còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng đảng vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức lối sống, kể cả đảng viên giữ chức vụ. Công tác quản lý đảng viên ở các chi bộ trong loại hình chi bộ địa bàn khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của chi bộ có lúc chưa được thực hiện thường xuyên.
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng của quê hương; thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cấp uỷ các cấp tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW gắn với chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy định tại khoản 6, Điều 22; khoản 2, Điều 24, Điều lệ Đảng về sinh hoạt chi bộ. Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, đưa việc sinh hoạt chi bộ vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả, làm cho sinh hoạt chi bộ trở thành diễn đàn của đảng viên, thực sự là nơi sinh hoạt tư tưởng để cấp ủy nắm và hiểu tâm tư nguyện vọng của đảng viên, là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên.
Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ chi uỷ viên, bí thư, phó bí thư chi bộ, thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; hằng năm chỉ đạo Trung bồi dưỡng chính trị mở các lớp tập huấn về xây dựng Đảng, về kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ ở cơ sở, đồng thời đổi mới cách giảng dạy, đưa những nội dung mới, mang tính thời sự vào chương trình học.
Quan tâm xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với việc bảo đảm nền nếp sinh hoạt chi bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của cơ sở, kịp thời biểu dương khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Tiếp tục duy trì và phát huy, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được phân công về sinh hoạt chi bộ ở địa bàn khu dân cư.
Xuân Vinh