Nhìn lại đại hội đảng bộ cấp cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng, bên cạnh việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy cấp trên, nhiều tỉnh, thành ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn nội dung, quy trình và các văn bản mẫu để thực hiện trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Việc chỉ đạo và tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở được tiến hành qua 2 giai đoạn: Giai đoạn thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tiến hành từ tháng 3 (Hà Nội tiến hành từ tháng 1) và kết thúc giữa tháng 5-2010. Trong số 1.405 đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm có 53,2% là đảng bộ xã, phường, thị trấn, 15,3% đảng bộ cơ quan và đơn vị sự nghiệp, 12,3% đảng bộ trong các loại hình doanh nghiệp và 19,2% đảng bộ trong lực lượng vũ trang. Đây tuy là vấn đề mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng, nhưng là việc làm nhằm mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, phù hợp với quy chế dân chủ ở cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên nên được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Thực hiện mở rộng dân chủ trực tiếp của đảng viên trong đại hội đã đề cao hơn trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong công tác chỉ đạo và chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới nói chung, các chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và đề cao ý thức của đảng viên trong đại hội. Giai đoạn tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng tiến hành từ đầu tháng 5, kết thúc đầu tháng 8-2010.
Về xây dựng và thảo luận các báo cáo của cấp ủy cơ sở: Nhìn chung báo cáo của các cấp ủy cơ sở đã bám sát quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ, nghị quyết của đại hội đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ trước đề ra và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để đánh giá ưu, khuyết điểm, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. Các báo cáo tại đại hội cấp cơ sở lần này đã giảm đáng kể tình trạng sao chép nội dung, câu chữ trong dự thảo báo cáo của cấp ủy cấp trên. Báo cáo kiểm điểm của nhiều cấp ủy cơ sở đã đi sâu đánh giá việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy và nhiệm vụ của các cấp ủy viên được phân công. Phần lớn các báo cáo đã thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể cấp ủy cũng như của từng cá nhân cấp ủy viên. Việc thảo luận, tham gia ý kiến vào báo cáo của cấp ủy khá sôi nổi, phong phú. Bình quân mỗi đại hội có từ 9 đến 13 ý kiến thảo luận, một số đại hội (nhất là trong Quân đội) có trên dưới 20 ý kiến. Không khí thảo luận tại đại hội thể hiện dân chủ, thẳng thắn và có trách nhiệm, nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng.
Về tham gia ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên: Trước khi tiến hành đại hội, các cấp ủy cơ sở đều tổ chức để đảng viên ở chi bộ nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Trung ương trình Đại hội XI của Đảng và báo cáo của cấp ủy cấp trên trực tiếp từ 1 đến 2 ngày. Nhìn chung, ý kiến thảo luận của đảng viên ở các chi bộ cũng như ở đại hội thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với nội dung trong các dự thảo văn kiện của cấp trên. Nhiều báo cáo tổng hợp ý kiến đảng viên góp ý cho các văn kiện của cấp trên được cấp ủy cơ sở chuẩn bị kỹ và có chất lượng tốt.
Về kết quả bầu cử cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015: Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy ở đại hội lần này được chỉ đạo chặt chẽ, cơ bản bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục và quy trình hướng dẫn của Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, hầu hết các cấp ủy coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng cấp ủy viên và chú ý về cơ cấu để tăng tỷ lệ nữ, tỷ lệ tuổi trẻ tham gia cấp ủy; nhiều nơi đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; đa số danh sách ứng cử viên có số dư trên 15% so với số lượng cần bầu. Kết quả bầu cử cho thấy số lượng cấp ủy viên ở hầu hết các đảng bộ đều tăng (nơi nhiều nhất tăng thêm 6); số cấp ủy viên mới tham gia đạt bình quân 40% (một số nơi trên 50%). Trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ của cấp ủy cơ sở được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn. Hầu hết các đại hội bầu đủ số lượng cấp ủy, những nơi làm thí điểm bầu được ban thường vụ và bí thư, phó bí thư. Hầu hết cấp ủy viên đương nhiệm được cấp ủy giới thiệu tiếp tục tái cử đều trúng cử với số phiếu cao. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ và trẻ tuổi ở nhiều nơi đạt hơn 15% theo chỉ đạo của Trung ương.
Tổng hợp kết quả bầu cử cấp ủy ở 51.205 TCCSĐ như sau:
- Tổng số cấp ủy viên được bầu là 235.718, trong đó số cấp ủy viên mới tham gia là 91.944, chiếm 39%.
- Số cấp ủy là nữ có 43.053 đồng chí, chiếm 18,1%. Nơi đạt tỷ lệ cao nhất là Tp. Hồ Chí Minh (27,19%); một số nơi đạt thấp như Đắc Nông (12,1%), Thái Bình (13,1%), Hậu Giang (13,6%).
- Tổng số cấp ủy viên trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) có 35.535, chiếm 15%. Những nơi đạt cao là Hà Giang (36,98%), Quảng Nam (30%); những nơi đạt thấp là Hưng Yên (5,5%), Đà Nẵng (6,5%).
- Số cấp ủy viên là người dân tộc thiểu sổ ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được giữ vững và tăng. Một số tỉnh có tỷ lệ cao là Lạng Sơn (72,3%), Hà Giang (67,6%), Hòa Bình (63,6%).
- Tuổi đời bình quân của cấp ủy viên cơ sở là 42,4. Nơi có tuổi bình quân thấp nhất là Hà Giang (39,2 tuổi), nơi có tuổi bình quân cao nhất là Nghệ An (45,4 tuổi).
- Trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ của cấp ủy cơ sở: tốt nghiệp THPT chiếm 51,2%; có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 47%; có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 50,5%.
- Đa số các đồng chí dự kiến giới thiệu bầu chức danh bí thư đều được tín nhiệm cao. Nhiều đồng chí trúng cử với số phiếu 100%.
- Có 458 đồng chí bí thư và 785 đồng chí phó bí thư cấp ủy cơ sở (có 286 đồng chí là phó bí thư - chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn) được cấp ủy đương nhiệm giới thiệu nhưng không trúng cử. Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân cán bộ đó có thiếu sót, khuyết điểm nên tín nhiệm thấp. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, một số cấp ủy chưa thật sự mở rộng dân chủ, còn gò ép hoặc nể nang, né tránh, giới thiệu cả những đồng chí có khuyết điểm nên không được đại hội tín nhiệm. Một số cấp ủy cấp trên do không nắm chắc cán bộ, hoặc biết cán bộ có khuyết điểm nhưng hữu khuynh, chỉ đạo thiếu kiên quyết nên không được đại hội chấp nhận. Một số nơi do tư tưởng cục bộ địa phương, dòng họ nên một số đồng chí bị mất phiếu dẫn đến không trúng cử. Một số trường hợp được dự kiến tham gia cấp ủy để bố trí vào vị trí công tác mới nhưng không được thảo luận, làm rõ định hướng phân công sau đại hội nên không trúng cử.
Việc tổng hợp kết quả, phân tích, đánh giá làm rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân của việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở lần này sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ đại hội tiếp theo và công tác tổ chức xây dựng đảng những năm tới được tốt hơn.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất