Chủ động về nội dung, đổi mới về nhân sự
Sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức và tài vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới

Nội dung tìm được “bản sắc riêng”

Trong công tác chuẩn bị nội dung cho đại hội, có một khâu quan trọng được các đảng bộ dành nhiều tâm huyết nhất, đó là xây dựng báo cáo chính trị. Xác định tầm quan trọng của văn kiện này là cơ sở để đề ra các chỉ tiêu, là "ngọn cờ dẫn đường" cho cả nhiệm kỳ 2010-2015, vì vậy, các đảng bộ trong cả nước đã thành lập tiểu ban văn kiện, yêu cầu cơ quan chuyên môn đánh giá các chỉ tiêu kinh tế-xã hội một cách chính xác để đánh giá kết quả thực hiện trong cả nhiệm kỳ.

Đảng bộ Tp.Hà Nội sau khi xong lần 1, toàn văn dự thảo báo cáo chính trị đã được chuyển đến cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các quận huyện... để lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt, Thành ủy đã tổ chức 9 buổi gặp gỡ và xin ý kiến của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các cán bộ lão thành cách mạng đến trưởng các ngành, MTTQ, đoàn thể của thành phố... để đóng góp cho định hướng phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo. Tại các hội nghị đóng góp ý kiến, Hà Nội đã nhận được rất nhiều góp ý tâm huyết trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng đến bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; những giải pháp nhằm phát huy đội ngũ tài năng trẻ và đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển thủ đô; cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị; nâng cao chất lượng đảng viên và chất lượng sinh hoạt chi bộ... Những ý kiến đóng góp này đã giúp thành ủy có cơ sở đề ra mục tiêu phấn đấu sát thực hơn trong những năm tiếp theo.

Cùng với Hà Nội, các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều buổi góp ý dự thảo văn kiện thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe, tiếp thu của các cấp ủy nhằm phát huy tối đa trí tuệ, dân chủ trong Đảng, trong xã hội để cuối cùng văn kiện chính là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thông qua đó giúp cho các cơ quan chức năng tiếp thu các ý kiến đóng góp về những yếu kém, thiếu sót trong nhiệm kỳ qua với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận trách nhiệm và đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới …

Cùng với việc đánh giá, phân tích kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2005-2010, các đảng bộ đã làm rõ nguyên nhân những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiểm điểm việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Yên Bái... đã dành dung lượng khá dài để kiểm điểm những thiếu sót, khuyết điểm trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó có giải pháp sửa chữa trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Khắc phục tính hình thức, khuôn mẫu của những báo cáo chính trị, các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy khối đã tìm được "bản sắc riêng". Báo cáo chính trị gần gũi, sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, 100% các đảng bộ đã xác định được khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Điều này đã khẳng định sự sáng tạo, một điểm mới so với các nhiệm kỳ trước đây. Chẳng hạn, với tốc độ đô thị hóa nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển biến mạnh, Đảng bộ Tp.Hải Phòng đã xác định 3 khâu đột phá phải tập trung làm cho tốt đó là: Tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thành phố; ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố cả trước mắt và lâu dài theo hướng nhanh, bền vững; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn đồng bộ với tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hay như Hà Giang, một tỉnh nghèo, chưa thoát khỏi tình trạng của một tỉnh đặc biệt khó khăn, nên trong các khâu đột phá, Hà Giang cũng tìm những giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương như: đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến; đột phá về xây dựng nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư và xây dựng, phát triển đô thị; đột phá về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm...

Điểm nhấn “đột phá”

Việc thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu bí thư cấp ủy là vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong đảng. Vì vậy, sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy đảng đã coi trọng việc nghiên cứu, quán triệt chủ trương mới của Trung ương, tạo sự thống nhất nhận thức trong các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đối với đại hội đảng bộ cơ sở, số đảng bộ cơ sở được thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư là 1.405, chiếm 6,39% tổng số đảng bộ cơ sở trong toàn Đảng. Danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ đảm bảo số dư 15% và 20% trở lên. Việc bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội cơ bản là bầu tròn. Số lượng cấp ủy viên tăng so với nhiệm kỳ trước, số lượng cấp ủy viên mới tham gia lần đầu đạt 40%, có nơi 50%.

Đối với cấp huyện và tương đương, số đảng bộ thực hiện thí điểm là 237 (chiếm 18% tổng số đảng bộ cấp trên); tỷ lệ số dư bầu cử từ 15% và có nơi 30%. Số cấp ủy viên mới tham gia bình quân đạt 35-50%, có nơi 60%. Nhiều nơi 100% cấp ủy viên có trình độ đại học.

Nhìn chung, tại đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, công tác nhân sự được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương. Danh sách giới thiệu bầu cấp ủy bảo đảm số dư từ 15% trở lên, nhiều nơi có số dư trên 30%. Hầu hết các đại hội bầu đủ số lượng ủy viên ban chấp hành. Việc đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy được chuẩn bị kỹ, thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn, tạo được sự thống nhất cao. Các đồng chí bí thư được đại hội bầu đều trong quy hoạch và trúng cử với số phiếu khá cao, đạt từ 90% trở lên.

Là một đảng bộ được chọn trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy, trong nhận thức của hầu hết đại biểu Đại hội Đảng bộ Tp.Đà Nẵng, ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn của một thành ủy viên, ứng viên chức danh bí thư thành ủy khoá XX còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương Đảng thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất đối với ứng viên chức danh bí thư thành ủy là vai trò thủ lĩnh để cùng với ban chấp hành đảng bộ thành phố tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Kết quả đồng chí bí thư thành ủy đương nhiệm tái đắc cử với số phiếu gần như tuyệt đối: 298/299 phiếu. Đây là một kết quả có nhiều ý nghĩa.

Có thể thấy, qua quá trình bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội đảng bộ cơ sở và bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, đúng nguyên tắc, thủ tục quy định và có được sự thống nhất cao. Qua đó, đã góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, tăng cường đoàn kết và đề cao ý thức trách nhiệm của đảng viên trong đảng bộ. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với Quy chế dân chủ ở cơ sở và nguyện vọng của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất