Tình hình thực tế
Đảng bộ tại Ma-lay-xi-a có 8 chi bộ trực thuộc: 4 chi bộ trong cơ quan đại diện, 4 chi bộ ngoài cơ quan đại diện và đảng viên sinh hoạt lẻ. Đảng ủy tại Malaysia có 5 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy có 3 đồng chí; ở các chi bộ phân công 1 đảng viên phụ trách công tác kiểm tra.
Với đặc điểm số đảng viên là lao động hầu hết không biết ngoại ngữ, ra đi từ những vùng quê nghèo, làm việc trong những lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số làm việc theo các công trình, nơi ở không ổn định; đảng viên ở rải rác tại nhiều bang của Malaysia, vị trí địa lý trải dài, cách xa nhau, đi lại giữa các bang và từ các bang về thủ đô rất xa, mất nhiều thời gian và kinh phí. Trong khi đó, tình hình an ninh - trật tự xã hội sở tại có nhiều bất ổn xảy ra nhiều với lao động người nước ngoài khiến nhiều người không dám tự đi lại. Đối với người trong hợp đồng lao động, chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu và quản lý ngoài giờ rất chặt, bị hạn chế đi lại, sinh hoạt tập trung tại khu vực ký túc xá, nếu vi phạm quy định sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động và trả về nước. Đối với người sang làm việc (do cơ quan trong nước cử đi hoặc tự túc) hay sang học tập (tự lo kinh phí) cũng không được công khai tụ tập đông người, hơn nữa thời gian làm việc và học tập căng thẳng, hạn chế nghỉ làm… Do vậy, việc xây dựng tổ chức đảng ngoài cơ quan đại diện và duy trì hoạt động là hết sức khó khăn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước về công tác kiểm tra, giám sát; ban hành một số văn bản để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; đề xuất với Đảng ủy Ngoài nước một số vấn đề cần về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra năm 2017, Đảng ủy đang tiến hành kiểm tra 1 chi bộ trong cơ quan đại diện; về giám sát, đã tiến hành xong đối với 1 chi bộ ngoài cơ quan đại diện. Nội dung kiểm tra, giám sát theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước và tình hình thực tế của Đảng bộ.
Công tác kiểm tra không đặt chỉ tiêu, mà căn cứ vào tình hình thực tế để kiểm tra (nếu có). Về công tác giám sát, ngoài việc phân công các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên theo quy định tại các chi bộ trực thuộc, đang giám sát chuyên đề đối với 1 chi bộ ngoài cơ quan đại diện.
Trong việc thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát trên, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy (trực tiếp là đồng chí Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra) có vai trò quan trọng, vừa là người tham mưu, vừa là người tổ chức thực hiện ở các giai đoạn của quy trình kiểm tra, giám sát, từ việc dự thảo quyết định, xây dựng kế hoạch, gợi ý để chi bộ báo cáo; xây dựng lịch trình kiểm tra, giám sát và chuyển tải những thông tin đó cho chi bộ chuẩn bị. Sau khi tiến hành kiểm tra, giám sát các chi bộ, dự thảo báo cáo, trao đổi với chi bộ được kiểm tra, giám sát, hoàn chỉnh, xin ý kiến Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra và ban hành thông báo kết luận…
Việc kiểm tra, giám sát ở trong nước hiện nay đã khắc phục được rất nhiều về tâm lý. Tuy nhiên, ở nước ngoài là một vấn đề khó, do tư duy nhiệm kỳ, nên ít được kiểm tra, giám sát, nảy sinh tâm lý nể nang, ngại va chạm và điều kiện để thực hiện cũng khó khăn. Song, công tác kiểm tra, giám sát được Đảng ủy tại Malaysia rất quan tâm, chỉ đạo, với mục đích chủ yếu là nhắc nhở, cảnh báo, ngăn chặn, nhằm đưa hoạt động công tác đảng đi vào nền nếp. Đó là nhân tố quan trọng, giúp cho việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan đại diện.
Cần xem xét, sửa đổi quy trình kiểm tra, giám sát phù hợp
Để triển khai thực hiện một cuộc kiểm tra hay giám sát, nhất là các chi bộ ngoài cơ quan đại diện là một vấn đề hết sức khó khăn. Thời gian thực hiện, mặc dù đã linh hoạt về quy trình, song có cuộc phải vài tháng mới kết thúc. Sau khi gửi hồ sơ kiểm tra hay giám sát cho chi bộ, qua email, gồm quyết định, kế hoạch, gợi ý báo cáo; xây dựng lịch trình làm việc, khâu khó nhất là việc chi bộ xây dựng và thống nhất được báo cáo tự kiểm tra hay giám sát. Phải mất rất nhiều thời gian chi ủy, chi bộ mới xây dựng báo cáo và họp chi bộ để thống nhất. Do đặc điểm, tình hình chi bộ, đảng viên, nên việc tập hợp đông đủ đảng viên là rất khó vì công việc mỗi người khác nhau, ngày nghỉ khác nhau (có người nghỉ thứ bảy, có người nghỉ chủ nhật), khoảng cách xa nhau (có khi trên 100 km), mà nếu muốn trao đổi qua email, hầu hết đảng viên là lao động không có. Khó khăn nữa là việc xây dựng dự thảo báo cáo, vì bí thư chi bộ, với đối tượng là công nhân nên hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác đảng. Mặc dù có đề cương gợi ý báo cáo, nhưng phải mất nhiều thời gian mới có dự thảo, chất lượng cũng chưa bảo đảm, nội dung thường sơ sài. Và cũng mất nhiều thời gian thực hiện quy trình tiếp theo là Tổ kiểm tra hay giám sát làm việc với chi bộ. Đây là bước rất quan trọng, là dịp để Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tiếp xúc với đầy đủ đảng viên. Bởi vậy, cần xác định không phải chỉ là kiểm tra hay giám sát đơn thuần, mà là dịp để truyền đạt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, quy định, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vừa là kiểm tra, vừa là chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với chi ủy, chi bộ. Qua đây cho thấy cần xem xét, sửa đổi quy trình kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc thù ở ngoài nước nói chung, một số địa bàn nói riêng.
Một số giải pháp
Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Trong quy hoạch Đại sứ - Bí thư Đảng ủy nên bố trí để các đồng chí đó tham gia cấp ủy, bí thư chi bộ, đảng bộ để rèn luyện. Trong chương trình bồi dưỡng trước khi đi nhiệm kỳ, có nội dung bồi dưỡng công tác kiểm tra, giám sát với thời gian thích hợp (đã có bồi dưỡng nhưng thời gian quá ngắn). Qua đó, giúp cho việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đây là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định, tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động đối với công tác này.
Xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với đặc thù ở ngoài nước. Hiện nay, về công tác kiểm tra, giám sát Trung ương chưa có quy định đặc thù, trong đó có quy trình, phương pháp, cách thức kiểm tra, giám sát…(do giữ bí mật nên việc lưu giữ tài liệu, sổ sách, chứng từ, văn bản là khó khăn, nhiều tài liệu không lưu). Do vậy, Đảng ủy Ngoài nước cần biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy trình kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phù hợp với đặc thù ngoài nước.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng nội dung liên quan đến hoạt động của Ngành ngoại giao, công tác đối ngoại. Phát hiện nhân tố tích cực để nhân rộng; những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để kiến nghị điều chỉnh, nhằm ngăn ngừa, hạn chế các sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thường dễ xảy ra vi phạm; kiểm tra, giám sát người đứng đầu cơ quan về năng lực lãnh đạo, quản lý, về phẩm chất đạo đức, lối sống, về phong cách và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra đảng ủy, chi bộ phải xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm và thực hiện kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Tập trung giám sát chi uỷ, chi uỷ viên, đảng viên là cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý. Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên từ khi mới phát sinh để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ trong nội bộ, ngay từ cơ sở.
Hằng năm, cuối nhiệm kỳ, cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ phải trực tiếp chỉ đạo tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở cấp mình. Đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra và chi bộ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả
Cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, ngoài những tiêu chuẩn chung của người cán bộ theo quy định, cán bộ ngoài nước phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, có trình độ ngoại ngữ để hoạt động đơn lẻ; có kiến thức, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng.
Bùi Khánh Long
Đảng ủy tại Ma-lai-xi-a