Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
Mở đầu hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình Tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn thành phố; quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết số 15-NQ/TU và Kế hoạch số 51-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Tồn tại hơn 200 vụ việc phức tạp
Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong những năm qua, công tác xây dựng TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. Trung ương, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình để lãnh đạo công tác xây dựng TCCSĐ; đã góp phần tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng tổ chức, hoạt động của TCCSĐ và hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của của Nhà nước; phát hiện, giải quyết, tháo gỡ và xử lý kịp thời những vấn đề nổi côm, bức xúc phát sinh trên địa bàn, trong dư luận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố vẫn còn có khoảng 200 vụ việc phức tạp ở các mức độ khác nhau trên địa bàn hơn 100 xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết. Từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đối với TCCSĐ và hệ thống chính trị cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành ủy cũng là bước chuẩn bị sớm, quan trọng đối với công tác lãnh đạo các TCCSĐ trong toàn Đảng bộ Thành phố thực hiện hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2015 - 2020 và việc chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Mục đích của Nghị quyết 15-NQ/TU là "Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của TTCSĐ và việc xây dựng TCCSĐ thực sự trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố giai đoạn hiện nay. Đề ra giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém, gắn với giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về ANCT-TTATXH trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội".
Nghị quyết 15 nêu rõ yêu cầu, cùng với yêu cầu tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của các cấp ủy và tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ thành phố thì trọng tâm hiện nay là xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém. Kiểm soát tốt tình hình ở cơ sở, kiên quyết không để diễn biến thành điểm nóng, đồng thời không để phát sinh các vụ việc phức tạp mới. Các cấp ủy đảng chỉ đạo rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, bảo đảm chất lượng các chỉ tiêu về xây dựng TCCSĐ chương trình đã đề ra.
Nghị quyết 15 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó ngoài những giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ phải phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Đối với các địa bàn có những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về ANCT-TTATXH, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và các cấp ủy cấp trên cơ sở rà soát nắm chắc tình hình, phân loại theo vụ việc, theo tính chất, mức độ ảnh hưởng đến tình hình ANCT-TTATXH; đánh giá thực chất về năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; dự báo tình hình, đề ra đường lối lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự, công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo; tập trung giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận người dân trên địa bàn, làm tăng niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó từng bước giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp rất nhiều ý kiến khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 15, đồng thời thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các nội dung Nghị quyết 15 và Kế hoạch 51; từng bước củng cố TCCSĐ, nhất là TCCSĐ yếu kém gắn với giải quyết có hiệu quả những vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại xã, phường, thị trấn của Thành phố, tạo sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô.
Kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ yếu kém
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố bám sát 7 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết số 15; mục đích, yêu cầu, tiến độ và phân công thực hiện nêu trong Kế hoạch số 51 của Ban Thường vụ Thành ủy, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết. Căn cứ tình hình thực tiễn từng TCCSĐ và yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm cụ thể, cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện cùng lúc hoặc ưu tiên thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là mầm mống gây mất ổn định tại địa phương như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đơn thư khiếu nại, tố cáo... Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Thường xuyên, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp rất quan trọng, phải luôn đi trước một bước, đổi mới phương pháp; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm cụ thể; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa sai phạm; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong tất cả mọi trường hợp, cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin, định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp. Cùng với đó, phải nâng cao hoạt động, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động, ngăn chặn kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên mạng xã hội.
Cấp ủy cấp trên cơ sở phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định; có kế hoạch kịp thời củng cố những TCCSĐ yếu kém; khắc phục ngay biểu hiện hình thức trong đánh giá chất lượng TCCSĐ, đánh giá cán bộ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế. Những địa bàn đặc biệt phức tạp cần quan tâm có giải pháp tập trung, khi cần thiết thì có phương án đặc thù về cán bộ ở những địa bàn này.
"Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở. Giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc, phức tạp là công việc khó khăn, công phu, là nhiệm vụ tất yếu phát sinh trong quá trình vận động phát triển xã hội, nhất là đối với vị trí của Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, đang trong quá trình đô thị hóa, phát triển mạnh mẽ" - đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Với tinh thần, trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình 01, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở; xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới