Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 601 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 2.742 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 64.992 đảng viên. Trong 161 đảng bộ xã, phường, thị trấn có 12 đảng bộ bộ phận, 1.795 chi bộ trực thuộc. Đã thành nền nếp, cứ ngày 5 hằng tháng, chi bộ thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lại tổ chức sinh hoạt; Thường trực Tỉnh ủy dự sinh hoạt với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở 6 tháng một đến hai lần, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt chi bộ ít nhất mỗi quý một lần. Vì vậy, cấp ủy tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ nhiều nảy sinh từ cơ sở, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố ở Hưng Yên đã có chuyển biến, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Phân công cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở
Trước đây, sinh hoạt chi bộ ở Hưng Yên vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: Vai trò lãnh đạo của chi bộ còn mờ nhạt; nội dung sinh hoạt đơn điệu, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn; tinh thần tự phê bình và phê bình trong đảng viên chưa cao, còn nể nang, né tránh; còn tình trạng đảng viên đi làm ăn xa nhiều lần không tham gia sinh hoạt chi bộ… Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã nghiêm túc nhìn nhận và chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng đảng, nhất là trong sinh hoạt chi bộ, từ đó thảo luận và thống nhất các các giải pháp thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Đại hội xác định “Coi trọng xây dựng TCCSĐ thực sự trong sạch, vững mạnh là hạt nhân chính trị ở cơ sở, huy động và quy tụ được sức mạnh tổng hợp của từng địa phương, đơn vị, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh tại cơ sở, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao”.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 5-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn trong sạch vững mạnh, giai đoạn 2011 – 2015; ngày 16-5-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Quy định số 895-QĐ/TU về việc các đồng chí Tỉnh ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ. Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện quy định đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ đối với 55/55 đồng chí Tỉnh ủy viên đã phát huy hiệu quả.
Các đồng chí đã kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết trực tiếp theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, giải quyết, nhất là những vấn đề nóng, mới phát sinh. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, các đồng chí cấp ủy viên không những chỉ chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện sinh hoạt chi bộ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, mà còn thông tin cho đảng viên chi bộ nắm được kịp thời, chính xác tình hình thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cơ sở và chi bộ đã duy trì nền nếp sinh hoạt nghiêm túc, chuẩn bị nội dung sinh hoạt chu đáo, chất lượng hơn. Trong sinh hoạt, có nhiều ý kiến tham gia đóng góp, thảo luận, phát huy dân chủ. Nhiều chi bộ đã bước đầu quan tâm triển khai sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung cụ thể, sát thực với tình hình của chi bộ và địa phương để tổ chức bàn bạc, thảo luận. Kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng của cấp ủy viên cơ sở, chi ủy viên chi bộ nhất là đồng chí bí thư cấp ủy được nâng lên rõ rệt. Nghị quyết của cấp ủy cơ sở, chi bộ đề ra đã sát thực tế hơn. Nhiều vấn đề phức tạp được đồng chí tỉnh ủy viên góp ý và tập thể cấp ủy, chi bộ bàn bạc, thống nhất về nhận thức, hành động đã được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, vẫn có tới 15,21% chi bộ thôn, khu phố ở Hưng Yên chưa chấp hành nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt (đến họp chưa đúng giờ, đảng viên chưa ghi chép nội dung họp, nói chuyện riêng, bỏ ra ngoài tự do); 0,53% đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật (tính trung bình từ năm 2011 đến năm 2015).
Gắn bó, giải quyết kịp thời những phát sinh tại cơ sở
Thông qua việc đi cơ sở, dự họp sinh hoạt, các đồng chí tỉnh ủy viên đã phát hiện nhiều điển hình mới để động viên, khen thưởng, tổng kết và nhân rộng, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ những nơi khó khăn; phát hiện và xử lý kịp thời những nơi còn lúng túng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, có sai phạm, mất đoàn kết. Cũng thông qua dự họp sinh hoạt tại chi bộ ở cơ sở, các đồng chí cấp ủy tỉnh có cái nhìn chân thực về những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố, từ công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt, điều hành sinh hoạt, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, ra nghị quyết, công tác kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật của chi bộ, đến năng lực, uy tín của bí thư chi bộ và các đồng chí chi ủy viên; ý thức, thái độ dự họp, tham gia học tập nghị quyết của đảng viên...
Một vấn đề được nhiều đồng chí cấp ủy quan tâm là việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của mỗi chi bộ còn thiếu thực tiễn, thiếu khả thi, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của thôn, khu phố. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một thôn có nhiều chi bộ, đông đảng viên dẫn tới việc đồng thời phải thực hiện nhiều nghị quyết, gây chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, trưởng, phó trưởng thôn chưa là đảng viên chiếm số lượng khá đông (239/861 trưởng thôn, chiếm 27,75%; 365/868 phó trưởng thôn, chiếm 42%). Vì vậy, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với thôn thiếu hiệu quả; việc thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ của trưởng thôn chưa cao.
Theo đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, những thôn có nhiều chi bộ thì vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với nhiệm vụ chính trị của thôn có lúc, có việc chưa rõ. Chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo với nhiệm vụ chung của thôn chưa thống nhất nên thực hiện nhiệm vụ có việc thiếu hiệu quả; trưởng thôn cũng gặp khó khăn khi tổ chức thực hiện một nhiệm vụ phải xin ý kiến của nhiều bí thư chi bộ, dẫn tới giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn chưa kịp thời. Ở những nơi trưởng, phó trưởng thôn chưa là đảng viên, việc tham gia học tập, quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là việc cụ thể hóa thành nội dung công tác ở chi bộ còn khó khăn, từ đó việc nắm chắc định hướng về tư tưởng cũng như những quyết định trong điều hành của trưởng, phó trưởng thôn hiệu quả không cao.
Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc thực hiện chủ trương thí điểm thành lập đảng bộ bộ phận tại thôn có nhiều chi bộ, đông đảng viên, Tỉnh ủy Hưng Yên (khóa XVIII) đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổng rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể thực trạng, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố gắn với mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu phố, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục.
Ngày 28-10-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố, gắn với mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu phố, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, để đạt được mục tiêu chung là “Chất lượng sinh hoạt của 100% chi bộ thôn được nâng lên, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của chi bộ; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, nâng cao chất lượng mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn, góp phần quan trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, năng lực tổ chức thực hiện của thôn”.
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như hiệu quả phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn. Để hoàn thành được khối lượng công việc không nhỏ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động phân công trách nhiệm cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên