Kỳ 1: Khi cán bộ, đảng viên trở thành bị cáo
Cán bộ, đảng viên lạm quyền trong thi hành công vụ
Nhớ lại thời điểm trước thềm đại hội đảng các cấp năm 2015 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nổi lên một “điểm nóng” là thôn Mão Chinh, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào. Để thể hiện những bức xúc, bất bình trước việc cán bộ thôn bán đất trái thẩm quyền (cho đấu thầu dài hạn 76 suất đất thuộc diện tích đất công ích thu tiền một lần với tổng diện tích 8.736 m2 tại khu lưu không Đồng Vai và khu Bờ Lau), người dân trong thôn đã phản ứng bằng cách không cấy lúa vụ chiêm và vụ mùa năm 2015 với tổng diện tích đất trồng lúa 253 mẫu/vụ. Trước hành động làm mất đi quyền quản lý và quyền sử dụng hợp pháp 8.736 m2 đất của UBND xã Dương Quang, gây mất ổn định chính trị xã hội của địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc.
Ngày 17 và ngày 19-1-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Trưởng, nguyên trưởng thôn Mão Chinh, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào; bị cáo Bùi Minh Huấn, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Mão Chinh cùng 6 bị cáo khác. Các bị cáo bị truy tố về tội lạm quyền trong thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả xét xử, bị cáo chịu mức án cao nhất là 16 năm tù, thấp nhất 3 năm tù.
Một “điểm nóng” khác xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Từ tháng 4-2013 đến tháng 5-2015, cấp ủy Chi bộ thôn Lộng Thượng do Nguyễn Hải Thường, Bí thư Chi bộ thôn; Nguyễn Thị Lan, Phó Bí thư Chi bộ; Dương Văn Tạc, Chi ủy viên; Dương Ngọc Cương, Trưởng thôn và Trịnh Văn Chiêm, Phó trưởng thôn đã nhiều lần họp chi bộ thống nhất thành nghị quyết để bán 4.939,3 m2 đất trái thẩm quyền cho 21 hộ dân, với số tiền trên 6,3 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giao đất trái thẩm quyền 7.179 m2 đất cho nhà sư trụ trì chùa Nôm và chùa Rồng. Kinh phí thu được từ việc bán và giao đất trái thẩm quyền của các cán bộ, đảng viên trên dùng để xây dựng đường làng, ngõ xóm, cống rãnh thoát nước, phục vụ lợi ích cho nhân dân thôn Lộng Thượng, trong đó có cả gia đình và bản thân họ.
Tuy nhiên, hành động bán đất trên của họ đã không nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, gây nên tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự trị an tại địa phương, sản xuất đình trệ. Lòng dân không yên đã ảnh hưởng đến uy tín, sức chiến đấu của tổ chức đảng nơi đây và các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc. Ngày 13-6-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với 5 bị cáo có tên trên về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Kết quả, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thường 4 năm tù; bị cáo Cương 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Lan 3 năm tù; bị cáo Chiêm 3 năm tù và bị cáo Tạc 2 năm 6 tháng tù.
Một điểm nóng khác của Hưng Yên là vụ việc ở thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động. Nguyễn Văn Rồng, nguyên trưởng thôn Trương Xá, nguyên chi ủy viên chi bộ 2, từ tháng 3-2012 đến tháng 8-2014, Nguyễn Văn Rồng và hai phó trưởng thôn Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Văn Thực đã cho thầu bán trái phép 5.195,73 m2 đất các loại, thu trên 2,1 tỉ đồng để lấy kinh phí xây dựng đình làng, làm đường trong thôn (không thu nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện hạch toán chi tiêu theo quy định của pháp luật); làm thất thoát của nhà nước trên 58 triệu đồng.
Gần đây nhất, do có kháng cáo của 3 bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 17/2017/HSST ngày 10-4-2017 của Tòa án nhân dân huyện Kim Động, ngày 18-9-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn Rồng và đồng bọn về tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Rồng, giữ nguyên quyết định về hình phạt (phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; xử phạt 3 năm tù) nhưng sửa phần áp dụng pháp luật của bản án hình sự sơ thẩm, buộc bị cáo phải hoàn trả UBND xã Toàn Thắng số tiền 51.433.000 đồng (bản án hình sự sơ thẩm buộc bị cáo Rồng hoàn trả 21.433.000 đồng). Các bị cáo khác cũng bị tuyên phạt thích đáng, người thấp nhất bị xử phạt 2 năm tù.
Đây chỉ là 3 trong số 10 vụ án tham nhũng, 2.990 vụ án các loại được tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hưng Yên thụ lý, xét xử trong 9 tháng đầu năm 2017. Chỉ tính riêng kết quả xét xử 9 vụ án tham nhũng, 5 bị cáo được hưởng án treo; 8 bị cáo phạt tù dưới 3 năm; 15 bị cáo phạt tù từ 3 năm đến dưới 7 năm; 3 bị cáo phạt tù từ 7 năm đến dưới 15 năm; 1 bị cáo phạt tù từ 15 năm đến dưới 20 năm. Thống kê sơ bộ thì đối tượng bị truy tố, xét xử trong các vụ án này tuy đa dạng về chức danh, nghề nghiệp (bí thư đảng ủy xã, chủ tịch UBND xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn, giám đốc HTX, kế toán, thủ quỹ, kiểm soát viên HTX, cán bộ địa chính xã, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an tỉnh, trưởng ban quản lý di tích tỉnh…) song đều có điểm chung giống nhau - là những người được giao nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Điều đáng buồn hơn, trong số các đối tượng bị truy tố, xét xử có cả đảng viên, thậm chí là cấp ủy, bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy. Họ cũng là “gương”, song đó là những chiếc gương đã ố mờ, vẩn đục.
Bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân
Để trở thành cán bộ, công chức, viên chức, mỗi người đều phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về trình độ, nhận thức, sức khỏe, phẩm chất, đạo đức. Là đảng viên, họ còn phải ý thức tiền phong, gương mẫu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, không chỉ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đảng viên còn phải tuyệt đối tuân thủ Điều lệ Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Cấp ủy viên, cao hơn là bí thư, người đứng đầu cấp ủy, được sự tín nhiệm của cả chi, đảng bộ, giữ vai trò chủ chốt, hạt nhân của mỗi chi bộ đảng, ngọn cờ dẫn dắt chi, đảng bộ.
Theo quy định và chế độ hiện hành, bí thư cấp ủy là người có điều kiện tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn, sâu hơn với các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của địa phương, đơn vị thông qua nhiều kênh khác nhau từ bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, tài liệu, sách báo... Trong những năm gần đây, cấp ủy các cấp từ Trung ương đến cơ sở còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm, tuy chưa nhiều nhưng cũng phần nào động viên cấp ủy tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Xét về lý cũng như về tình, cấp ủy, trước hết là bí thư chi, đảng bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng nổ, nhiệt huyết và không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị để hoàn thành trọng trách. Nếu cán bộ, đảng viên mà vi phạm thì càng cần phải xử lý nghiêm minh để giữ gìn kỷ luật của Đảng, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vậy tại sao vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả bí thư cấp ủy vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước? Những sai phạm của họ là vô tình hay cố ý? Là do họ “điếc không sợ súng” hay “cố đấm ăn xôi”, hay “mình là người nắm quyền”, không chịu rút ra bài học kinh nghiệm từ các vi phạm đã được xử lý trước đó được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải trên khắp cả nước? Phải chăng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa trúng trọng tâm, trọng điểm? Phải chăng vì chế tài xử lý chưa đủ nghiêm, thiếu tính răn đe? Phải chăng họ vẫn mơ hồ bấu víu vào tính nhân văn của pháp luật và chế độ ta, nên vẫn coi những tình tiết giảm nhẹ tội như thành tích, công trạng cá nhân, truyền thống gia đình, người thân là chiếc ô bấu víu, ngụy biện mỗi khi phạm tội? Lương tâm, danh dự, nhân phẩm của họ để đâu khi đứng trước vành móng ngựa dám mang cả những huân, huy chương kháng chiến của cha anh, những đứa con bệnh tật, ốm yếu ra hòng thoát, giảm án, đổi lấy tự do cho mình?
Và cuối cùng, một câu hỏi lớn luôn là nỗi đau đáu, trăn trở của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng: Vai trò của tổ chức đảng ở đâu, như thế nào khi cán bộ, đảng viên vi phạm, gây mất lòng tin trong nhân dân, giảm sút uy tín của Đảng?
Kỳ 2: Tổ chức đảng làm gì khi địa bàn trở thành "điểm nóng"
Một điểm chung là những nơi xảy ra "điểm nóng" của Hưng Yên đều nằm ở cấp cơ sở, nơi mà cán bộ, đảng viên hầu hết đều “3 cùng” với bà con nhân dân. Câu hỏi đặt ra khi nhắc đến những điểm nóng này, đó là vai trò của tổ chức đảng và đảng viên ở đâu khi để xảy ra những vụ án liên quan đến một loạt những cán bộ, đảng viên có vị trí chủ chốt. Đi tìm câu trả lời, chúng tôi thấy được những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tổ chức đảng và đảng viên đang dần rời xa nhân dân, chưa làm tròn vai trò là “hạt nhân” ở cơ sở, là nơi trao gửi niềm tin của nhân dân.
“Xây” phải đi đôi với “chống”
Một ngày cuối tháng 10-2017, chúng tôi về xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, địa phương từng một thời là “điểm nóng” của tỉnh, nơi xảy ra một trong 10 vụ án tham nhũng lớn của tỉnh được xét xử trong 9 tháng đầu năm 2017. Không còn vẻ xét nét, nghi kỵ, dò đoán nhau như mấy tháng trước đó, khi chưa có bản tuyên án cuối cùng trong vụ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Văn Rồng, nguyên trưởng thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động và đồng bọn về tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”.
Trước bản án thấu tình, đạt lý, những cá nhân vi phạm đã phải chịu những hình phạt thích đáng, bởi lẽ, họ có thể cố tình lẩn trốn tòa án lương tâm, nhưng tòa án công lý thì không cho phép họ quanh co, che giấu, trốn tội. Ngay cả những tổ chức đảng, đảng viên liên đới cũng phải chịu thi hành kỷ luật Đảng một cách nghiêm minh (Đồng chí Nguyễn Ngọc Hoàng, nguyên Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng nhiệm kỳ 2011 – 2016 bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Đánh giá phân loại tổ chức đảng năm 2016, Chi bộ 2 thôn Trương Xá và Đảng bộ xã Toàn Thắng chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ). Để khắc phục hậu quả do những cán bộ, đảng viên vi phạm gây nên không thể trong một sớm, một chiều. Nhưng việc xử lý nghiêm minh, kịp thời cả về mặt kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đã thực sự được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Những con đường, ngôi trường, trụ sở làm việc đẹp đẽ, tươi mới cùng ánh mắt nồng nhiệt mà đôn hậu, những lời chào hỏi, trò chuyện thân tình của người dân nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy bình yên đã trở về với thôn xóm, lòng tin của nhân dân lại hướng vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên. Có một điểm chung là những nơi xảy ra điểm nóng đều ở cơ sở, nơi mà cán bộ, đảng viên hầu hết đều “3 cùng” với bà con nhân dân. Câu hỏi đặt ra khi nhắc đến những điểm nóng này, đó là vai trò của tổ chức đảng và đảng viên ở đâu khi để xảy ra những vụ án lớn liên quan đến một loạt những cán bộ, đảng viên có vị trí chủ chốt, đứng đầu. Kết quả xét xử có nghiêm minh thì chúng ta cũng mất đi những đảng viên, những cán bộ đã từng có thời gian, thời điểm là cán bộ tốt, đảng viên gương mẫu. Đi tìm câu trả lời, chúng tôi thấy được những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ phần lớn là nguyên nhân dẫn tới tổ chức đảng và đảng viên đang dần rời xa nhân dân, chưa làm tròn vai trò là “hạt nhân” ở cơ sở, là nơi trao gửi niềm tin của nhân dân.
Để chi bộ là gốc rễ của nhân dân
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên hiện có 601 TCCSĐ, 2.742 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 64.992 đảng viên. Trong tổng số 161 đảng bộ xã, phường, thị trấn có 12 đảng bộ bộ phận, 1.795 chi bộ trực thuộc. Theo quy định chung của Tỉnh ủy, các chi bộ cơ quan, lực lượng vũ trang tổ chức sinh hoạt vào ngày 4 hằng tháng; các chi bộ thôn, khu phố sinh hoạt vào ngày 5 hằng tháng; nếu trùng với ngày nghỉ hoặc vì lí do bất khả kháng thì sinh hoạt vào ngày kế tiếp.
Nhiều năm qua, hoạt động của nhiều chi bộ đảng có những chuyển biến tích cực, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo thông qua việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong sinh hoạt chi bộ cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, tháo gỡ.
Trước hết, là việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của nhiều chi bộ còn thiếu toàn diện, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; còn tình trạng tệ nạn xã hội, khiếu kiện đông người vượt cấp; một số cán bộ, nhất là cán bộ thôn vi phạm trong quản lý đất đai, tài chính, thực hiện chính sách xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của chi bộ. Một số cấp ủy, bí thư chi bộ chưa tập trung cho việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề của một số chi bộ còn ít, mang tính hình thức, việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề còn chung chung, chưa đề ra được giải pháp thực hiện, nhằm giải quyết những vấn đề đang đặt ra; cấp ủy cấp trên trực tiếp ít kiểm tra, hướng dẫn trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.
Gắn bó với cơ sở và có nhiều buổi dự sinh hoạt chi bộ ở thôn, khu phố, đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Một điều đáng lo ngại trong sinh hoạt chi bộ là việc đấu tranh tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt của một số chi bộ, một bộ phận đảng viên còn hạn chế; chủ yếu đảng viên cao tuổi, không trực tiếp lao động sản xuất phát biểu ý kiến, trong khi đó đảng viên trẻ ít phát biểu tham gia xây dựng nghị quyết. Còn đồng chí Nguyễn Tiến Thuyết, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Phù Cừ lại trăn trở vì trình độ, năng lực thực tiễn của một số đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong khi đó một số đảng viên có trình độ, kinh nghiệm lại lựa chọn phương châm “mũ ni che tai” không tham gia đóng góp, giúp đỡ xây dựng cán bộ...
Những hạn chế này khi không được kịp thời khắc phục đã gây hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Không chỉ hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ bị giảm sút do những nghị quyết thiếu sát thực, thiếu khả thi, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn dung túng, tạo kẽ hở để không ít cán bộ, lãnh đạo sai phạm, khiến các cá nhân đó cùng tổ chức đảng đều phải chịu xử lý kỷ luật. Nếu ở những "điểm nóng", trước khi xảy ra sự việc, cán bộ, đảng viên luôn giữ mình đúng mực, làm tròn nhiệm vụ Đảng giao, dân giao thì liệu có xảy ra sự việc đáng tiếc không? Nếu khâu phân công nhiệm vụ đảng viên chi bộ nào cũng sát sao, có kiểm tra, giám sát thì có tình trạng trên không? Nếu chi ủy, tổ chức đảng ở đó khi ra nghị quyết đều bàn bạc, xin ý kiến trước chi bộ, trước nhân dân liệu có còn xảy ra những vụ án tham nhũng không? Sự xa dân, sự không giữ mình thanh sạch của cán bộ, đảng viên, sự buông lỏng kỷ cương, bỏ qua khâu kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng đã khiến cho chúng ta mất cán bộ, đảng viên.
Với quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố trận địa lòng dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII đã đề ra, thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai khá đồng bộ và toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, gắn với tập trung lãnh đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành 5 đề án để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (Đề án về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt học tập, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Đề án về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp giai đoạn 2016-2020; Đề án về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần tăng cường xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh; Đề án về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn (khu phố) gắn với mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn (khu phố) giai đoạn 2016-2020; Đề án về đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo).
Đáng chú ý, cấp ủy tỉnh Hưng Yên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thời tăng tính răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Chỉ tính riêng năm 2016, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 273 đảng viên và 7 tổ chức đảng vi phạm (tăng 129 đảng viên, 1 tổ chức đảng so với năm 2011). Trong đó, 49 cấp ủy viên các cấp bị thi hành kỷ luật, chiếm 17,95% số đảng viên bị kỷ luật. Có tới 59 đảng viên bị đưa ra khỏi đảng bằng hình thức xóa tên. Ủy ban kiểm tra cấp huyện, tỉnh đã thi hành kỷ luật 48 đảng viên (tăng 24 đảng viên so với năm 2015), trong đó cấp ủy viên các cấp bị thi hành kỷ luật 15, chiếm 31,25% số đảng viên bị kỷ luật. Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật có 24 trường hợp bị xử lý pháp luật.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt”. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ không chỉ phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của cấp ủy, tổ chức đảng mà yếu tố quan trọng, quyết định chính là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, ý thức rèn đức, luyện tài không ngừng nghỉ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là bí thư cấp ủy. Để xứng đáng với niềm tin yêu, sự tín nhiệm của tổ chức, của quần chúng nhân dân, người đứng đầu phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình trước tập thể, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, “tự soi, tự sửa”, tự răn mình, thực sự là tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Có như thế, thì những "điểm nóng" ở Hưng Yên hay ở những địa phương khác sẽ không xuất hiện.
Hoàng Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên