Tuy chưa phải là điển hình về sự chuyển biến sau 10 năm nỗ lực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhưng ở Đảng bộ xã Động Quan (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) những chuyển biến ấy đã góp phần không nhỏ trong công tác lãnh chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh.
Đảng bộ xã Động Quan có 19 chi bộ với 245 đảng viên. Nhìn lại việc thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có thể thấy chất lượng sinh hoạt của các chi bộ đã nâng lên rõ ràng: Số buổi sinh hoạt chi bộ bình quân đối với chi bộ dân cư đạt 10 buổi/năm và chi bộ nhà trường đạt 12 buổi/năm; số buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ dân cư đạt 2 buổi/năm và chi bộ nhà trường đạt 4 buổi/năm; mỗi buổi sinh hoạt trung bình có 5 ý kiến phát biểu, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt đạt thấp nhất là 85%, 100% đảng viên có sổ ghi chép nội dung sinh hoạt. Các chi bộ như: Hồng Quang, Khe Đươn, Khe Nàng là những chi bộ thôn được đánh giá có chuyển biến rõ nét nhất. Mặc dù ở một số chi bộ, một số nội dung chưa đạt theo Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Trung ương nhưng điều đáng ghi nhận là bản thân các đồng chí bí thư chi bộ và mỗi đảng viên hiểu được tầm quan trọng và nâng cao ý thức trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ, từ đó cấp ủy nắm chắc tình hình đảng viên, có biện pháp cụ thể để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ông Đỗ Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Động Quan nhận định: “Rõ ràng là chi bộ nào có bí thư giỏi thì chi bộ đó mạnh, tuy nhiên nếu không có Chỉ thị 10 huých thêm vào thì nội dung các cuộc sinh hoạt chi bộ cũng vẫn nhạt lắm, thậm chí thường chỉ tập trung vào việc triển khai phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà không chú ý các nhiệm vụ chính của chi bộ”. Ở thời điểm đó nhiều chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, có chi bộ chỉ sinh hoạt được một vài lần trong năm, nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, thiếu nội dung chính trị tư tưởng cụ thể; tinh thần tự phê bình, phê bình yếu; chi bộ chưa thực sự là nơi sinh hoạt chính trị tư tưởng để cấp ủy nắm và hiểu tâm tư, nguyện vọng của đảng viên,… làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.
Từng làm Bí thư Chi bộ Trường THCS Động Quan nên khi về nghỉ hưu, ông Đỗ Xuân Xếp, Bí thư Chi bộ thôn Khe Đươn có nhiều thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ của chi bộ thôn. Đến nay, Chi bộ Khe Đươn đã đề ra quy định sinh hoạt vào ngày mùng 3 hằng tháng, chưa kể sinh hoạt chuyên đề, triển khai nghị quyết hoặc công việc đột xuất khác. Từ đầu năm 2017 đến nay chi bộ đã tổ chức được 2 cuộc sinh hoạt chuyên đề, gồm "Xây dựng nông thôn mới từ phát triển cây tre măng Bát độ" và "Thực hiện làm việc đúng giờ theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh". Thời gian dành cho mỗi cuộc họp chi bộ nhiều hơn, nội dung sinh hoạt bên cạnh triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đã tập trung vào đánh giá kết quả lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và áp dụng các tiến bộ khoa học của bà con vào sản xuất, việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, công tác xóa đói, giảm nghèo hay nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân...
Mới đây, Chi bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Lục Yên đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung "Tìm hiểu lịch sử truyền thống căn cứ cách mạng Cổ Văn, xã Mường Lai". Với các hoạt động thắp hương tưởng niệm tại khu di tích, thăm và nghe cụ Hoàng Triều Cống – cán bộ tiền khởi nghĩa, một trong những chiến sỹ tiên phong trong đội du kích Cổ Văn năm xưa kể chuyện về đội du kích Cổ Văn. Do đó bước vào sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên trong chi bộ đã sôi nổi tham gia thảo luận xoay quanh lịch sử ra đời của căn cứ cách mạng Cổ Văn, vai trò của tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống trong đội du kích Cổ Văn đã mưu trí dũng cảm khi một mình tay không vào đồn địch dụ chúng ra hàng; ý nghĩa của căn cứ cách mạng Cổ Văn với việc xây dựng và bảo vệ quê hương ngày nay; vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong việc phát huy tinh thần khí thế cách mạng, đóng góp cho công cuộc đổi mới hiện nay,… Tổ chức sinh hoạt về nguồn, tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng của Chi bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình Lục Yên được đánh giá là sự đổi mới, giúp cán bộ, đảng viên tránh được sự nhàm chán trong sinh hoạt chi bộ.
Huyện Lục Yên có 10 xã vùng III và 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã vùng II. Đảng bộ huyện có 53 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện uỷ và 393 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với trên 6.000 đảng viên, toàn Đảng bộ có 6 loại hình chi bộ. Thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện, Huyện ủy Lục Yên đã quán triệt Chỉ thị 10 và Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung uơng về nội dung sinh hoạt chi bộ cùng các văn bản hướng dẫn của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ tới các đồng chí cán bộ chủ chốt và báo cáo viên cấp ủy huyện. Chỉ đạo 100% cấp uỷ cơ sở phổ biến quán triệt tới cán bộ, đảng viên. Bên cạnh tổ chức học tập tập trung, Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy cơ sở thường xuyên quán triệt, phổ biến nội dung của Chỉ thị 10 và Hướng dẫn 09 tới đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các chi bộ, đảng bộ cơ sở hằng tháng xuống địa bàn được phân công phụ trách kiểm tra việc chấp hành nền nếp sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, dự, chỉ đạo sinh hoạt chi bộ. Qua đó kịp thời giúp chi bộ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đồng thời đề ra cách làm hay trong quá trình tổ chức sinh hoạt chi bộ. Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đưa nội dung kiểm tra sinh hoạt chi bộ lồng ghép vào chương trình kiểm tra, giám sát toàn diện và chuyên đề của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; trang bị sổ tay bí thư, sổ ghi nghị quyết cho các chi bộ trực thuộc…
Sau 10 năm nỗ lực, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ đã có sự chuyển biến tích cực: Cơ bản các chi bộ tổ chức sinh hoạt đạt yêu cầu theo quy định, trong đó loại hình chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và lực lượng vũ trang có chất lượng sinh hoạt tốt; loại hình chi bộ thôn, bản, tổ dân phố có chất lượng sinh hoạt cơ bản đáp ứng yêu cầu, không có loại hình chi bộ sinh hoạt yếu kém.
Trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực như: Các chi bộ cơ quan khối Đảng và khối chính quyền tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với việc thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; nhiều chi bộ trường học đã lựa chọn nội dung sinh hoạt gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trọng tâm là bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục, thi đua dạy tốt, học tốt; các chi bộ thôn, bản, tổ dân phố tập trung bàn các giải pháp phát triển đảng viên, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh xã hội ở cơ sở…
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện nhưng có thể khẳng định, thực hiện Chỉ thị 10 ở Lục Yên, tính giáo dục, tính chiến đấu, tính lãnh đạo của chi bộ được phát huy; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được tăng cường. Những kết quả đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện: Năm 2016, Đảng bộ huyện hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó có 11/27 chỉ tiêu vượt nghị quyết, 15/27 chỉ tiêu đạt nghị quyết; công tác xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Mai Huyên
Đài TT – TH Lục Yên, tỉnh Yên Bái