Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Trấn Yên đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, huyện Trấn Yên đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 381/QĐ-UBND, ngày 23-3-2018 về việc huyện Trấn Yên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu của đề án là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn và 01 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí trong giai đoạn 2011 - 2018; phấn đấu đến năm 2020, xây dựng 10 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, để 100% số xã trong toàn huyện đều về đích nông thôn mới.
Hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã, được cứng hoá 100%. Tỷ lệ đường thôn, liên thôn, được cứng hoá 75%, thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%. Nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, phấn đấu người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho nhân dân. Môi trường sinh thái được bảo đảm, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ đạt tiêu chuẩn, có năng lực và bản lĩnh chính trị ững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Trấn Yên chú trọng lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chương trình theo các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Thực hiện công tác chỉ đạo một cách đồng bộ, toàn diện với các xã trên địa bàn, đặc biệt quan tâm công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Các phòng, ban, ngành, UBND các xã phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm. Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng các cơ quan cấp huyện tập trung kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn và tập huấn, tuyên truyền, phổ biến điển hình. Nâng cao vai trò điều phối của văn phòng xây dựng nông thôn mới huyện, phát huy vai trò chủ đạo, tính sáng tạo, để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, thành viên ban chỉ đạo, nâng cao năng lực cơ quan giúp việc về xây dựng nông thôn mới các cấp.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân nắm rõ mực đích, ý nghĩa, nội dung chỉ đạo, phương pháp, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Gắn với thực hiện phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương, mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ba là, phát triển sản xuất và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện lồng ghép, triển khai các chương trình,dự án trên địa bàn, hỗ trợ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhằm tăng thu nhập cho người dân; khuyến khích các mô hình liên kết kinh tế, HTX nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các mô hình sản xuất cụ thể.
Bốn là, tập trung xây dựng tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để xây dựng cơ sở hạ tầng; gắn việc đầu tư với khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng nông thôn, giao cho cộng đồng dân cư quản lý các công trình, kỹ thuật đã đầu tư tại địa bàn. Chủ động triển khai các dự án thành phần đạt tiến độ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư; tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội cho việc xây dựng hạ tầng; huy động tối đa các nguồn lực địa phương để tổ chức triển khai chương trình, huy động vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân, trên tinh thần tự nguyện và bàn bạc dân chủ.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung vào đối tượng là cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã và cấp thôn, xóm, cộng đồng dân cư. Tổ chức tham gia học hỏi các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng hằng năm để kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đình Đông - Đình Trang