Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính sách của địa phương, những năm vừa qua, các đồn biên phòng (ĐBP) khu vực biên giới phía Bắc đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở ở khu vực biên giới tăng cường công tác dân vận, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực biên phòng. Vì vậy, đời sống của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới được cải thiện, phát triển trên nhiều mặt. Nhân dân các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ý thức chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được nâng lên; uy tín của Bộ đội Biên phòng đối với đồng bào các dân tộc được giữ vững, đồng bào các dân tộc tích cực tham gia và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, do những hạn chế bởi các yếu tố tự nhiên và xã hội, điều kiện dân cư phân bố không đều, tập quán canh tác lạc hậu, điểm xuất phát thấp nên nhìn chung kinh tế các xã biên giới vẫn còn kém phát triển; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng xuống cấp. Mặt khác, công tác vận động đồng bào phát triển kinh tế ở khu vực biên giới thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc trong phát triển kinh tế ở khu vực biên giới. Qua kinh nghiệm thực tế, để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, các ĐBP khu vực biên giới phía Bắc đang tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ về công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới
Một vấn đề cơ bản quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến hiệu vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; nhất là nâng cao nhận thức, trình độ năng lực của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Bởi vì, chỉ khi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, từ đó mới xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm và phát huy mọi khả năng sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tham mưu đề xuất cũng như trực tiếp tham gia cùng đồng bào phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới với hiệu quả cao nhất. Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
Do đó, quá trình tổ chức thực hiện tập trung vào những nội dung, biện pháp sau:
Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác vận động quần chúng nắm vững mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có hiểu biết sâu sắc về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; nắm vững các phong tục, tập quán đặc điểm tâm lý của đồng bào các dân tộc để có cách thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của lực lượng vừa phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
Bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề hết sức quan trọng nhằm xây dựng động cơ, thái độ đúng, ý thức trách nhiệm cao, thực sự coi đây là trách nhiệm chính trị, là một trong những nhiệm vụ quan trọng gúp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thường xuyên trang bị những kiến thức cơ bản về kinh tế, đặc biệt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp công tác tại địa bàn những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp, biết xây dựng kế hoạch, dự án và tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các ĐBP phải thường xuyên được huấn luyện, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực tư vấn và năng lực tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp đối với công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác vận động quần chúng là một giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phải thường xuyên quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan và các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị ra nghị quyết và xây dựng kế hoạch công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đảm bảo sát với tình hình thực tế ở địa bàn.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, qua đó nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ; phát hiện những vấn đề mới nảy sinh; uốn nắn, nhắc nhở những hạn chế, thiếu sót; kịp thời bổ sung chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ.
ĐBP là đơn vị cơ sở, là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết tâm, kế hoạch của trên. Do vậy, thường xuyên chỉ đạo đội vận động quần chúng bám địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng, củng cố các phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, xây dựng môi trường văn hoá, y tế, giáo dục... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, lệch lạc của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng các điển hình trong phong trào quần chúng phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ biên giới
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh và bảo vệ biên giới là sự cụ thể hoá hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Phát triển kinh tế - xã hội là tạo tiền đề để củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp, đồng thời là lực lượng trực tiếp tham gia phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể đứng chân ở khu vực biên giới thực hiện các chủ trương mà cấp ủy, chính quyền địa phương đó đề ra.
Trong xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế thì việc kết hợp giữa phát triển kinh tế -xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và bảo vệ biên giới là một nguyên tắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với biên giới, vùng biển, hải đảo. Một chiến lược phát triển kinh tế, một chương trình, một dự án kinh tế, một quy hoạch tổng thể chỉ được coi là hoàn chỉnh khi đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc, chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững. Kinh tế - xã hội phát triển sẽ góp phần củng cố thế trận, tăng thêm tiềm lực cho quốc phòng - an ninh và bảo vệ biên giới, hạn chế những sơ hở trong phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới
Vận động quần chúng là một biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm cơ sở để tiến hành các biện pháp công tác biên phòng khác. Việc vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp vận động quần chúng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác vận động quần chúng. Vì vậy, trên cơ sở nội dung vận động quần chúng phát triển kinh tế xã hội, mỗi địa bàn và ở từng thời điểm cụ thể đòi hỏi phải có phương pháp, hình thức vận động quần chúng cho phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao giác ngộ chính trị, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào. Đặc biệt đổi mới hình thức, phương pháp, vận động, hướng dẫn đồng bào về giữ gìn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, xây dựng nếp sống văn hoá mới, chuyển đổi vật nuôi cây trồng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đem lại hiệu quả cụ thể thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào. Cần chú ý, nội dung tuyên truyền vận động, hướng dẫn phải ngắn gọn, dễ hiểu, các bước tiến hành phải phù hợp với đặc điểm, trình độ, hoàn cảnh cụ thể và từng gia đình đồng bào.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới
Phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các lực lượng, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới. Để làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, vấn đề chủ động quan hệ tốt với các lực lượng và các ban, ngành, đoàn thể địa phương là một nội dung, biện pháp hết sức quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Mục đích làm cho tất cả các lực lượng ở khu vực biên giới nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của công tác phối hợp giữa các lực lượng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm và phát huy mọi khả năng sáng tạo trong công tác phối hợp, nhất là công tác lãnh đạo chỉ đạo, tham mưu đề xuất tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đạt hiệu quả cao nhất. Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc miền núi làm tốt công tác định canh, định cư ở khu vực biên giới.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo theo chương trình đó ký kết, tập trung vào xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và tham gia giảng dạy tại các bản chưa có giáo viên. Phối hợp với ngành Văn hoá - Thông tin đẩy mạnh và nâng cao chất lượng văn hoá - thông tin ở khu vực biên giới. Thường xuyên tổ chức hoạt động phối hợp tuyên truyền văn hoá giữa tổ, đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng với ban văn hoá của các huyện biên giới phục vụ đồng bào. Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của hội phụ nữ ở khu vực biên giới. Khuyến khích và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi, dạy con tốt, góp phần vào sự ổn định, vững mạnh của khu vực biên giới là điều kiện tiên quyết để ổn định và phát triển đất nước.
Trung tá, Ths Nguyễn Trung Thanh
Chủ nhiệm Bộ môn CTĐ, CTCT - Học viện Biên phòng