Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong công nhân.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tham luận "Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH" đã khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của Đảng và của đất nước. Ngày nay, giai cấp công nhân đứng trước những khó khăn thách thức nhất định. Mặc dù Đảng đã có Nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, nhưng việc thể chế hóa nghị quyết thành chính sách, pháp luật chưa được thực hiện. Công nhân gặp rất nhiều khó khăn như: không có nhà ở, đời sống vật chất thiếu, không có nhà trẻ cho con em, đời sống văn hoá thấp… Công tác phát triển đảng viên trong công nhân chưa thực sự được quan tâm, nên ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng rất thấp. Hiện nay, cả nước mới có 1,2% doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp FDI có chi bộ đảng, với số đảng viên chỉ bằng 0,84% tổng số đảng viên của cả nước. Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong số đảng viên mới kết nạp chưa năm nào vượt quá 10%... Nguyên nhân do một số cấp uỷ chưa sát sao, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm, vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn chưa được phát huy đầy đủ…
Để xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Đảng cần tiếp tục kiên định lập trường giai cấp công nhân, tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng lãnh đạo phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động; Nhà nước sớm thể chế hoá những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân. Triển khai một cách có hiệu quả chủ trương từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong công nhân, thành lập tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước; đại biểu nhấn mạnh, ở nơi chỉ có tổ chức công đoàn cần quy định người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, tăng dần tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng. Tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với công nhân và công đoàn.
Những đặc trưng của CNXH là thành quả của công tác đổi mới, thành quả của đổi mới nhận thức lý luận, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Uỷ viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng. Theo đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Đại hội đưa ra văn kiện để xây dựng CNXH, Dự thảo Cương lĩnh (sửa đổi, bổ sung 2011) đã nêu 8 đặc trưng về CNXH, đây là bước tiến so với Cương lĩnh 1991. Các đặc trưng nêu trong Dự thảo là thành quả của công cuộc đổi mới, trước hết là thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về CNXH trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kết hợp hài hoà giữa cái phổ biến với cái đặc thù, cái chung và cái riêng. Tám đặc trưng là hệ thống chỉnh thể, bao quát tất cả các lĩnh vực… Đồng chí nhấn mạnh 2 đặc trưng: (1) Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có nhiều người nói đây chỉ là mục tiêu. Theo đồng chí Lê Hữu Nghĩa đây là mục tiêu song cũng là đặc trưng tổng quát. Nó là mục tiêu, đặc trưng hợp pháp và hợp đích. Theo đồng chí, dân giàu song phải đảm bảo công bằng xã hội. Đây là tính ưu việt của CNXH. Dân chủ là chìa khoá vạn năng. Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền lợi đều vì dân. Tư tưởng này là kế thừa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đặc trưng của CNXH. (2) Nền kinh tế XHCN là nền kinh tế ở mức cao. Kinh tế công hữu. Đây là đặc trưng của CNXH khi đã xây dựng xong. Nhiều người lo ngại kinh tế công hữu không thu hút đầu tư nước ngoài. Đại biểu Lê Hữu Nghĩa khẳng định: Điều này không đáng lo vì chúng ta có chính sách thông thoáng. 20 năm qua chúng ta phát triển rất mạnh, nhiều nhà đầu tư lớn và kinh tế tư nhân rất phát triển, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.
Công an nhân dân vì nước quyên thân, vì dân phục vụ.
Trong tham luận của đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã chỉ ra những khó khăn hiện nay về công tác an ninh: Các thế lực thù địch tiếp tục phá hoại Đảng, thực hiện "diễn biến hoà bình". Theo đồng chí Lê Hồng Anh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng công an đã huy động sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước. Trong giai đoạn tới, vấn đề an ninh vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu trên, lực lượng công an tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương; giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các bộ, ban, ngành, huy động lực lượng tổng hợp. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện lời Bác dạy "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Hoàn thiện cơ cấu bộ máy, quan tâm xây dựng lực lượng cán bộ; hoàn thiện chính sách cán bộ, là nguồn lực trong công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân, đãi ngộ cán bộ quản lý, khoa học, chuyên gia giỏi, thu hút nhân tài; nâng cao khả năng tham mưu, hoạch định đường lối; tăng cường hợp tác với các cơ quan, ngành; đổi mới phương pháp, xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tiềm lực tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Sửa đổi Điều lệ Đảng phải bổ sung những vấn đề căn cơ, gắn với thực tiễn cuộc sống. Đồng chí Võ Đức Huy, Uỷ viên Trung ương Đảng, đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương bày tỏ mong muốn Đại hội nên thống nhất bổ sung một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh về tên của Cương lĩnh. Theo đồng chí nên thêm cụm từ “xây dựng và bảo vệ đất nước” vì đây là truyền thống, xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước; báo cáo chính trị cần đề cập rõ các nguy cơ hơn. Về sửa đổi Điều lệ Đảng, cần lựa chọn những vấn đề căn cơ, gắn với thực tiễn cuộc sống. Sau khi khẳng định vai trò của các doanh nghiệp, đồng chí mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ủng hộ, góp sức để doanh nghiệp phát triển...
Chống tham nhũng cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Đại biểu Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng tham luận về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Theo đồng chí, nhiệm kỳ qua những biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng mạnh hơn. 5 năm qua đã xử lý hàng nghìn vụ án, nhiều vụ án lớn, trọng điểm được xử lý nghiêm túc, các cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng được kiện toàn… thể hiện vai trò trung tâm trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên vụ việc tham nhũng vẫn gia tăng, có vụ án chưa xử lý dứt điểm, một bộ phận cán bộ suy thoái, hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp. Đây là vấn đề bức xúc, vấn đề quan tâm lớn của Đảng.
Do vậy, chống tham nhũng cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Làm tốt công tác tư tưởng đối với từng cán bộ, người đứng đầu. Các giải pháp chống tham nhũng cần mạnh dạn, kịp thời. Tạo sự thống nhất trong nhận định, đánh giá tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, tạo niềm tin trong toàn hệ thống. Muốn chống tham nhũng thì lời nói phải đi đôi với hành động. Người đứng đầu phải coi trọng công tác này, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Và, phải coi trọng việc kiểm tra công tác này. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng...
Phát triển kinh tế biển để nâng cao đời sống của nhân dân.
Đồng chí Lê Phước Thanh, đại biểu tỉnh Quảng Nam tham luận về vấn đề phát triển kinh tế biển để nâng cao đời sống của nhân dân, trong đó có nhân dân Quảng Nam. Cần có biện pháp khả thi để tập trung phát triển kinh tế biển. Tăng cường quản lý nhà nước trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển đồng thời, quan tâm, có cách thức phù hợp cho nhân dân. Xây dựng nguồn nhân lực cho các ngành liên quan đến biển, ven biển… Tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển kinh tế biển. Đồng chí đề xuất, kiến nghị nên xây dựng nhà cửa kiên cố cho nhân dân ven biển. Hình thành hệ thống quản lý phù hợp từ trung ương đến cơ sở. Trung ương cần có cơ chế đầu tư đặc biệt với các dự án xây dựng cơ sỏ hạ tầng ven biển. Xây dựng đường cao tốc cho địa phương ven biển. Tổ chức thực hiện, triển khai các đề án về an ninh-quốc phòng ven biển, góp phần xây dựng kinh tế biển phát triển...
Tăng cường kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đại biểu Trịnh Long Biên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TƯ khẳng định, nhiệm kỳ qua công tác kiểm tra, giám sát đạt được kết quả nhất định, có tác dụng trong công tác xây dựng đảng. Nhiệm kỳ X, công tác giám sát - nhiệm vụ mới - đã thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế: Lúng túng trong thực hiện; đảng viên vi phạm chưa giảm; uỷ ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra ở một số nơi chưa ngang tầm nhiệm vụ; tham nhũng, lãng phí chưa giảm…
Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cần: Sớm ban hành chương trình kiểm tra giám sát, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo công tác kiểm tra. Nếu được kiểm tra, giám sát sớm hơn sẽ tránh được nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, nắm vững mục tiêu công tác kiểm tra, giám sát. Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao ý thức kỷ luật. Cấp uỷ tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Xử lý nghiêm minh các sai phạm. Kịp thời nêu gương cán bộ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới phương thức của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Đồng chí Trịnh Long Biên còn nhấn mạnh đến thẩm quyền kỷ luật của cán bộ...
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên.
Đại biểu Vũ Văn Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua là một nội dung quan trọng trong hoạt động của các tổ chức đảng. Cuộc vận động đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên. Việc này là kết quả của sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng. Tuy nhiên, thực hiện Cuộc vận động còn một số hạn chế: Vai trò nêu gương cán bộ chủ chốt chưa rõ; nội dung Cuộc vận động chưa thực gắn với chuyên môn, chức danh. Hạn chế do cấp uỷ, cơ quan do dự, thiếu quyết tâm. Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng chúng ta chưa thực sự vào cuộc… Căn cứ vào thực tiễn, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất: Tiếp tục khẳng định việc phát động học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh là chủ trương đúng. Cần đầu tư suy nghĩ phát triển nội dung Cuộc vận động, gắn chặt hơn nữa với xây dựng Đảng. Gắn thực hiện Cuộc vận động với triển khai Nghị quyết Đại hội XI. Chuyển hoá Cuộc vận động thành công việc thường xuyên, không nên duy trì Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động các cấp. Hướng dẫn các ngành, địa phương cụ thể hoá các tiêu chí đạo đức. Sớm ban hành quy chế phối hợp với hoạt động của các cấp. Kết hợp chặt chẽ công tác cán bộ với công tác tư tưởng. Chú trọng, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Cuộc vận động...
(Còn tiếp)
Bài và ảnh: Song Thu, Minh Tuấn