Từ chi bộ xí nghiệp tư nhân trở thành đảng bộ lớn mạnh
Đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học thăm Công nghệ ty cổ phần tập đoàn kinh tế Hương Sen.
Năm 1989, Xí nghiệp tư doanh Dệt lụa in hoa Hương Sen - Thái Bình xin Tỉnh ủy Thái Bình cho phép được thành lập chi bộ đảng gồm 3 đảng viên do đảng viên Đỗ Văn Vẻ làm Bí thư Chi bộ. Và đã trở thành một sự kiện bởi đây là một đơn vị tư nhân đầu tiên được thành lập chi bộ ở Thái Bình. Đây lại là nguyện vọng chính đáng của các đảng viên đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tư nhân, việc thành lập chi bộ để thuận lợi cho việc sinh hoạt đảng, làm công tác phát triển đảng viên, quản lý đảng viên và giáo dục đảng viên cùng người lao động trong đơn vị thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Lắng nghe ý kiến của các đảng viên trong Xí nghiệp và tìm hiểu kỹ về hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp, là đơn vị đang ăn nên làm ra, tạo không ít công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách đầy đủ, Tỉnh ủy Thái Bình đã xem xét và cho thành lập chi bộ trong xí nghiệp tư nhân đầu tiên ở Thái Bình.
    
Từ khi được thành lập chi bộ, Bí thư Chi bộ Đỗ Văn Vẻ và hai đảng viên cùng chung tay gánh vác, trao đổi, bàn bạc với lãnh đạo Xí nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với Giám đốc Trần Văn Sen, ông không là đảng viên nhưng lại là người hết lòng ủng hộ việc thành lập chi bộ đảng trong Xí nghiệp. Bởi ông nhìn nhận được rằng, Đảng lãnh đạo không chỉ là chính trị mà còn là kinh tế, người đảng viên làm lãnh đạo luôn gương mẫu, có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi và phải có tư duy kinh tế năng động phù hợp với thực tại của địa phương và đất nước.
    
Bí thư chi bộ Đỗ Văn Vẻ và chi bộ đã cùng lãnh đạo Xí nghiệp tìm ra những quyết sách cho sự phát triển của đơn vị. Năm 1992, Xí nghiệp tiến thêm một bước thành lập Công ty TNHH Dệt nhuộm in hoa xuất khẩu Hương Sen. Công ty ra đời chưa bao lâu thì thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Âu đóng lại, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam, đưa Công ty đến bờ vực phá sản vì nợ ngân hàng và không tiêu thụ được sản phẩm. Không chịu gục ngã, chi bộ và lãnh đạo Công ty quyết tâm đầu tư công nghệ để sản xuất ra các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành phù hợp để tiến vào thị trường các nước tư bản, nhờ thế mà Công ty đã thoát khỏi phá sản, từng bước phục hồi đi lên. Không chỉ dừng lại ở đây, với tư duy kinh tế táo bạo và khát vọng muốn đóng góp nhiều cho ngân sách để xây dựng quê hương, đất nước, chi bộ và lãnh đạo Công ty đã quyết định đầu tư vào mặt hàng bia - nước giải khát là loại hàng hóa được tiêu thụ mạnh, có thể mang lại lợi nhuận cao. Nhưng lại vấp phải bức rào cản quá lớn. Ai đời Công ty may mặc lại đi sản xuất bia? Vừa giải trình, vừa làm hồ sơ thủ tục, năm 2007, bia Đại Việt của Công ty ra đời và ngay lập tức được thị trường đón nhận bởi chất lượng, giá cả và sau đó đã chiếm lĩnh thị trường hơn 30 nước trên thế giới và là một trong những đơn vị nộp ngân sách nhiều nhất tỉnh.
    
Từ chi bộ xí nghiệp tư nhân đầu tiên ở Thái Bình với 3 đảng viên nay đã lớn mạnh thành một Đảng bộ với 60 đảng viên, sinh hoạt trong 4 chi bộ do đồng chí Đỗ Văn Vẻ làm Bí thư Đảng bộ, kiêm Phó Tổng Giám đốc, đồng chí Vẻ còn là đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất