Năm nhiệm vụ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng Thừa Thiên Huế
Kết quả đáng ghi nhận

Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 17 đảng bộ trực thuộc với 681 tổ chức cơ sở đảng (giảm 16 TCCSĐ so với năm 2012) và 42.883 đảng viên. Trong đó, có 334 đảng bộ cơ sở (tăng 15 đảng bộ so với năm 2012), 347 chi bộ cơ sở (giảm 31 chi bộ so với năm 2012), 13 đảng bộ bộ phận và 3.448 chi bộ trực thuộc (tăng 76 chi bộ so với năm 2012).

Năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy, ban tổ chức cấp ủy các cấp đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động, bám sát tình hình, tham mưu triển khai kịp thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đồng thời triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, đạt kết quả khá toàn diện: tập trung tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, coi trọng việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại sau kiểm điểm. Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, bảo đảm về nguyên tắc, chặt chẽ về quy trình, dân chủ và đúng quy định.

Công tác cán bộ từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ: nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ. Trong năm qua, Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện quy trình đề bạt, giới thiệu, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy; củng cố, kiện toàn bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ ở các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy 23 đồng chí; tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác cán bộ các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện ủy, thị uỷ và Thành ủy Huế 20 đồng chí. Đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch luân chuyển cán bộ theo Kết luận 24 của Bộ Chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cán bộ được thường vụ, cấp ủy các cấp quan tâm, năm 2013, đã cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính: 154 học viên; 30 thạc sĩ và tiến sĩ trong nước từ nguồn ngân sách của tỉnh. Tham mưu cử 2 đồng chí theo học lớp dự nguồn cán bộ dự nguồn cao cấp tại Hà Nội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 4.085 lượt cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 165: 19 đồng chí (trong đó đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ 9 đồng chí). Phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh và các cơ quan của tỉnh đào tạo 5 lớp trung cấp lý luận chính trị cho gần 465 cán bộ; mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho 1.423 cán bộ. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tốt lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

Việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và công tác đảng viên luôn được quan tâm đúng mức; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; chất lượng đảng viên được nâng lên; số thôn, bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế chưa có tổ chức đảng và đảng viên ngày càng thu hẹp lại. Đến 15-11-2013, toàn tỉnh kết nạp 2.345 quần chúng ưu tú vào Đảng. Trong đó, chủ doanh nghiệp chiếm 0,34%, tôn giáo chiếm 2,30%, đoàn viên thanh niên chiếm 72,54%, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ đến nay là 42.883 đảng viên.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, thực hiện tốt việc rà soát tiêu chuẩn chính trị phục vụ cho công tác quy hoạch cán bộ các cấp cũng như công tác đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên mới chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng kịp thời các yêu cầu bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

Hạn chế

Công tác tổ chức cán bộ vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực còn bất cập trước yêu cầu mới; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ trẻ còn thấp; năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ, cán bộ trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Chưa khuyến khích cán bộ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc và thu hút cán bộ về làm việc ở lĩnh vực khó khăn.

Công tác phát triển đảng viên, thực hiện các giải pháp nhằm thu hẹp “địa bàn trắng tổ chức đảng, đảng viên” ở khu dân cư, trạm y tế và trường mẫu giáo, tiểu học chưa được thực hiện thường xuyên, số đảng viên kết nạp ở địa bàn dân cư nông thôn là vùng có đạo và vạn đò còn ít.. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm một số nơi còn hình thức, kết quả chưa phản ánh đúng thực chất.

Giải pháp sắp tới

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Coi trọng quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhất là những quy định, hướng dẫn mới do Trung ương ban hành.

Thứ hai, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 chuẩn bị phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Trên cơ sở kết quả quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện thử thách đối với cán bộ quy hoạch. Thông qua luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách qua thực tiễn; thường xuyên theo dõi để đánh giá đúng đắn kết quả phấn đấu rèn luyện của cán bộ được luân chuyển.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ương; phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các Đề án 02, 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, chú trọng xây dựng và củng cố TCCSĐ, nâng cao chất lượng đảng viên; lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Trước mắt, tập trung nghiên cứu các giải pháp để xóa các thôn, bản, trường học chưa có tổ chức đảng, đảng viên.

Thứ năm, chủ động rà soát, phát hiện, thẩm tra, xác minh và thẩm định các vụ, việc về chính trị để tham mưu ban thường vụ cấp ủy đấu tranh, ngăn chặn và kết luận giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại về chính trị của cán bộ, đảng viên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất