Tỉnh uỷ Hà Giang lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tư pháp

Trong những năm qua, Tỉnh uỷ Hà Giang quan tâm xác định các chủ trương liên quan đến lãnh đạo tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Ngày 24-7-2006, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (giai đoạn 2006-2010). Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội… Trong đó, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh được xác định là cơ quan có vị trí, vai trò quan trọng, là cơ quan trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Từ hoạt động của các cơ quan tư pháp những năm qua khẳng địn vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hà Giang góp phần quan trọng đổi mới các hoạt đọng của cơ quan tư pháp và đạt nhiều kết quả khả quan. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:

Một là, hoạt động của các cơ quan tư pháp tỉnh phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các cơ quan đơn vị, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp tạo sự thống nhất, bổ trợ trong quá trình thực hiện các hoạt động.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân, trừng trị các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW phải đồng thời với việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-3-2003 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chương trình tổng thể cải cách hành chính và những văn bản có liên quan khác về việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ba là, nâng cao nhận thức của các đồng chí tỉnh ủy viên, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, các cơ quan liên quan về chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp tỉnh trong hệ thống chính trị. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, chương trình, kế hoạch của tỉnh; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên trong các cơ quan tư pháp thường xuyên gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bốn là, các hoạt động cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bước đi thích hợp trong từng giai đoạn. Trong hoạt động phải tạo sự gắn kết, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh tới cơ sở và giữa các cấp, các ngành với nhau. Trong quá trình thực hiện phải cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch phù hợp với từng địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách có hiệu quả, thường xuyên tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Năm là, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp có kiến thức, trình độ và bản lĩnh chính trị. Bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực, trình độ, nhất là các chức danh thẩm phán và kiểm sát viên, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện. Biểu dương, khen thưởng kịp thời, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm minh, đúng quy định, tạo động lực để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của hoạt động tư pháp. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức đang hoạt động trong các cơ quan tư pháp, đảm bảo cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện, phương tiện làm việc để phát huy chức trách, nhiệm vụ của mình nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bảy là, thực sự coi trọng vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử, nâng cao trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất