Thanh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, diện tích tự nhiên hơn 62.000 ha, dân số 120.870 người. Hiện nay, toàn huyện có 23 xã và 1 thị trấn, trong đó có 2 xã vùng cao, 9 xã và 60 khu dân cư thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 17 dân tộc cùng chung sống.
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21-1-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, trước hết là nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng và chính quyền huyện Thanh Sơn đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động thiết thực và từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Hằng năm, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (từ 26-4 đến 6-5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (22-9)… huyện đã tổ chức các buổi lễ ra quân hoạt động vì môi trường góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, đã phát huy những truyền thống và giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, xây dựng hương ước, quy ước gắn liền với bảo vệ môi trường ở từng thôn, làng, tổ dân phố và nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường trong toàn dân, hạn chế và xoá bỏ các tập tục lạc hậu.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển rõ rệt: 100% đường nội thị được trồng cây xanh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%; 60% dân số thị trấn được dùng nước sạch, gần 80% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 50% tuyến đường nội thị, 100% khu quy hoạch giao đất tái định cư, khu quy hoạch đấu giá đất, giao đất ở cho nhân dân có hệ thống thoát nước; 80% cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch hoặc có thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu vực kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản được phục hồi hoàn nguyên môi trường theo đề án đã được phê duyệt; 30% khu dân cư có thùng thu gom rác; 45% chất thải bẩn dịch vụ và sinh hoạt được thu gom; 100% chất thải rắn của bệnh viện, trạm y tế cơ sở trên địa bàn huyện được thu gom xử lý bằng phương pháp lò đốt theo công nghệ Nhật Bản (đối với bệnh viện) và đốt lò thủ công, chôn lấp (đối với trạm y tế cơ sở).
UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong khai thác, chế biến khoáng sản, bắt buộc các cơ sở khai thác khoáng sản phải thực hiện việc hoàn nguyên môi trường sau khi kết thúc quá trình khai thác. Từ năm 2011, UBND huyện đã phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường dự án khai thác mỏ than thuộc xã Tinh Nhuệ. Thường xuyên phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 7 doanh nghiệp và yêu cầu 4 doanh nghiệp tạm dừng khai thác khoáng sản để khắc phục việc vi phạm hành chính trong chế biến khoáng sản và 1 doanh nghiệp chế biến sắn vì hành vi sả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao, một số cơ sở sản xuất khai thác, kinh doanh dịch vụ chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức...
Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Sơn chú trọng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường chỉ đạo các địa phương huy động các nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Tu bổ, cải tạo các công trình cấp nước và vệ sinh nhằm tăng thêm số người được sử dụng nước sạch, tăng thêm số nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh; tổ chức xây dựng mới các công trình cấp nước và vệ sinh.
Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải, nâng cao chất lượng môi trường sống; làm mới, cải tạo nâng cấp các công trình cấp nước và nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh của Bộ Y tế.
Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình vệ sinh môi trường cho các xã như: Công trình cấp nước sạch cho nông thôn; xây dựng bãi xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà ở.
Nguyễn Thị Liễu
Huyện ủy Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ