Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có 866 chi, đảng bộ cơ sở với trên 70.000 đảng viên, gồm 4.000 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, trong đó có 2.300 chi bộ thôn, bản khu vực nông thôn (chiếm gần 60% tổng số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở). Quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhiều năm nay, Tỉnh uỷ Bắc Giang luôn quan tâm công tác xây dựng tổ chức cơ sở (TCCSĐ) trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém, nhất là các chi bộ ở nông thôn. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều văn bản và đề ra giải pháp thiết thực chỉ đạo, hướng dẫn về nâng cao chất lượng chi bộ. Nhờ vậy, nhiều chi bộ thôn, bản đã giữ vững vai trò lãnh đạo, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương, từng bước cải thiện đời sống nhân dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững; cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp; đội ngũ cán bộ, đảng viên trưởng thành nhiều mặt.
Tuy nhiên, một số tổ chức đảng khu vực nông thôn trong tỉnh còn bộc lộ nhiều yếu kém: Việc cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu; trình độ, năng lực tổ chức thực tiễn, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết các vụ việc ở cơ sở chưa được hợp lý và khoa học. Một số chi bộ nông thôn chưa nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo…
Từ thực tiễn trên, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, bản ở Bắc Giang là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường nhận thức của các cấp ủy đảng về nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ thôn, bản, theo đó chú trọng thực hiện tốt những nội dung: Quán triệt trong chi uỷ, đảng viên chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đảng ủy và chính quyền cấp xã của không ít chi bộ thôn, bản. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, phát huy tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực, đạo đức của bí thư chi bộ là tấm gương để các đảng viên và quần chúng làm theo. Phát huy trách nhiệm của đảng viên gương mẫu làm trước để quần chúng làm theo. Tổ chức tốt việc học tập nâng cao trình độ của bí thư chi bộ, coi trọng hội thi bí thư chi bộ giỏi.
Hai là, nâng cao chất lượng chi ủy và đội ngũ đảng viên, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, các kiến thức cần thiết và nghiệp vụ công tác đảng, nhất là bồi dưỡng kỹ năng điều hành nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực nắm bắt thực tiễn; đồng thời giới thiệu đảng viên có uy tín, được nhân dân tín nhiệm tham gia ứng cử bầu trưởng, phó thôn, bản.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các chi bộ thôn, bản, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Các chi bộ thôn, bản lựa chọn nội dung sinh hoạt thiết thực, chi ủy chuẩn bị kỹ nội dung, điều hành sinh hoạt dân chủ, khoa học, tăng tính hấp dẫn, thiết thực để đảng viên tích cực tham gia phát biểu ý kiến xây dựng chủ trương, nghị quyết. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức và bằng hành động gương mẫu của mỗi đảng viên; định hướng hoạt động cho ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở thôn, bản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản có đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng. Căn cứ hướng dẫn, quy định của cấp trên về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, các cấp ủy xã chỉ đạo các chi bộ thôn, bản xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo của cấp ủy, trưởng, phó thôn và các đoàn thể chính trị - xã hội. Lựa chọn những đảng viên tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, có trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội bầu vào các chức danh lãnh đạo của thôn, bản.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ đối với các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và nâng cao chất lượng công tác dân vận
Chi bộ thôn, bản trực tiếp lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng, lãng phí. Chi bộ lãnh đạo thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, đây là một trong những công, tăng cường mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân, quan hệ với ban công tác mặt trận và các đoàn thể, coi trọng bồi dưỡng sức dân và các chính sách xã hội.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sự hướng dẫn, giúp đỡ về mọi mặt của cấp ủy cấp trên
Sự chỉ đạo, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của huyện uỷ, đảng uỷ xã góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ thôn, bản. Theo đó, các huyện ủy, đảng ủy xã cần thực hiện việc phân công cán bộ, cấp ủy viên phụ trách cụm xã, thôn, bản, tham dự sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh việc tâp huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng cho chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ. Có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các thôn, bản xây dựng nhà văn hoá để làm nơi tổ chức sinh hoạt chi bộ và các hoạt động cộng đồng.
Ngô Văn Nam
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang