Cán bộ nghe dân
Lãnh đạo huyện Sông Hinh đối thoại trực tiếp với dân

Đã có thời kỳ, nhiều người dân ở huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) lắc đầu thất vọng trước công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý những công việc cụ thể của một số cán bộ, đảng viên. Hậu quả của tình trạng này gây tổn hại mối quan hệ của Đảng với Dân, tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nắm bắt được vấn đề, Huyện uỷ Sông Hinh đã kịp thời chấn chỉnh, đề ra chủ trương “đối thoại với dân” để giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân và cơ sở. Sau một thời gian thực hiện, Sông Hinh đã giải quyết được nhiều vụ việc phát sinh từ cơ sở, đặc biệt là củng cố mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền với dân và giữa cán bộ với dân.

 

Quy chế... “bắt buộc đối thoại”

Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học nhận định: “Đối thoại với dân là việc làm thường xuyên, lâu nay ở các địa phương. Nhưng đề ra chủ trương với kế hoạch, mục tiêu cụ thể và có quy chế bắt buộc thì ở Phú Yên chỉ có huyện Sông Hinh triển khai, thực hiện. Chủ trương đối thoại với dân, xuất phát từ yêu cầu cán bộ phải sâu sát với dân và cơ sở”.

Quy chế đối thoại với dân của Huyện uỷ Sông Hinh nêu rõ: Mỗi quý 1 lần, Thường trực Huyện uỷ, HĐND-UBND huyện, lãnh đạo các ban đảng, các ngành, đơn vị liên quan phải về trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; Cấp uỷ, chính quyền cơ sở, đơn vị có kế hoạch định kỳ gặp gỡ, đối thoại với dân để kịp thời giải quyết những kiến nghị từ cơ sở...

Qua 2 năm thực hiện chủ trương đối thoại với dân, đến nay, huyện Sông Hinh đã tổ chức được 6 đợt (66 cuộc) tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân ở 11 xã, thị trấn trong huyện; có 3.800 lượt người đến dự và 980 lượt người dân phát biểu ý kiến, với hơn 1.000 ý kiến được lãnh đạo huyện ghi nhận và kết luận giải quyết.

Phó chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh Trần Thơ Ấu cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì người dân đồng tình ủng hộ. Trong mỗi cuộc tiếp xúc, có 20-30 lượt ý kiến của dân phát biểu, phản ánh tâm tư, nguyện vọng về sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện nhà đồng thời nêu những bức xúc tại cơ sở. Tại các buổi đối thoại, những việc người dân phản ánh có thể giải quyết được ngay thì chúng tôi xử lý tại chỗ. Những việc còn lại, chúng tôi ghi nhận, giao cho ngành liên quan giải quyết và có nhiều việc đã được giải quyết dứt điểm”.


Mô hình nhân rộng toàn tỉnh

Từ chủ trương của Huyện uỷ Sông Hinh, các địa phương, đơn vị trong huyện đều xây dựng quy chế đối thoại với dân phù hợp và thành quy định bắt buộc.


Đơn cử như thị trấn Hai Riêng, mỗi tháng 1 lần, Đảng uỷ, UBND thị trấn tổ chức đối thoại trực tiếp với dân ở 1 khu phố hoặc 1 buôn. Qua đối thoại trực tiếp, nhiều vấn đề bức xúc ở cơ sở đã được phát hiện và giải quyết triệt để. Minh chứng rõ nhất là tại lô 2, khu phố 8, lâu nay chưa có điện, qua đối thoại với dân, UBND thị trấn đã đề nghị và được Điện lực Phú Yên đầu tư làm cột, kéo dây đưa điện vào tận nhà dân. 

Tại xã EaBá, qua đối thoại với dân, chính quyền đã phát hiện và chỉ đạo giải quyết được nhiều vụ tranh chấp đất đai và đến nay, đã cơ bản giải quyết xong những vướng mắc trong đền bù giải toả. Anh Ma Huyền, dân tộc Ê Đê ở Buôn Kent, xã Ea Bá kể: “Bà con rất tích cực tham gia vào các buổi đối thoại. Tại đó, bà con nói được ý kiến, tâm tư nguyện vọng mình và đã được giải quyết kịp thời”.

Từ đối thoại với dân mà một số tiêu cực ở cơ sở đã được phát hiện và xử lý. Điển hình ở xã Sơn Giang, qua ý kiến phản ánh của nhân dân về những tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý  về quản lý tài chính, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tiến hành thanh tra làm rõ và hiện nay đã phát hiện sai phạm, khởi tố vụ án...

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng Nguyễn Văn Bính khẳng định: “Việc đối thoại với dân đã tạo mối quan hệ gắn bó hơn giữa cán bộ với dân, Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy qua đó các vụ khiếu nại, tố cáo đã giảm rõ rệt” và cũng nhờ đó “chúng tôi gần dân và sát dân hơn”.

Nhấn mạnh đến hiệu quả của việc “bắt buộc đối thoại”, Bí thư Huyện uỷ Sông Hinh Nguyễn Thái Học tâm đắc: “Trong những chuyến về các cơ sở đối thoại, tôi thấy mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với dân gần gũi hơn. Đảng lãnh đạo sát dân hơn, chính quyền điều hành hiệu quả hơn”.

Đặc biệt, qua các cuộc đối thoại với dân, những cán bộ lãnh đạo của huyện Sông Hình đều tự tin hơn khi nắm chắc tình hình cơ sở và bản thân mỗi người  càng thấy rõ hơn trách nhiệm đối với nhân dân... Đây là điều mà người dân mong chờ ở các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý  không chỉ ở Sông Hinh. Mô hình này cần được nhân rộng để “Ý Đảng - Lòng Dân” gắn bó, bền chặt...


(Nguồn: Báo Đại Đoàn kết)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất