Phát huy vai trò tổ chức đảng trong quân đội với công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nói chung, công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng trong các đơn vị quân đội. Hiện nay, công tác vận động quần chúng của Đảng, công tác dân vận của quân đội đang đứng trước những yêu cầu mới, nhằm đạt mục tiêu góp phần “tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(1), “giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân, quan hệ giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(2). Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo cần phải tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Các biện pháp cụ thể như sau:
Một là, phải phát huy vai trò của tổ chức đảng trong nghiên cứu, chuẩn bị và ra nghị quyết thực hiện.

Là hạt nhân chính trị ở cơ sở, tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm trước hết về kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở đơn vị mình, trong đó có nhiệm vụ công tác dân vận. Do đó, các tổ chức đảng phải xác định rõ trách nhiệm, chức năng lãnh đạo của mình, phải coi lãnh đạo công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo là một nội dung quan trọng trong sự lãnh đạo toàn diện của mình; đồng thời, phải gắn việc lãnh đạo nhiệm vụ công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo với việc thực hiện các nhiệm vụ khác của đơn vị một cách nhịp nhàng, chặt chẽ.

Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng các đơn vị quân đội theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và địa bàn được phân công, trong nghị quyết định kỳ cần coi nhiệm vụ lãnh đạo dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Quá trình chuẩn bị và ra nghị quyết, lãnh đạo đơn vị thực hiện công tác dân vận phải nắm vững và quán triệt quan điểm đổi mới công tác quần chúng, công tác tôn giáo của Đảng; nắm vững phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, tư tưởng chỉ đạo công tác dân vận của quân đội; nghiên cứu, nắm vững các chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đồng thời, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng thực trạng công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân thuộc về chủ quan của cấp uỷ, cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để xác định nội dung, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo trong từng thời gian phù hợp và thiết thực, bảo đảm sát với từng đối tượng, từng địa bàn.

Hai là, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận một cách đồng bộ, hiệu quả.

Sau khi có nghị quyết, cấp uỷ các cấp phải quán triệt sâu rộng trong toàn đơn vị nhằm nâng cao ý thức và phát huy trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo. Quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết phải lãnh đạo tốt việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị, nhất là phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo nói riêng. Trước hết, cấp uỷ, tổ chức đảng các đơn vị quân đội cần chỉ đạo tốt việc lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm và bồi dưỡng cho họ những vấn đề cần thiết liên quan đến công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo như: kiến thức cần thiết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tình hình mọi mặt và các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương. Đồng thời, lãnh đạo chặt chẽ việc bồi dưỡng cho bộ đội nắm được những phong tục, tập quán tâm lý của đồng bào và những giáo lý, giáo luật cơ bản, cũng như những kiến thức, kinh nghiệm dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả”(3). Phải coi trọng lãnh đạo giáo dục bộ đội thái độ kính trọng dân, có ý thức kỷ luật dân vận nghiêm minh. Vì như Hồ Chí Minh đã dạy: sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì dân; giúp dân, bảo vệ dân, tuyên truyền vận động dân chưa đủ mà chính nhờ sự kính trọng, thương yêu nhân dân, giữ nghiêm kỷ luật mới thể hiện đầy đủ nhất bản chất cách mạng của quân đội ta. Sự giác ngộ của người quân nhân cách mạng là thước đo mức độ “hiếu với dân”, là ý thức phục vụ nhân dân… Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, duy trì, giữ vững kỷ luật. Tránh tình trạng buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo hoặc khoán trắng cho cơ quan nghiệp vụ đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo.

Ba là, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành địa phương thống nhất kế hoạch công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo.

Đây là vấn đề rất quan trọng trong công tác dân vận nhằm phát huy sức mạnh của các cấp, các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài quân đội. Thực tiễn chứng minh, khi nào cấp uỷ, tổ chức đảng các đơn vị quân đội có sự kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan đóng trên địa bàn, nhất là khi cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương thực sự phát huy vai trò của chủ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động dân vận thì khi đó công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo của các đơn vị quân đội mới đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực. Để hoạt động phối hợp giữa cấp uỷ, tổ chức đảng các đơn vị quân đội với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan trên địa bàn được chặt chẽ hơn, các đơn vị cần coi trọng việc thường xuyên chủ động liên hệ để thống nhất dự kiến thời điểm, kế hoạch, chương trình phối hợp từng hoạt động và có sự phân công các lực lượng cùng tham gia.

Khi địa bàn được phân công, cấp uỷ, tổ chức đảng các đơn vị quân đội cần lãnh đạo tốt việc việc phối hợp, hiệp đồng với các địa phương được phân công trong mọi hoạt động. Cả trước, trong và sau quá trình thực hiện đòi hỏi cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh, trao đổi với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành có liên quan của địa phương để giải quyết hợp lý, hợp tình và làm tốt công tác rút kinh nghiệm.  

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, NXBCTQG, H 2003, tr 48.

(2) Sách đã dẫn, tr.4.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H 2002, tập 12, tr.18-19

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất