Tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạm rời Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Cơ quan Trung ương Đảng hồi đó đóng ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) gồm có Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên huấn... tổng cộng chỉ có khoảng hơn 30 người. Số đảrng viên đủ thành lập 1 chi bộ. Khi địch tấn công lên Việt Bắc, tất cả cơ quan Trung ương Đảng đã nhanh chóng di chuyển sang Đình Cả, huỵện Võ Nhai cũng thuộc tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, Trung ương Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta chiến đấu đập tan cuộc tấn công của quân Pháp lên Chiến khu Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến thần thánh. Chúng đã thất bại.
Nhớ lại những ngày đầu kháng chiến, Cơ quan Ban Tổ chức Trung ương sống ở Định Hóa có biết bao nhiêu kỷ niệm vui. Hồi đó, chúng tôi ở cùng nhà đồng bào dân tộc. Phong tục của bà con dân tộc ở đây kiêng không nằm màn trắng, trong khi màn cá nhân của chúng tôi thì lại toàn màu trắng. Mọi người chúng tôi tự nguyện nằm ngủ không màn. Thấy vậy, mế chủ nhà Nông Thị Piếng bảo tôi:
- Các con cứ mắc màn trắng mà ngủ, không mắc màn thì muỗi đốt không ngủ được.
- Mế ơi, chúng con không được phép mắc màn trắng. Tôi trả lời.
- Con cứ mắc màn trắng ngủ, mế cho phép mà.
Tôi lại nói với mế, mế cho phép, nhưng nội quy cơ quan không cho phép. Chúng con mà làm theo mế sẽ bị cơ quan khiển trách. Mế cứ yên tâm, chúng con đang sức ăn, sức ngủ, dù muỗi có “khiêng đi” thì vẫn cứ ngủ được.
Mế đành chịu cái lý của tôi và mắng yêu: Cha tổ thằng này, chỉ được cái bẻm mép và mế ngồi quạt muỗi cho chúng tôi ngủ.
Thương mế, tôi từ chối thế nào mế cũng không nghe. Từ chối vậy thôi, nhưng trong lòng tôi trào dâng niềm hạnh phúc, tôi cảm thấy như mình đương ở nhà được mẹ mình chăm sóc.
Vì không nghe lời mế, ngủ không mắc màn nên muỗi a-nô-phen tha hồ đốt. Hậu quả là, tất cả chúng tôi đều bị sốt rét. Những cơn sốt run ngườì nhưng không đủ thuốc chữa. Bác sĩ phải nghiền từng viên ký ninh hòa vào nước mưa rồi lọc qua bông thấm nước (vì nước cất cũng không có) để tiêm cho chúng tôi. Nhưng sốt rét vẫn hoàn sốt rét. Mế Piếng và dân bản phải dùng thuốc dân gian mới chữa khỏi cho chúng tôi.
Những cái tên quán Xôi Vò, quán Ông Già, Quán Vuông, chợ Quảng Nạp... của Định Hóa với chúng tôi nó thân thương, trìu mến không thể quên. Đã nhiều lần chúng tôi rủ nhau đi bộ hằng chục cây số đến chợ Quảng Nạp mà chúng tôi coi như chợ Đồng Xuân của Định Hóa chỉ để ăn một bát phở rồi về. Hoặc mỗi lần công tác, đi vài ba chục cây số, bụng đói cồn cào, được vào quán Xôi Vò mà chúng tôi coi như khách sạn Phú Gia ăn gói xôi vò là người thấy như khỏe hẳn lên. Có những lúc đi bộ, mồ hôi ướt đầm, vào uống bát nước vối ở quán Ông Già hay Quán Vuông mà cảm thấy ngọt như có đường, có mật, uống đến đâu mát ruột, mát gan đến đấy. Hồi đó ở vùng tự do Định Hóa, mọi người kiêng không dùng 2 từ “bán nước” dù đấy chỉ là bán nước uống. Cho nên vào quán, khách hàng có thể uống đến no nước mà không phải trả tiền. Nếu có tiền thì mua vài cái kẹo, không có chỉ cần chào chủ quán là xong. Chủ quán vẫn rất vui vẻ vì thấy mình đã làm được việc có ích phục vụ người đi đường qua cơn khát, lấy lại sức khỏe để tiếp tục đi làm nhiệm vụ kháng chiến.
Có thể nói, những ngày đầu kháng chiến ở Định Hóa có nhiều kỷ niệm thể hiện tình cảm tốt đẹp giữa đồng bào các dân tộc với Đảng, với bộ đội và cán bộ không sao kể hết.
Sau trận chiến thắng bảo vệ Chiến khu Việt Bắc, Cơ quan Trung ương Đảng rời Đình Cả về lại Định Hóa - ATK (an toàn khu), Thủ đô kháng chiến hồi đó. Trên đường từ Đình Cả trở về Định Hóa, để đảm bảo bí mật và đề phòng địch ném bom, chúng tôi phải ngày nghỉ, đêm luồn rừng, theo đường mòn mà đi. Mỗi chúng tôi phải gài mảnh nứa mục có ánh lân tinh xanh lên sau ba lô người đi trước để dẫn lối cho người đi sau. Đi đến nửa đêm thứ ba thì mọi người đã mệt lử. Bỗng từ xa, chúng tôi nhìn thấy ánh lửa bập bùng, nghe tiếng chó sủa và tiếng gà gáy. Có ánh lửa, có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa tức là có nhân dân. Ước gì lúc này được ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng, ăn củ sắn lùi thì hạnh phúc biết mấy. Tưởng sắp đến Định Hóa, tôi muốn chạy nhanh về phía ngôi nhà đỏ lửa đó, hét to lên: Định Hóa ơi, chúng tôi đã trở vể đây... Nhưng đoàn chúng tôi lại không đi về hướng đó, mà đi theo ngả khác, xa dần, xa dần cho đến lúc không còn thấy ánh lửa nữa. Cơn buồn ngủ lại nặng trĩu trên đôi mi mắt tôi. Tôi mơ màng nghe loáng thoáng tiếng người đi trước báo: “Có hòn đá ở giữa đường đấy... , có rễ cây to ngang qua đường đấy..., lội qua suối đấy...”. Cứ như thế, tôi vừa ngủ, vừa vịn tay vào vai người trước mà đi. Bỗng tay tôi tuột khỏi vai người đi trước. Tôi choàng mở mắt, thấy mọi người chạy ào về phía trước, tôi cũng chạy theo. Chạy được một đoạn, tôi thấy đau buốt ở cổ, ở vai, ở mặt, ở tay. Đau quá, tôi càng chạy nhanh hơn, rơi cả mũ xuống đất. Chạy được đoạn khá xa, mọi người ngồi lại nghỉ. Người nào, người nấy mặt mũi, tay sưng vù lên. Hóa ra đoàn chúng tôi bị đàn ong đuổi đốt.
Cũng lúc đó, hai đồng chí bộ đội trong tiểu đội đi bảo vệ cơ quan mới phát hiện ra trong lúc chạy bị rơi mất 2 khẩu súng.
Ai sẽ quay lại chiến đấu với đàn ong để tìm lại 2 khẩu súng bị rơi?
Từ trong đoàn cán bộ, đồng chí Lê Văn Lương (lúc đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) đứng dậy, chùm chăn kín đầu, mặt và 2 tay xin quay lại tìm súng. Một lúc sau, đồng chí trở về, hai tay sách hai khẩu súng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, xóa đi nỗi lo, đem lại niềm vui không chỉ cho 2 đồng chí bộ đội mà còn cho cả chúng tôi. Việc làm của đồng chí Lê Văn Lương lúc đó để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo; nhắc nhủ chúng tôi về tính cẩn trọng trong công việc.
Sau bốn đêm luồn rừng, lội suối, Cơ quan Trung ương Đảng, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương đã về lại Bình Thành, Định Hóa. Chúng tôi lại về sống và làm việc tại các gia đình mà hơn 2 tháng trước đó đã từng đùm bọc, che chở chúng tôi. Và “Cửa hàng sửa xe đạp” ở Quảng Nạp mà thực chất là “Trạm giao liên bí mật” của Trung ương do đồng chí Triệu làm trạm trưởng ra đời. Hằng ngày lại tấp lập người ra vào, bí mật chuyển công văn, tài liệu, báo chí và đưa đón cán bộ đi hoạt động khắp nơi trong nước. Công việc của chúng tôi cứ thế diễn ra âm thầm, khẩn trương, đầm ấm trong lòng nhân dân các dân tộc.
Trần Duy Phiên- nguyên Chánh Văn phòng
Ban Tổ chức Trung ương (1947-1950)