Diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai sau 35 năm giải phóng
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới trao đổi với bà con ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).

Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ Đồng Nai luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, 35 năm qua đã tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

 

 Quan tâm chăm lo đến đồng bào các DTTS

 Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào DTTS ở Phú Lý đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ngay từ những năm 1986, mỗi hộ dân ở ấp Lý Lịch 1 đã được tỉnh xây dựng cho nhà ở, đào giếng nước, cấp 1 hécta đất nông nghiệp. Năm 1996, Lâm trường Vĩnh An đầu tư toàn bộ hệ thống điện thắp sáng cho mỗi hộ; nhận nhiều đồng bào vào lâm trường làm công nhân. Năm 2005, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng nơi đây thành làng dân tộc phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư 2,8 tỷ đồng xây dựng Nhà dài cho ấp để làm nơi bảo tồn các hiện vật, hình ảnh văn hóa Chơ Ro và là nơi truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống  cho lớp trẻ.

Cùng với đồng bào DTTS ở xã Phú Lý, từ nhiều năm nay, tỉnh đã huy động các nguồn lực, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các đơn vị để hỗ trợ đồng bào DTTS ở khắp nơi trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 172 ngàn đồng bào DTTS, trong đó tập trung ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom và thị xã Long Khánh.

 Để đồng bào được hưởng các điều kiện thuận lợi về kinh tế, chăm sóc y tế, giáo dục..., tỉnh đã dành nhiều chương trình, dự án đầu tư. Điển hình là ở các chương trình 134, 135 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Ngoài mức quy định của Nhà nước, đồng bào DTTS ở Đồng Nai còn được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí từ 2-3 lần. Riêng việc xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo, trung ương hỗ trợ mỗi căn 6 triệu đồng, tỉnh và huyện trích thêm ngân sách địa phương 14 triệu đồng để mỗi căn nhà của đồng bào được xây dựng tối thiểu 20 triệu đồng. Ngoài nguồn đầu tư này, những năm qua Ủy ban MTTQ tỉnh còn vận động xây dựng trên 2 ngàn nhà tình thương cho đồng bào nghèo, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

 

Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo

Bên cạnh việc xây dựng nhà ở cho đồng bào, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn chú trọng đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo đối với con em đồng bào DTTS, xem đây là nhân tố hàng đầu trong việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch khoảng cách giàu nghèo. Hiện tỉnh có 2 trường dân tộc nội trú: Trường dân tộc nội trú tỉnh và Trường dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, mỗi năm có hơn 750 em theo học. Tỉnh cũng dự kiến xây thêm 1 trường dân tộc nội trú tại huyện Xuân Lộc, với quy mô dạy học khoảng 500 em.

Cùng với chính sách cử tuyển, tạo điều kiện để con em đồng bào được học tập tại các trường cao đẳng, đại học, thì từ năm 2003 đến nay tỉnh còn trích một nguồn kinh phí khá lớn để phối hợp với Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) đào tạo hơn 2.300 công nhân bậc 3/7, công nhân lành nghề, cán bộ điều dưỡng... cho thanh niên người DTTS của tỉnh. Nhiều người sau khi được đào tạo, trở về địa phương công tác đã phát huy tích cực các kiến thức chuyên môn được học, làm việc có hiệu quả và trở thành những cán bộ cốt cán, như: Dương Văn Nụm, Xã đội trưởng xã Phú Bình, huyện Long Thành; KMui, cán bộ Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán... Một số sinh viên có kết quả cao trong học tập, được nhà trường giữ lại làm giáo viên và cán bộ quản lý của hệ dân tộc, như: Nông Thị Mỹ Loan, Tô Thúy Lan, Vi Văn Tiệp...

 

 Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

 Trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc, tỉnh chú trọng đến việc xây dựng nhà văn hóa cho đồng bào DTTS tại các huyện, tạo điều kiện cho bà con có nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống. Cũng từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì tổ chức "Tuần lễ văn hóa" cho các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhằm giao lưu trao đổi văn hóa, văn nghệ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

 Bên cạnh đó, các lễ hội Sa Yang Va (dân tộc Chơ Ro), đâm trâu (dân tộc Mạ, STiêng, Cơ Ho); Tả tài phán (dân tộc Hoa)... hằng năm đều được tỉnh tạo điều kiện để tổ chức. Một số chữ viết, tiếng nói của DTTS (như Chơ Ro, Hoa) đã được khôi phục và sử dụng. Một số điệu múa, làn điệu dân ca (của các dân tộc Chơ Ro, Châu Mạ) được sưu tầm và khôi phục. Việc bảo tồn làng nghề dệt thổ cẩm ở ấp 4, xã Tà Lài (Tân Phú) được duy trì và phát triển...

Cùng với việc quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào thì việc xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và củng cố hệ thống chính trị vùng DTTS cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Một số ấp có đông đồng bào DTTS đã thành lập được chi bộ đảng, như ở xã Phước Bình (huyện Long Thành), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Số đại biểu HĐND, ủy viên ban chấp hành các đoàn thể, cán bộ, lãnh đạo các cấp là người DTTS ngày càng tăng. Đây chính là lực lượng quan trọng, tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

 

Đảng bộ Đồng Nai xác định: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS; tăng cường công tác định canh, định cư; tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phất triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở vùng đồng bào các DTTS, gắn với củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết; xây dựng làng dân tộc phát triển bền vững...

(Nguồn: Báo Đồng Nai)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất