Trong những niềm tin mà Tướng H.Nava đặt vào Điện Biên Phủ có yếu tố người Pháp làm chủ không phận. Với rất nhiều máy bay thám thính và trọng pháo hiện đại nhưng quân Pháp không ngờ rằng Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta lại đóng gần họ đến vậy, tại Mường Phăng nơi theo đường chim bay, cách hầm Đờ-Cát khoảng 18km. Từ đây, những tướng lĩnh Việt Nam đã làm chủ không phận với Đài quan sát đặt trên đỉnh Pú Huốt trong rừng Mường Phăng. Mọi động tĩnh của Tập đoàn cứ điểm Pháp tại Điện Biên Phủ đều bị quân ta nhìn thấu để đưa ra những đối sách hợp lý, đánh cho quân xâm lược không kịp trở tay. Mường Phăng hôm nay đã thay đổi rất nhiều, bản làng trù phú với số dân hơn gấp 10 lần năm xưa; không còn heo hút, lạnh lẽo như cái tên Rừng Lạnh của nó nữa.
Vẹn nguyên ký ức người lính
Chúng tôi không thể ngờ rằng mình lại có may mắn ấy, khi một sáng đầu tháng 5 được gặp 4 cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Điều bất ngờ là cả 4 cụ đều ở tuổi cổ lai hy nhưng vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn. Dưới cái nắng đầu hè oi ả, cả 4 cụ bước phăm phăm theo hướng rừng Đại Tướng. Tuy tuổi cao, trí nhớ giảm, vậy nhưng các cụ nói vanh vách ngày nhập ngũ, nhớ từng giây phút tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; thậm chí các cụ góp ý cho chúng tôi về thủ pháo, lựu pháo, sơn pháo... viết sao cho đúng.
Câu chuyện kể đầu tiên chúng tôi nghe là của cụ Tòng Văn Khớ, năm nay đã 81 tuổi. Cụ bồi hồi nhớ lại: “Ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ Tòng Văn Khớ mới 26 tuổi, 2 năm tuổi quân, thuộc Sư đoàn 320. Chiến công đầu tiên của Tòng Văn Khớ không phải ở mặt trận Điện Biên Phủ mà là bắt sống Tri châu Tòng Văn Ún ở Mường Lay (nay là Mường Chà) ngày 27/4/1954. Với chiến công này, Tòng Văn Khớ được thưởng khẩu súng tiểu liên. Về Điện Biên Phủ, chiến dịch đã kết thúc, chiến sỹ Khớ chỉ được tham gia canh gác hầm Đờ - Cát và giúp quân y ta cũng như Pháp cứu chữa tù binh, thương binh...
Với những người dân Mường Phăng, cụ Lò Văn Bóng là một pho sử sống. Cụ Bóng có vinh dự được gần gũi Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 56 ngày đêm ác liệt. Bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) bác Thái (Đại tướng Hoàng Văn Thái), bác Hặc (cố Chủ tịch Khu tự trị Thái Mèo Lò Văn Hặc) đều quí mến và coi cụ như người thân. Năm 2004, khi bác Giáp về thăm lại Mường Phăng, cụ Bóng vinh dự được thay mặt người dân Mường Phăng nấu bữa cơm với rau rừng và cá suối mời Đại Tướng. Với người dân Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được mọi người gọi đơn giản là Đại Tướng hoặc gần gũi hơn nữa bác Giáp. ở Mường Phăng, âm điệu trong cách gọi còn gần gũi và tự hào hơn nữa, nghe cách gọi ấy có cảm giác như Đại Tướng vốn sinh ra tại Mường Phăng vậy. Sau này tôi được biết rằng có lần chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói ông coi Điện Biên là quê hương thứ hai của mình. Được biết, trong buổi lễ mừng công chiến thắng tại Mường Phăng, cụ Lò Văn Hặc ôm cụ Bóng dặn: anh ở lại cố giữ nguyên mọi thứ cho nhân dân, cho Nhà nước... Lời dặn ấy đeo đẳng cụ Bóng hơn nửa thế kỷ qua. Một bạn đồng nghiệp của chúng tôi kể: khi anh em báo chí đến phỏng vấn cụ Bóng về những ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ nói vài câu rồi lại lái sang chuyện rừng Đại Tướng bị xâm hại, di tích không được trùng tu đúng mức. Có lúc cụ gắt cả anh em phóng viên vì cái lý, các anh phải viết về việc bảo vệ rừng Đại Tướng, khôi phục, bảo vệ di tích chứ viết gì về tôi...
Lòng dân với rừng Đại Tướng
Trong hệ thống các di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ có lẽ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng có môi trường cảnh quan gần gũi nhất với di tích gốc. Sự gần gũi ấy được tạo nên bởi mấy mươi năm gìn giữ khu rừng Đại Tướng ở Mường Phăng. Giữ được khu rừng này cũng không phải ít công sức, nhất là khi xung quanh việc phá rừng diễn ra tràn lan, kinh phí giữ rừng lại quá ít. Không ít lần việc phá rừng Đại Tướng đã diễn ra, báo chí một số lần phải lên tiếng Ai giữ rừng Đại Tướng, “Cơ chế nào bảo vệ rừng Đại Tướng Không ít sự quan tâm của các cơ quan trách nhiệm, song nhìn một cách thẳng thắn thì giữ được khu rừng ngút ngàn xanh như ngày nay công lao trước hết thuộc về những người dân Mường Phăng. Những người luôn coi khu rừng có cái tên theo tiếng Thái là Rừng Lạnh này như một niềm tự hào của quê hương, đặc biệt của những người như cụ Lò Văn Bóng.
Hôm chúng tôi vào Mường Phăng thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, gặp cháu Lò Văn Tâm, 10 tuổi, học sinh Trường Tiểu học số 2 Mường Phăng. Tranh thủ ngày nghỉ, Tâm mang theo một số loại thuốc nam thu hái từ rừng để chào mời bán cho khách du lịch. Mới học lớp 4 nhưng Tâm biết khá nhiều về Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng. Từ việc hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chỗ nào, hầm Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, rồi thì đường hầm thông từ hầm bác Giáp sang hầm bác Thái dài bao nhiêu mét... Hỏi về việc bảo vệ rừng Đại Tướng, Lò Văn Tâm khẳng định: Không ai được chặt một cây nào trong rừng rộng gần 200ha này, lệ bản qui định rõ chặt một cây phạt hai tạ thóc. Khu rừng ấy được giữ từ lòng dân như thế...
Đài quan sát trên đỉnh Pú Huốt
Núi Pú Huốt nhìn từ xa trông giống như chiếc sừng trâu cong, nhọn cắm lên trời, đây cũng là đỉnh cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng. Từ đỉnh núi này, nhìn thấu suốt cả cánh đồng Mường Thanh. Cụ Bóng kể rằng: Những ngày cuối tháng 1/1954, trên đỉnh núi này xuất hiện một cây lạ ẩn trong cây rừng. Cây lạ ấy chính là Đài quan sát của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ Đài quan sát, mọi động tĩnh của con nhím độc - Tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ bị bộ đội ta giám sát chặt chẽ. Tướng H.Nava, Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương cho rằng với việc bộ đội Việt Minh chưa có máy bay, quân Pháp hoàn toàn làm chủ không phận, có thể không chỉ đánh phá ta bằng không quân mà còn chủ động hoàn toàn trong việc theo dõi mọi động tĩnh bộ đội Việt Minh. Thực tế, chiến trường 56 ngày đêm máu trộn bùn non thì hoàn toàn ngược lại. Chúng ta nắm rõ mọi hoạt động của quân Pháp, còn quân Pháp rất mù mờ về phía đối phương. Cựu chiến binh Lò Văn Bóng kể lại rằng: Sau chiến dịch, ông đã lần ngược lên đỉnh núi, mất 3 tiếng đi bộ mới đến đỉnh Pú Huốt.
Cũng như con đường kéo pháo, những người biết vị trí Đài quan sát rất ít. Liệu có một ngày nào chúng ta mất dấu hoàn toàn di tích này hay không và bao giờ di tích quan trọng này mới được phục dựng? Chắc chắn rằng được lên đây ngắm nhìn về Mường Thanh cũng là một cách rất hữu hiệu để hiểu rõ hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ, nhất là với du khách nước ngoài, những người vẫn luôn đi tìm câu trả lời cho chiến thắng kỳ lạ của bộ đội ta ở Điện Biên Phủ.
(Nguồn: Báo Điện Biên Phủ)