Đắk Lắk phát triển đảng viên là người có đạo
Đảng ủy xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) tổ chức lễ trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên.

Là một tỉnh miền núi biên giới, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Đắk Lắk có 4 tôn giáo chính: Thiên Chúa, Phật giáo, Tin lành và Cao đài; số người theo các tôn giáo khoảng 450.000 người, chiếm 25% dân số. Toàn tỉnh có trên 200 cơ sở thờ tự với 504 chức sắc, chức việc sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo. Tổng số đảng viên của tỉnh là 55.297 đồng chí, trong đó: đảng viên dân tộc thiểu số 8.096 đồng chí, chiếm 14,5%; đảng viên trong các tôn giáo có 431 đồng chí, chiếm 7,8%.

Sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về “kết nạp người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 04-HD/TU, ngày 22-11-2004 hướng dẫn thực hiện Quy định trong toàn tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện chi bộ. Trong đó, quán triệt sâu Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW, ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Nhiều cấp ủy đảng xác định kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng và công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Kết quả,  từ khi triển khai thực hiện Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác kết nạp đảng là người có đạo của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực qua các năm, cụ thể: Năm 2005 kết nạp được 3 đảng viên là người có đạo, năm 2006 kết nạp 39; năm 2008 kết nạp 41, năm 2009 kết nạp 44, năm 2010 kết nạp 47, năm 2011 kết nạp 49. Trong đó, từ năm 2009 đến nay đã kết nạp được quần chúng là người theo đạo Tin Lành, đạo Cao Đài mà trước đó chỉ kết nạp được quần chúng theo đạo Thiên Chúa và đạo Phật.

Các cấp ủy, chi bộ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đảng viên, vận động đồng bào có đạo và các chức sắc tôn giáo thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân công cấp ủy viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác tôn giáo về sinh hoạt tại chi, đảng bộ ở nơi có đông đồng bào theo đạo nhằm theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của của đồng bào. Giải thích rõ hơn về nhận thức, chủ trương đường lối của Đảng: Về tín ngưỡng, người có đạo có quyền tự do hành lễ của một tín đồ; về mặt chính trị xã hội, là công dân được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc phụng sự Tổ quốc, trách nhiệm đối với đất nước và toàn xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, sống tốt đời, đẹp đạo; góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH ở địa phương và giữ vững an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, kịp thời phản ánh những vấn đề nảy sinh như để cấp ủy có hướng chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Đồng thời, các cấp ủy đảng luôn quan tâm đến các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xây dựng củng cố hệ thống chính trị vùng giáo nhằm tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp đã đề ra, nhất là trong việc  hòa hợp giữa “đạo” với “đời”, tôn giáo với dân tộc trong đội ngũ chức sắc, chức việc và bà con giáo dân, qua đó từng bước khắc phục, tháo gỡ những hạn chế, khó khăn trong công tác phát triển đảng viên hiện nay.

Hằng năm, vào các dịp lễ, tết các cấp ủy đảng trong tỉnh tổ chức buổi gặp mặt, toạ đàm và tặng quà các vị chức sắc tôn giáo ở địa phương, thông qua đó để nắm được những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất chính đáng của đồng bào giáo dân để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, liên quan kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc ngay từ cơ sở. Trong sinh hoạt văn hoá, nhân các ngày lễ hội truyền thống của đồng bào giáo dân, các cấp ủy đảng đều cử cán bộ tham gia nhằm động viên khuyến khích đồng bào giữ vững nét đẹp văn hoá, truyền thống sống tốt đời đẹp đạo, vươn lên làm giàu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  Một số tổ chức cơ sở đảng rất chú trọng lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân và các vị chức sắc tôn giáo, nên đã tạo được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và qua đó tạo được sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân, nhất là với quần chúng có đạo ở địa bàn dân cư.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn đang tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động lén lút, núp dưới các chiêu bài dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo nhằm chống phá cách mạng nước ta. Một số cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở còn e dè, định kiến, thiếu tin tưởng đối với người có đạo, không muốn kết nạp những chức sắc, chức việc trong tôn giáo vào Đảng, sợ ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Một số quần chúng giáo dân còn băn khoăn cho rằng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo luật; chưa nhận thức đầy đủ về những nội dung quy định hiện hành, dẫn đến động cơ phấn đấu vào Đảng chưa cao; có trường hợp quần chúng tín đồ sau khi được kết nạp vào Đảng nhưng muốn tham gia các chức sắc, chức việc trong tôn giáo nên làm đơn xin ra khỏi Đảng. Công tác tạo nguồn phát triển đảng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do số đông con em địa phương sau khi học xong THCS, THPT đều thi vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, sau khi tốt nghiệp thường không trở về làm việc tại địa phương; số còn lại không đảm bảo về trình độ học vấn hoặc thường xuyên đi làm ăn xa. Có nhiều quần chúng giáo dân Công giáo do gia đình di cư vào Tây Nguyên những năm 1954, nhưng trước đó có thời gian khá dài sinh sống ở những “khu gia binh” (vùng Thừa thiên – Huế, Đà Nẵng) nên việc thẩm tra lý lịch rất khó khăn. Một số quần chúng tích cực tham gia phong trào của địa phương nhưng lại có trình độ học vấn thấp so với quy định, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình. Đến nay trên toàn tỉnh vẫn chưa kết nạp được đảng viên là chức sắc, chức việc hay lãnh đạo các hội, đoàn tôn giáo. Tỷ lệ đảng viên là người có đạo còn thấp (7,79% đảng viên là người có đạo so với 25% dân số là tín đồ các đạo giáo).

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong vùng tôn giáo, các cấp ủy đảng trong tỉnh thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:


1- Các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy đảng và chính quyền ở cơ sở cần nắm vững và tập trung tuyên truyền, giáo dục để các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên là người có đạo và những nội dung, yêu cầu về quản lý đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, từ đó có chương trình, kế hoạch giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú là người có đạo vào Đảng. Khắc phục tư tưởng phân biệt đối xử với người có đạo trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, gắn công tác phát triển đảng viên là người có đạo với việc thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước tại từng địa bàn, khu dân cư.

2- Thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất l­ượng hoạt động của mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Tích cực chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân, phát hiện những quần chúng tích cực để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước  gắn với thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đẩy mạnh phát huy nội lực ở cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

3- Tiếp tục thực hiện chủ trương phân công đảng viên ở các chi bộ gần kề và đảng viên là cán bộ, đảng viên có năng lực, uy tín ở xã, phường, thị trấn về sinh hoạt ở các thôn, buôn, tổ dân phố có đông đồng bào giáo dân nhưng chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng để tuyên truyền, vận động quần chúng kết nạp vào Đảng và thành lập tổ chức đảng. Tuỳ tình hình đặc thù của mỗi địa phương, cần xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, xác định chỉ tiêu phát triển đảng viên là người có đạo để phấn đấu thực hiện. Các cấp uỷ đảng  thường xuyên quan tâm, chú trọng đến việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng tôn giáo, vùng có đạo.

4- Hằng năm, các cấp ủy đảng cần bố trí kinh phí tổ chức gặp mặt, toạ đàm và tặng quà các vị chức sắc tôn giáo để vận động họ nhận thức đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo, thấy được những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, để từ đó giáo dục đồng bào, giáo dân tự giác chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

5- Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần nêu cao trách nhiệm trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người có đạo. Trong đó, trước mắt tập trung vào những gia đình có truyền thống cách mạng, bộ đội xuất ngũ, giáo viên ở địa phương. Cấp ủy các cấp chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã có đông giáo dân; định kỳ tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết về công tác đảng ở vùng có đạo; từ đó rút ra những yếu kém, khuyết điểm, nhân rộng những điển hình tốt, đề ra những biện pháp hiệu quả để làm tốt hơn nữa công tác tôn giáo, công tác xây dựng đảng vùng có đạo ở địa phương.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất