Gia Lai có 22 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đang hoạt động (gồm Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành miền Nam Việt Nam, Cao Đài và Baha’i) với 157 cơ sở tôn giáo và gần 300.000 người theo đạo.
Sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo; Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 13-HD/TC ngày 9-5-2005 và Hướng dẫn số 18-HD/BTCTU ngày 1-8-2008 về một số điểm thựuc hiện Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện quy định của Bộ Chính trị về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Nhiều cấp ủy đảng xác định công tác kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng và công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Kết quả là hơn 200 quần chúng là người có đạo được 15/17 đảng bộ huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh xem xét kết nạp vào Đảng, chiếm tỷ lệ 87,83% đảng viên là người có đạo. Đảng bộ đã làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo là: Đảng bộ huyện Đăk Đoa, thành phố Pleiku, huyện Ia Pa, huyên Ayun Pa…
Làm tốt công tác kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào có đạo về quan điểm nhất quán, đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện chính sách tôn giáo, từ đó tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Công tác phát triển đảng viên là người có đạo đã góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên trong từng đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên tại những địa bàn có đông đồng bào có đạo. Phần lớn những quần chúng là người có đạo sau khi được xem xét, kết nạp vào Đảng đã chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều đảng viên tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; vận động gia đình và quần chúng xung quanh gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa, yêu nước”, giữ gìn sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo; tạo sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng của đồng bào có đạo đối với chủ trương của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Một số kinh nghiệm.
Một là, tập trung tuyên truyền, giáo dục để các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên là người có đạo và những nội dung, yêu cầu về quản lý đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, từ đó có chương trình, kế hoạch giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú là người có đạo vào Đảng.
Hai là, khắc phục tư tưởng phân biệt đối xử với người có đạo trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, gắn công tác phát triển đảng viên là người có đạo với việc thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước tại từng địa bàn, khu dân cư.
Ba là, xem công tác phát triển đảng viên là người có đạo, nhất là vùng có đông đồng bào có đạo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng; gắn nhiệm vụ phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên là người có đạo nói riêng với việc đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.
Bốn là, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần tại những vùng có đông đồng bào có đạo; giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm ở cơ sở; tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng của đồng bào có đạo đối với sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nhị Hà