Tháng 4-2006, Đại hội X của Đảng cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đến Đại hội lần thứ XI của Đảng, tháng 1-2011 cho phép "Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, đây là bước phát triển trong nhận thức và sự đổi mới trong tư duy lý luận quan trọng của Đảng, góp phần tăng cường trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này.
Kết nạp chủ DNTN vào Đảng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với đường lối đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đó là vì từ những năm đổi mới đến nay, kinh tế tư nhân nước ta (bao gồm hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân) đã phát triển khá nhanh, đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ chủ DNTN cơ bản là những người có kiến thức, có bản lĩnh trên thương trường. Sự phát triển của các DNTN, sự thành đạt của các chủ DNTN cũng chính là sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Do vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ chủ DNTN có đủ điều kiện được đứng trong hàng ngũ của Đảng để họ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Qua khảo sát cho thấy, trước khi Đảng có chủ trương cho đảng viên làm kinh tế tư nhân thì việc đảng viên làm kinh tế tư nhân đã diễn ra trong thực tiễn, thể hiện dưới một số hình thức: Các doanh nghiệp không mang pháp nhân của đảng viên nhưng do đảng viên đầu tư, tham gia vào quá trình tổ chức, điều hành hoạt động doanh nghiệp; các doanh nghiệp mà khởi đầu từ các đơn vị cá thể, tiểu chủ do đảng viên làm chủ cơ sở qua một thời gian kinh doanh đã phát triển về quy mô vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp) nhưng vẫn giữ pháp nhân là đơn vị cơ sở cá thể, tiểu chủ; các doanh nghiệp tư nhân do đảng viên đầu tư, đứng tên và trực tiếp tổ chức điều hành quản lý. Số doanh nghiệp hoạt động công khai này không nhiều, song với vai trò, vị trí quan trọng của doanh nghiệp nên các cơ quan đảng, chính quyền vẫn mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp. Về điều kiện xuất thân, đại đa số đảng viên làm chủ DNTN hiện nay đã có thời gian là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang nay nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoặc là bộ đội xuất ngũ, công an chuyển ngành, đã được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có một số đồng chí đã từng làm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước và đã là đảng viên trước khi trở thành chủ DNTN, nên họ hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Tuy Đảng ta đã tin tưởng và cho phép những chủ DNTN được đứng trong hàng ngũ nhưng không ít chủ DNTN vẫn cảm thấy băn khoăn. Nhiều chủ DNTN đặt vấn đề: vào Đảng thì họ và DN của họ có những thuận lợi gì, quyền lợi ra sao? Không ít người lo lắng phải dành thời gian cho hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Một số khác e rằng, với thời gian eo hẹp sẽ rất khó để tham gia sinh hoạt đảng đầy đủ... Thực tế cho thấy, khi phát triển chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, sẽ gặp một số khó khăn:
Một là, về công tác thẩm tra, xác minh lý lịch: Do đặc điểm ngành nghề sản xuất - kinh doanh như dịch vụ, thương mại và du lịch; xây dựng, giao thông vận tải... nên nhiều doanh nghiệp cần đăng ký nhiều trụ sở ở các địa phương khác nhau, dẫn đến việc thẩm tra, xác minh lý lịch cho quần chúng là chủ DNTN nơi quần chúng đó cư trú hoặc nơi doanh nghiêp đặt trụ sở gặp khó khăn; mặt khác, bản thân chủ doanh nghiệp thường xuyên không có mặt tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, một số chủ doanh nghiệp thường xuyên đi công tác nước ngoài đã tạo nên tâm lý không muốn, hoặc không dám xác nhận lý lịch cho đối tượng là chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hai là, về quy trình xét kết nạp: Việc kết nạp chủ DNTN vào Đảng có thể sẽ gặp những khó khăn khi thực hiện quy trình theo quy định của các văn bản hiện hành. Cụ thể: ở những doanh nghiệp đã có tổ chức đảng và tổ chức công đoàn, do đặc điểm chủ doanh nghiệp tư nhân không được kết nạp để trở thành đoàn viên công đoàn nên tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp không được đại diện và thay thế một đảng viên chính thức “cùng hoạt động (công tác, lao động, học tập...) ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở”. Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, điều này còn khó khăn hơn khi cần phải có hai đảng viên chính thức giới thiệu quần chúng vào Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, nhất là khi chưa thống nhất về việc cấp ủy cấp trên trực tiếp quản lý tổ chức đảng tại doanh nghiệp (sau khi được thành lập) sẽ là huyện, quận ủy hoặc đảng ủy khối doanh nghiệp (khu chế xuất, khu công nghiệp) hay đảng ủy xã, phường, thị trấn.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng cần kết nạp vào Đảng những doanh nhân thành đạt, có phẩm chất, đạo đức, là tấm gương cho người lao động trong doanh nghiệp cũng như những doanh nhân khác, có nguyện vọng gia nhập Đảng. Vấn đề kết nạp những người là chủ DNTN vào Đảng, theo chúng tôi cần xác định rõ một số nội dung sau:
1- Về đối tượng kết nạp: Cần xác định rõ chủ DNTN là những chủ sở hữu toàn bộ hoặc phần tài sản chi phối trong các DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần tư nhân; đồng thời, giữ một trong các chức danh quản lý: Giám đốc DNTN, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tư nhân.
2- Về tiêu chuẩn, điều kiện: Ngoài những tiêu chuẩn quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng, quần chúng là chủ DNTN cần có các điều kiện như: Doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; thực hiện đúng về hợp đồng, thỏa ước lao động, chế độ, chính sách đối với người lao động và các quy định về bảo vệ môi trường; không để xảy ra đình công, lãn công; doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn (khi có đủ điều kiện theo quy định) và hoạt động theo đúng pháp luật, Điều lệ công đoàn. Ở những doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, việc xem xét kết nạp chủ DNTN vào Đảng thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng; ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng thì việc xem xét kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng được thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và phân cấp quản lý của cấp ủy địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở giao dịch chính.
3- Đối với các chủ DNTN, các tổ chức đảng cần quan tâm hơn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như bồi dưỡng lý luận chính trị với những nội dung, hình thức phù hợp, để họ thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng các kiến thức về công tác đảng…
4- Khi kết nạp chủ DNTN vào Đảng, quan tâm những chủ DN thành đạt, có tâm, có tài, với những chủ DNTN biết chăm lo đời sống của người lao động, làm tốt công tác xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, có uy tín đối với người lao đọng trong DN và nhân dân địa phương…, các tổ chức đảng cần quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp giúp đỡ để họ thực sự trở thành các đảng viên.
5- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các đảng viên là chủ DNTN và các tổ chức đảng trong các DNTN về việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết, chỉ thị của các cấp uỷ đảng, về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của đảng viên… Cần hết sức lưu ý những phần tử cơ hội, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân, dùng đồng tiền để mua chuộc tổ chức, mang những tư tưởng, quan điểm phi vô sản vào trong Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng… Đề phòng các thế lực thù địch lợi dụng, móc ngoặc đưa những kẻ cơ hội vào Đảng để chống phá Đảng từ bên trong.
Đảng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong toàn Đảng về kết nạp các chủ DNTN vào Đảng, quan tâm lãnh đạo phát triển khu vực kinh tế tư nhân và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhà nước cần có những chính sách để các thành phần kinh tế được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhiệp tư nhân phát triển...
Sơn Tra