Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Nhìn từ TP. Hồ Chí Minh, đô thị sôi động nhất cả nước
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (phường Hà Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) điều khiển máy công cụ gia công các sản phẩm cơ khí chính xác.

Thực trạng

Trong quá trình phát triển và hội nhập, TP. Hồ Chí Minh luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước. Việc thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân theo Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân” (sau đây gọi tắt là Quy định 15) của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi nhờ gắn với thực hiện Chương trình hành động số 06-NQ/TW ngày 4-7-2002 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 19-5-2003, Chỉ thị số 10/CT/TU ngày 18-1-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.

Bên cạnh đó, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục nâng lên yêu cầu về chất lượng đối với tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, “tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là các tổ chức đảng yếu kém, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả xây dựng và chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được chú trọng, đạt kết quả tích cực về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra” càng tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Trước khi có Quy định 15, Thành ủy đã có Chương trình hành động số 06-NQ/TU ngày 4-7-2002 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, trong giải pháp thực hiện đã giao cho Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội đoàn “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế tư nhân. TP. Hồ Chí Minh cũng đã khảo sát, thống kê lực lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên làm việc ở các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân để phát triển tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ ở khu vực doanh nghiệp tự nhân có đủ điều kiện”.

Từ năm 2002-2006, TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 1.860 công nhân lao động là đoàn viên ưu tú trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được kết nạp vào Đảng; 1.576 lượt đảng viên đang hưởng chế độ nghỉ hưu, mất sức tiếp tục làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Tính đến tháng 6-2016, Thành phố có 4.116 đảng viên làm kinh tế tư nhân, trong đó có 3.200 đảng viên làm kinh tế tư nhân sau khi ban hành Quy định 15, tăng 3.5 lần so với trước khi có Quy định 15 (916 đảng viên). Trong 4.116 đảng viên làm kinh tế tư nhân, có 871 đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân, góp phần tạo ra việc làm cho 89.389 lao động, chiếm 5,07% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố. Nhiều đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân có thời gian là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển ngành…, nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước do đảng viên làm chủ hoạt động ổn định, hiệu quả, một số doanh nghiệp tích lũy được vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, có ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, chế độ kế toán, thống kê và các chế độ, chính sách của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tự thiện, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, quốc phòng an ninh và các phong trào tại địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng.

Hầu hết doanh nghiệp tư nhân của TP. Hồ Chí Minh do đảng viên làm chủ đều thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động đã ký kết, chăm lo cải thiện đời sống, bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Một số doanh nghiệp quan tâm tăng thu nhập hằng năm cho người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thực hiện quy định về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, chế độ khen thưởng, nghỉ mát, chăm lo hỗ trợ công nhân kết hôn, trợ cấp gia đình người lao động khó khăn, nâng mức ăn trưa và ăn tăng ca, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, xây dựng nhà lưu trú, hỗ trợ tiền xe đi lại, chế độ nghỉ lễ tết cho công nhân. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 270 doanh nghiệp tư nhân do đảng viên làm chủ đã thành lập tổ chức đảng, chiếm 47,28% số doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng trong đó có 107 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân làm bí thư chi bộ, đảng bộ, chiếm 25,17% tổng số bí thư các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Trong 10 năm qua, 934 quần chúng ưu tú làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân do đảng viên làm chủ được kết nạp vào Đảng, chiếm 27,72% tổng số quần chúng ưu tú làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng; thành lập được 386 tổ chức công đoàn, 153 tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đa số đảng viên là chủ doanh nghiệp tự nhân của Thành phố có ý thức và tích cực ủng hộ việc hình thành tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và tổ chức đoàn thể, lãnh đạo chính trị, tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân đã có sự phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động; tham gia ý kiến với cấp ủy trong việc đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp thực sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo quần chúng chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của người lao động.

Sau khi thực hiện Quy định 15, tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 2 trường hợp đảng viên vi phạm Quy định 15 bị xử lý kỷ luật, hình thức kỷ luật khiển trách, là đảng viên thuộc Đảng bộ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ.

Khó khăn

Sau khi thực hiện Quy định 15, TP. Hồ Chí Minh gặp những khó khăn như: Vẫn còn một bộ phận đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng không đứng tên đăng ký kinh doanh và trực tiếp tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp, do chưa nắm chắc và hiểu biết về Quy định 15, còn lo ngại ảnh hưởng đến trách nhiệm đảng viên, chưa khai báo đầy đủ với tổ chức đảng, vì vậy kết quả chưa phản ánh đầy đủ thực trạng, tình hình đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở các doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ, không đủ điều kiện số lượng đảng viên, lao động để hình thành tổ chức. Bên cạnh đó, còn có những doanh nghiệp rất nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, khả năng đầu tư trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, không đủ sức cạnh tranh; đảng viên làm kinh tế tư nhân chỉ tập trung việc sản xuất kinh doanh, chưa thật quan tâm phối hợp với cấp ủy và tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Việc bồi dưỡng, rèn luyện cho quần chúng ưu tú, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời gian sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảng viên có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, điều hành ở doanh nghiệp sinh hoạt ở các chi bộ ghép (chi bộ xây dựng lực lượng chính trị) thường không ổn định nên cấp ủy khó khăn trong việc theo dõi, kiểm tra, cập nhật, báo cáo kịp thời.

Một bộ phận đảng viên làm kinh tế tư nhân đang sinh hoạt ở chi bộ nơi cư trú, chưa chuyển về các chi bộ doanh nghiệp nên cấp ủy, tổ chức đảng gặp khó khăn trong quản lý, phân công công tác, kiểm tra và giám sát đảng viên. Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn lúng túng trong xác lập vai trò và định hướng hoạt động; chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả, nội dung và hình thức sinh hoạt còn đơn điệu; các doanh nghiệp mà bí hư, cấp ủy viên không phải là cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ quản lý trong doanh nghiệp thì việc phát huy vai trò, tác dụng của tổ chức đảng còn rất hạn chế.

Vẫn còn một bộ phận đảng viên làm kinh tế tư nhân, kể cả đảng viên làm chủ doanh nghiệp, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong công tác xây dựng đảng, chưa thật sự quan tâm công tác xây dựng đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

Và kiến nghị

Hiện nay, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Do đó, Trung ương cần nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận của vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân để lãnh đạo, giải thích, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ Đảng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương này.

Theo Quy định 15, đảng viên làm kinh tế tư nhân là đảng viên có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản lý, điều hành doanh nghiệp, trực tiếp tham gia lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có nhiều đảng viên không thành lập doanh nghiệp mà cho thuê mặt bằng, xây dựng và cho thuê nhà trọ, thực hiện các hình thức kinh doanh qua mạng, đầu tư và mua bán chứng khoán… thì có được xác định là đảng viên làm kinh tế tư nhân không?

Cần có hướng dẫn cụ thể về khái niệm “đảng viên làm kinh tế tư nhân” và “đảng viên có kiên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, điều hành…” sao cho phù hợp với đặc điểm nền kinh tế thị trường hiện nay.

Cần có quy định cụ thể về biện pháp chế tài đối với các chủ doanh nghiệp cố tình không tạo điều kiện để tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và hoạt động, không thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đảng viên làm kinh tế tư nhân (chủ doanh nghiệp), ngoài thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên theo Điều 2 Điều lệ Đảng, còn phải chấp hành nghiêm Điều 2 Quy định 15.

Hằng năm, khi đánh giá, phân loại chất lượng đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân nếu chỉ thực hiện như các đảng viên khác là chưa đánh giá đầy đủ hết nhiệm vụ, trách nhiệm của đảng viên làm kinh tế tư nhân. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương cần có hướng dẫn về tiêu chí đánh giá, phân tích chất lượng hằng năm đối với những đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất