Khi Hà Nội thực hiện Quy định số 15
Lễ trao quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH CEC Việt Nam, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hà Nội

Hiện tại, trên địa bàn TP. Hà Nội, có trên 199.811 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 97%); trong đó doanh nghiệp nông nghiệp chiếm khoảng 1,2%, công nghiệp chiếm khoảng 12%, còn lại là doanh nghiệp thương mại – dịch vụ và các ngành khác chiếm 86,8%. Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân ngày một tăng lên, các mặt hàng trở nên phong phú hơn, sức cạnh tranh cao hơn đã kéo theo chất lượng các hàng hóa dịch vụ được nâng lên, thị trường sôi động hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước còn góp phần khai thác tiềm năng của Thủ đô để phát triển kinh tế như tài nguyên, lao động, vốn, thị trường, đặc biệt là tay nghề tinh xảo với các ngành nghề truyền thống.

Nhờ phát huy lợi thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thời gian qua, tốc độ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt khá cao. Doanh nghiệp ngoài nhà nước tại TP. Hà Nội đã tạo ra một khối lượng sản phẩm chiếm trên 38% toàn địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2016, Thủ đô Hà Nội đã thu hút được gần 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên mức 202.255 doanh nghiệp. Những con số này góp phần quan trọng trong công tác tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp cho tăng trường kinh tế của Thủ đô. “Đây là mức tăng cao nhất trong vòng sáu năm qua, cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp của Chính phủ và của Hà Nội, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền, đồng thời ghi dấu vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp địa phương,” Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng Hà Nội sẽ là địa phương tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình từ khi doanh nghiệp khởi nghiệp đến các hoạt động sau khởi sự kinh doanh. Hiện Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Cách làm của TP. Hà Nội

Tính đến tháng 6-2017, tên địa bàn TP. Hà Nội có gần 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.110 TCCSĐ với 52.802 đảng viên. Thời gian qua, nhờ bám sát cơ sở, đồng hành doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, công tác phát triển Đảng và đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của Hà Nội đã đạt kết quả cao. Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hạnh, thực hiện Quy định số 15, riêng 6 tháng năm 2018, Thành phố đã thành lập mới được 75/131 tổ chức đảng, đạt 57,25% kế hoạch năm 2018; kết nạp được 341 đảng viên mới. Trong đó, một số đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch như các quận, huyện Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ, Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn.

Xác định đảng viên làm kinh tế tư nhân là chủ trương mới, quan trọng của Đảng nên ngay từ tháng 10-2006, Ban Thường vụ Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, quán triệt Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Tiến hành chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc triển khai Quy định số 15 đến các tổ chức đảng và đảng viên chủ yếu thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy đảng đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, tạo sự phấn khởi, yên tâm đối với các đảng viên làm kinh tế tư nhân; khuyến khích đảng viên làm giàu chính đáng, phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường. Đồng thời tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên về chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân. Các cấp ủy đảng trong doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ với Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo doanh nghiệp và cấp ủy địa phương, cùng với doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc triển khai Quy định số 15 đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định là một nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa VIII về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Cụ thể, ngày 27-2-2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ “về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành hướng dẫn số 59-HD/BTGTU ngày 25-12-2012 về “học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng, đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”; chỉ đạo Ban Tổ chức Thành  ủy ban hành Hướng dẫn số 10-BTCTU ngày 6-12-2013 “Hướng dẫn sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội”; chỉ đạo Văn phòng Thành ủy và Sở Tài chính ban hành Hướng dẫn liên ngành số 12-HD/VPTU-STC ngày 21-11-2013 về “Thực hiện tạm thời một số chế độ, định mức chi hỗ trợ tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Trước ngày 28-8-2006, TP. Hà Nội và tỉnh Hà Tây chưa hợp nhất, số lượng đảng viên làm kinh tế tư nhân ở Đảng bộ Hà Nội rất ít, chủ yếu là một số đảng viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức đứng ra thành lập các tổ sản xuất nhỏ hoặc hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Nhiều đảng viên có trình độ, có tâm huyết và điều kiện làm kinh tế nhưng do e ngại nên chưa mạnh dạn đứng ra thành lập các doanh nghiệp tư nhân hoặc không dám góp vốn trong các doanh nghiệp tư nhân. Quy định số 15 được ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo cán bộ, đảng viên muốn cống hiến khả năng để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương. Nhiều đảng viên có trình độ, có tâm huyết và điều kiện làm kinh tế đã mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy định số 15 ở Đảng bộ TP. Hà Nội, qua khảo sát trên địa bàn thành phố cho thấy, đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thể hiện là những người gương mẫu, đi đầu trong mọi lĩnh vực, nhất là trong quá trình dựng xây và phát triển địa phương, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển chung của thành phố, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, ưu tiên tuyển dụng công nhân tại địa phương khi thu hồi đất; giá trị do lực lượng lao động là đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân tạo ra có sức ảnh hưởng tích cực trong việc tăng thêm nguồn thu ngân sách cho Thành phố. Một số chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên đã quan tâm khôi phục làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mộc, cơ khí (huyện Thạch Thất), chế biến thực phẩm, đồ kỹ nghệ (huyện Hoài Đức), khảm trai, sơn mài, da giày (huyện Phú Xuyên), mây, tre đan (huyện Chương Mỹ)… Ngoài nộp ngân sách nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đóng góp với địa phương trong việc xây dựng các công trình phúc lợi,ủng hộ từ thiện nhân đạo, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường…

Số lượng đảng viên làm kinh tế tư nhân trên địa bàn TP. Hà Nội trong những năm gần đây tăng nhanh. Cụ thể, năm 2013, có 15.616 đảng viên thì đến năm 2016 con số này là 21.316 đảng viên. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng trên địa bàn còn chưa cao, việc tăng cường công tác định hướng, giám sát về thực hiện các quy định của Đảng đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân còn hạn chế. Mục tiêu làm kinh tế tư nhân là lợi nhuận, thu nhập, nếu công tác kiểm tra, giám sát không kịp thời, thường xuyên dễ dẫn đến đảng viên mắc khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong chấp hành, triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng. Để tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng trong việc quản lý đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân, quản lý và chỉ đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. Hà Nội phát triển bền vững theo đúng định hướng của Đảng; Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội (có 82/137 TCCSĐ thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước); nâng cấp Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thành Đảng bộ cấp trên cơ sở (có 7 khu công nghiệp với 46/48 TCCSĐ và 624/728 đảng viên thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước), đồng thời có 13/30 quận, huyện ủy đã thành lập được đảng bộ khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Thông qua hoạt động, các đảng ủy khối doanh nghiệp là trung tâm, là cầu nối giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Thành phố hoặc lãnh đạo quận, huyện; các doanh nghiệp có cơ hội liên doanh, liên kết, phát huy tiềm năng, lợi thế của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố.  

Hiện nay, 15 đảng bộ tổng công ty trực thuộc Thành ủy Hà Nội và các đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội, Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Khối Du lịch Hà Nội đã và đảng thực hiện chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần không có vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước 100% theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các tổng công ty, công ty đã thực hiện tốt công tác cổ phần hóa doanh nghiệp và tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công nhân viên; động viên cán bộ, đảng viên, người lao động mua hết cổ phiếu ưu đãi và yên tâm lao động, công tác, thực hiện đúng các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Sau cổ phần, các tổng công ty, công ty sớm ổn định về tổ chức và hoạt động; do chuẩn bị tốt về mặt tư tưởng nên không có những biến động bất lợi về nhận thức, tinh thần đối với cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp.

Và những vướng mắc

Trong quá trình thực hiện Quy định số 15, Đảng bộ TP. Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Do ảnh hưởng khó khăn từ nền kinh tế nước ta cũng như thế giới, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động kém hiệu quả, có lúc, có nơi vi phạm quy định về nguyên tắc sinh hoạt đảng, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng có nơi bị hạ thấp; việc chấp hành các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước thực hiện chưa kịp thời, thậm chí có doanh nghiệp không có khả năng thực hiện nên thu nhập của người lao động không được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của người lao động vị xem nhẹ…

Nhiều cấp ủy cơ sở chưa có quy định cụ thể để kiểm soát đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức góp vốn làm kinh tế tư nhân theo Quy định số 15, hiện nay chủ yếu dựa vào sự tự giác kê khai của đảng viên. Đa số các doanh nghiệp tư nhân thuộc các huyện của Hà Nội có quy mô vừa và nhỏ, người góp vốn chủ yếu là các thành viên trong gia đình, người thân, bạn bè. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ, đảng viên vẫn sinh hoạt đảng tại nơi cư trú, trong khi địa bàn hoạt động của doanh nghiệp lại rộng, do vậy việc bố trí, sắp xếp thời gian sinh hoạt chi bộ không được thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý đảng viên.

Hiện tượng trốn lậu thuế, thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ; sử dụng lao động công việc, thời vụ để tránh việc thực hiện chế độ đối với người lao động theo quy định. Tâm lý một số chủ doanh nghiệp ngại thành lập các tổ chức đoàn thể xã hội trong doanh nghiệp; mặt khác còn có tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, đôi khi còn hình thức, chưa thực sự góp phần cùng chủ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; chưa tạo được niềm tin, vai trò cần thiết đối với chủ doanh nghiệp nên không được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp cho hoạt động của các tổ chức này. Ngoài ra, môi trường kinh doanh trên thực tế chưa tạo được sự hình đẳng giữa các doanh nghiệp, còn có biểu hiện phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong việc thực hiện cơ chế, chính sách (vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, phát triển thị trường…).

Qua kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, Đảng bộ Hà Nội vẫn có 1 đảng viên thuộc Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội là lãnh đạo doanh nghiệp nhưng lợi dụng chức quyền để là, kinh tế cho gia đình, vi phạm Quy định số 15, đã bị xử lý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.

Với những đề xuất

Từ thực tiễn thực hiện, Đảng bộ TP. Hà Nội có một số đề xuất như: Trung ương cần quy định cụ thể và chính xác thế nào là đảng viên làm kinh tế tư nhân? Cần nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thi hành Quy định số 15 và cần có cơ chế, giám sát chặt chẽ việc cán bộ lãnh đạo, quản lý để chồng, vợ, con, người thân đầu tư, sản xuất kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề thuộc phạm vi mình quản lý. Tránh tình trạng chồng, vợ, con người thân lợi dụng uy tín, danh nghĩa của người nhà làm cán bộ để trục lợi.

Cần nghiên cứu có chủ trương xét kết nạp lại những người trước đây là đảng viên, nhưng vì trách nhiệm với Đảng đã tự nguyện xin ra khỏi Đảng để được làm kinh tế tư nhân khi chưa có chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Hằng năm, Trung ương cần chỉ đạo tổ chức biểu dương đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất