Quan hệ giữa Đảng và nhân dân là mối quan hệ bản chất, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Mối quan hệ đó được thực hiện qua nhiều “kênh” khác nhau, trong đó, mối liên hệ giữa đảng viên với nhân dân là “kênh” cơ bản, trực tiếp, một phương thức chủ yếu, một biểu hiện cụ thể, sinh động của nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Khi đảng viên làm cho dân tin, dân phục, dân yêu cũng là làm cho dân tin Đảng và yêu Đảng. Ngược lại, đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất thì niềm tin của dân đối với Đảng bị xói mòn, sức mạnh của Đảng bị giảm sút.
Theo V.I.Lê-nin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đồng thời, Người khẳng định đảng viên là “một danh hiệu vinh dự và đầy trách nhiệm”.([1]). Mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa đảng viên với quần chúng chính là nguồn gốc chủ yếu tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo, trong tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi”, V.I.Lê-nin viết: “Chừng nào mà người vô sản còn là một cá nhân tách biệt, thì họ chẳng có nghĩa gì cả”([2]). Kế thừa và phát triển những quan điểm tư tưởng cơ bản của những nhà lý luận Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối liên hệ giữa đảng viên với quần chúng được thể hiện rất sâu sắc và phong phú. Quần chúng trong quan niệm của Hồ Chí Minh là những tầng lớp lao động đông đảo tạo nên nền tảng của xã hội (nông dân, công nhân, binh lính, thị dân, những thợ thủ công và tầng lớp trí thức trong xã hội - những người trực tiếp sản xuất làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội). Có chỗ Người còn dùng từ dân chúng hàm nghĩa như quần chúng, “dân chúng công nông là gốc cách mệnh”([3]).
Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích đảng viên liên hệ chặt chẽ với quần chúng là để lãnh đạo quần chúng và học quần chúng. Mục đích này đồng thời cũng là hai mặt hoạt động cơ bản của người đảng viên trong mối liên hệ với quần chúng và có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Lãnh đạo quần chúng là chức năng, nhiệm vụ của đảng viên. Nhưng muốn lãnh đạo quần chúng đạt kết quả tốt thì phải học quần chúng, vì quần chúng “rất thông minh, có nhiều kinh nghiệm”, trí tuệ của quần chúng là vô tận. “Không học hỏi dân thì cũng không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân thì mới làm được thầy học dân”([4]). Học quần chúng với thái độ như vậy, chính là tinh thần học để hiểu quần chúng và để lãnh đạo quần chúng. Đồng thời, Người cũng yêu cầu: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”([5]). Điều này đòi hỏi người đảng viên phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, biến những ý kiến tích cực, tiến bộ thành chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng, nhưng không phải dân chúng nói gì cũng cứ nhắm mắt làm theo. Bởi, mỗi việc làm của người đảng viên không phải để “mỵ dân”, mà phải hướng đến và đạt được mục tiêu đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.
Theo Hồ Chí Minh, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng nhất thiết phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”([6]). Thông qua hoạt động thật sự trong phong trào quần chúng, người đảng viên mới có điều kiện bộc lộ rõ bản lĩnh, tính tiền phong, gương mẫu và năng lực tổ chức thực tiễn của người đảng viên. Đó cũng là một trong “tiêu chuẩn đảng viên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “… Phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng: Nghĩa là: phải toàn tâm toàn lực phụng sự quần chúng; luôn nghe ngóng những yêu cầu và ý kiến của quần chúng và báo cáo cho Đảng rõ; phải tuyên truyền giải thích cho quần chúng rõ chính sách và nghị quyết của Đảng, làm cho quần chúng nhận chính sách và nghị quyết ấy là của họ, để quần chúng vui vẻ và ra sức thi hành; phải phụ trách trước quần chúng, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng; phải học hỏi quần chúng phải đi đúng đường lối quần chúng để lãnh đạo quần chúng”([7]). Vì vậy, thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên giữ mối liên hệ giữa đảng viên và quần chúng là trực tiếp tăng cường sức mạnh cho Đảng, cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong đời sống thực tế, không phải đảng viên nào cũng làm tốt việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, thậm chí đã có những đảng viên đã lên mặt “quan cách mạng” nên đã quan liêu mệnh lệnh, xa nhân dân. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Khinh nhân dân: khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa. Không tin cậy nhân dân: họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân: họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông. Không yêu thương nhân dân: do đó, họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân….”([8]).
Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên giữ mối liên hệ với quần chúng, người đảng viên phải có những điều kiện cần thiết. Theo Hồ Chí Minh, trước hết đảng viên phải có lòng tin vào quần chúng. Thứ hai, người đảng viên phải là người mực thước về đạo đức, phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để quần chúng noi theo. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”([9]). Đồng thời, là người lãnh đạo quần chúng, muốn giác ngộ cách mạng cho quần chúng, truyền cho quần chúng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng thì đảng viên phải có bản lĩnh chính trị, trình độ chính trị, nhiệt tình cách mạng cao hơn quần chúng; muốn được quần chúng gần gũi, tin cậy và cởi mở, đảng viên phải thực sự khiêm tốn, cầu thị, chịu khó học hỏi, lắng nghe quần chúng. Trong liên hệ với quần chúng, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, người đảng viên cần phải có phương pháp đúng. Đó là: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”([10]). Để thực hiện được phương pháp lãnh đạo như yêu cầu của Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi đảng viên phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Vì, nếu không, chẳng những quần chúng không thể hiểu rõ chính sách của Đảng, của Chính phủ, không thể thi hành đúng, không thể biến đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ thành hiện thực, mà Đảng, Chính phủ cũng không thể hiểu rõ tình hình dân chúng, không thể đặt chính sách cho hợp lòng dân, không thể phát huy sức mạnh ở nơi dân. V.I.Lê-nin cho rằng những đảng viên của Đảng phải thực hiện việc tăng cường và giữ gìn mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, bởi: “chính công tác đó, được biểu lộ và thực hiện… sẽ góp phần củng cố hoàn toàn lòng quý mến và yêu thương của nông dân đối với nhà nước vô sản. Công tác đó - và chỉ có công tác đó – mới làm cho nông dân hoàn toàn tin chắc rằng chúng ta đúng, chủ nghĩa cộng sản đúng, nó làm cho nông dân trở thành bạn đồng minh vĩnh viễn của chúng ta”([11]).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm, mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành, mọi khẩu hiệu, kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện, mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đầu tốt”.([12]) Thực tiễn cách mạng Việt Nam 85 năm qua chứng minh ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân trong từng giai đoạn lịch sử, với những nhiệm vụ cách mạng khác nhau, nhưng khi nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân được phát huy thì dù nhiệm vụ cách mạng có khó khăn đến mấy cũng vẫn thành công. Bởi, nếu “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”([13]).
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, mối quan hệ giữa đảng viên và nhân dân đã bộc lộ một số hiện tượng tiêu cực. Căn bệnh “cá nhân chủ nghĩa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán nay xuất hiện ở một bộ phận đảng viên, với những biểu hiện: tham danh trục lợi, thích địa vị quyền lực, tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền, coi thường quần chúng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”([14]). “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây tác hại lớn tới mối quan hệ vốn gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nhu cầu tự thân và là một phẩm chất quan trọng thuộc tư cách của người đảng viên. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”,([15]) gắn bó mật thiết với nhân dân là “tư cách và bổn phận” của người đảng viên: “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng”([16]). Chính vì vậy, thực hiện nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân - được biểu hiện cụ thể, thiết thực, phong phú thông qua mối quan hệ đảng viên với quần chúng nhân dân - là nhiệm vụ trọng tâm cần được thực sự coi trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Đỗ Thị Nghĩa
Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương
[1] V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tập 8, tr. 288.
[2] V.I.Lê-nin, Sđd, tập 5, tr. 11-12.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 2, tr. 274.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 432.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 293.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 286.
[7] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr. 237-238.
[8] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 292-293.
[9] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 522.
[10] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 290.
[11] V.I.Lênin, Sđd, tập 39, tr. 33-34.
[12] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr. 113.
[13] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 326.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 27-28.
[15] Hồ Chí Minh, Sđd, H. 1996, tập 9, tr. 290.
[16] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 285.