Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đảng bộ tỉnh Sơn La hiện có 18 đảng bộ trực thuộc với 1.003 tổ chức cơ sở đảng và trên 70 nghìn đảng viên, những năm qua, các cấp ủy tỉnh Sơn La đã ban hành và triển khai nghị quyết về công tác phát triển đảng viên, trong đó chú trọng phát triển đảng viên là người DTTS, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, ở các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy và triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp ủy cơ sở, đến tháng 31-12-2014, toàn tỉnh Sơn La có 45.526 đảng viên là người DTTS, tăng 14,1% so với năm 2009, chiếm 64,6% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Ngày 31-3-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổng kết tám năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển đảng viên ở bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên và chi bộ đảng. Triển khai nghị quyết, các cấp ủy đã tổ chức 372 lớp bồi dưỡng cảm tình đảng, kết nạp được 2.411 đảng viên, trong đó 75% số đảng viên được kết nạp là người dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, có 1.855 đảng viên được kết nạp ở bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên. Nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên, tỉnh đã thành lập được 704 chi bộ. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số bản, trường học, trạm y tế của tỉnh có đảng viên và tổ chức đảng.
Từ thực tiễn thời gian qua, để tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS, các cấp uỷ ở Sơn La xác định thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho quần chúng là người DTTS ở các xã, bản. Mỗi chi bộ đảng ở các bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể trong vùng đồng bào DTTS, với cách tuyên truyền phù hợp điều kiện công việc, các hoạt động ở nông thôn vùng cao. Đẩy mạnh các phong trào thi đua và thực hiện học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác phát triển đảng viên người DTTS. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng, nâng cao nhận thức về công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên là người DTTS nói riêng, họ là những người sinh sống ở những vùng đất trọng yếu, đang ngày đêm lao động sản xuất và bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Thường xuyên nắm bắt tình hình của các tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp uỷ chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các phong trào lao động, sản xuất như làm đường giao thông, tổ chức bảo vệ rừng, phát triển rừng... từ đó thu hút đoàn viên thanh niên, hội viên tham gia, phát huy được vai trò xung kích của tuổi trẻ, từ đó phát hiện, nêu gương lao động giỏi, những điển hình tiên tiến… qua đó giác ngộ lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, những quần chúng ưu tú phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện để phát triển đảng viên.
Ba là, thực hiện đúng quy trình kết nạp đảng viên, trong công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy đảng ở các bản, xã nơi có đông đồng bào DTTS cần nghiên cứu cải tiến nội dung và cách tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phù hợp với điều kiện, thời gian làm việc của người lao động, có thể mở lớp ngay tại trung tâm xã, hoặc theo cụm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng cảm tình đảng tham gia. Các cấp ủy cần nắm vững các tiêu chuẩn kết nạp đảng viên, nắm bắt tình hình thực tế về DTTS, về trình độ, năng lực của quần chúng ở địa phương từ đó vận dụng phù hợp.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với công tác phát triển đảng viên; cấp ủy cấp trên phải xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác phát triển đảng viên của các đảng bộ xã, chi bộ trực thuộc, thường xuyên kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng, rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp, nhiệm vụ cụ thể phù hợp.
Đinh Thị Minh Hoa
Ban Tổ chức Huyện ủy Thuận Châu, tỉnh Sơn La