Thi hành kỷ luật trong Đảng là công việc cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, bảo đảm sự thống nhất ý chí, hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên... Đặc biệt, trong thời gian mà toàn Đảng ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng đảng thì việc thi hành kỷ luật trong Đảng lại càng có ý nghĩa.
Thời gian qua, đảng bộ một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã nghiêm túc trong việc thi hành kỷ luật trong Đảng và đạt được một số kết quả:
Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật đảng đã được xử lý công minh, chính xác, kịp thời. Hầu hết cấp uỷ, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thuộc các đảng bộ tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc thi hành kỷ luật đảng. Những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được tập trung xử lý cụ thể. Khảo sát tại Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2005-2010, cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp và tổ chức đảng đã thi hành kỷ luật 3.180 đảng viên (chiếm 2% đảng viên trong toàn đảng bộ), trong đó khiển trách 1.224 (38,4%); cảnh cáo 1.256 (39,4%); cách chức 224 (7%), khai trừ 476 (14,9%). Lỗi phạm bị thi hành kỷ luật chủ yếu là về chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: 43,1%; thiếu tinh thần trách nhiệm: 18,7%; phẩm chất đạo đức, lối sống: 12,7%; quản lý và sử dụng đất đai: 4,7%; cố ý làm trái: 6,1%; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ: 2,3%; tham nhũng, lãng phí: 2,4%; đoàn kết nội bộ: 1,7%; các vi phạm khác: 16,9%...
Khi thi hành kỷ luật trong Đảng, các đảng bộ tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kịp thời xem xét, kết luận đúng tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm để xử lý. Khi xem xét, xử lý chú ý bảo đảm khách quan, công minh, chính xác. Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện cấp ủy trực tiếp gặp, nghe đảng viên, tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến. Quyết định kỷ luật được tổ chức đảng có thẩm quyền công bố đúng quy định, trực tiếp đến tổ chức đảng và đảng viên bị thi hành kỷ luật… Qua đây, một số đảng viên và tổ chức đảng vi phạm đã có nhận thức đúng việc thi hành kỷ luật, chấp hành nghiêm túc các quy định về nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật.
Việc vận dụng nguyên tắc, quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chi bộ tương đối tốt. Trong xem xét, thi hành kỷ luật Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mời đảng viên, tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật và tổ chức đảng quản lý đảng viên, tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật đến trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật. Như, trong nhiệm kỳ 2005-2010, ủy ban kiểm tra các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã giúp cấp ủy về thủ tục để thi hành kỷ luật 70 tổ chức đảng (giảm 12 so với nhiệm kỳ trước). Các hình thức kỷ luật là khiển trách: 53, chiếm 76%; cảnh cáo: 17, chiếm 24%. Nội dung vi phạm: Về chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước 41, chiếm 59%; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ 11, chiếm 16%; về ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; về mất đoàn kết nội bộ 06, chiếm 9%; cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong đơn vị 27, chiếm 39%.
Các đảng bộ tỉnh tập trung xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về thi hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vi phạm về nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy chú ý hơn việc xử lý kỷ luật đảng gắn với xử lý kỷ luật về chính quyền, thu hồi tiền bạc, tài sản bị tham ô, chiếm dụng, lãng phí, thất thoát. Trách nhiệm kiểm tra, xem xét, kết luận của các tổ chức đảng được nâng lên; cán bộ do cấp ủy quản lý, nhất là cấp huyện, tỉnh có vi phạm được xử lý nghiêm minh, kiên quyết hơn, một số vụ việc nổi cộm, phức tạp đã được xem xét, xử lý đạt kết quả tốt, thể hiện sự bình đẳng, dân chủ trong kỷ luật đảng. Tại Đảng bộ Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2005-2010, số đảng viên bị xử lý kỷ luật là 782 trường hợp (giảm 90 trường hợp so với nhiệm kỳ trước). Tuy nhiên, số đảng viên bị kỷ luật là cấp ủy viên lại tăng lên 10,08% so với nhiệm kỳ trước (242 trường hợp chiếm 30,95%). Hình thức kỷ luật: khiển trách: 307, chiếm 39,26%; cảnh cáo 352, chiếm 45,01%; cách chức 55, chiếm 7,03%; khai trừ 68, chiếm 8,07%.
Bên cạnh những kết quả trên, việc thi hành kỷ luật trong Đảng ở các đảng bộ tỉnh khu vực Bắc Trung bộ vẫn còn những hạn chế:
Tình hình vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên có chiều hướng gia tăng. Nhiều dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm không được kiểm tra kịp thời hoặc bỏ qua, không kết luận, xử lý hoặc xử lý không đúng mức. Thời gian gần đây một số địa phương cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên không đúng, mang động cơ cục bộ, địa phương hoặc những vi phạm về chấp hành nghị quyết, chỉ thị, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, quản lý đất đai, trật tự đô thị. Có một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra từ 5-10 năm trước mới được phát hiện, xử lý, nên không còn tính giáo dục, phòng ngừa và khó khắc phục hậu quả xảy ra.
Tình trạng tham nhũng, lãng phí có xu hướng tăng và nghiêm trọng hơn. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về kỷ luật của Đảng và việc thi hành kỷ luật. Một số trường hợp để kéo dài việc xem xét, xử lý hoặc xử lý không công minh. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong xem xét, xử lý kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên còn yếu, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Có hiện tượng chỉ muốn xử lý kỷ luật tổ chức đảng, không muốn xử lý kỷ luật cá nhân đảng viên có vi phạm. Việc thi hành kỷ luật chưa thống nhất ở các đơn vị, địa phương. Công tác thẩm tra, xác minh vẫn còn nhiều trường hợp tiến hành thiếu chu đáo, hình thức kỷ luật một số trường hợp chưa thoả đáng.
Ở một số nơi, việc thực hiện quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật đảng chưa đúng quy định. Có trường hợp đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng nhưng không chỉ đạo xem xét kỷ luật về chính quyền, đoàn thể. Vẫn có nơi còn biểu quyết thi hành kỷ luật hoặc biểu quyết đề nghị tổ chức đảng cấp trên thi hành kỷ luật bằng hình thức giơ tay trong khi quy định của Đảng là phải bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Từ thực trạng thi hành kỷ luật trong Đảng ở các đảng bộ tỉnh khu vực Bắc Trung bộ rút ra một số kinh nghiệm sau.
Một là, các đảng bộ phải lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra nhận thức đúng, nêu cao trách nhiệm và thường xuyên coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Nâng cao nhận thức đối với cả chủ thể quyết định thi hành kỷ luật cũng như đối tượng bị thi hành kỷ luật hoặc khiếu nại kỷ luật. Khi xem xét, xử lý phải tôn trọng khách quan, có lý, có tình, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, công minh và tính minh bạch trong thi hành kỷ luật đảng.
Hai là, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả và xác định đúng nội dung, đối tượng, phương pháp xem xét, thi hành kỷ luật đảng. Để xác định đúng đối tượng, phải xác định tổ chức đảng, cấp ủy viên hay đảng viên là người có hành vi vi phạm kỷ luật đảng, hậu quả của hành vi vi phạm đó, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả xảy ra, để từ đó xác định người phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra, kịp thời xem xét, xử lý dứt điểm; điều đó sẽ tác động lớn đến việc củng cố, xây dựng tổ chức đảng, đảng viên.
Ba là, đối với những tổ chức đảng, đảng viên có ý thức tự giác cao, biết đấu tranh tự phê bình thì chủ yếu dùng biện pháp thuyết phục, đối với tổ chức đảng, đảng viên không chịu nhận khuyết điểm, vi phạm của mình thì phải kiên trì áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, cấp ủy, tổ chức thì chất lượng công tác thi hành kỷ luật trong Đảng mới đem lại hiệu quả cao, nhất là những vụ việc có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì các cấp, các ngành có liên quan phải cùng xem xét, xử lý.
ThS. Lê Văn Cường
Học viện Xây dựng Đảng, Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh