Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai)

Huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) thành lập theo Nghị định 97/2003/NĐ-CP ngày 21-8-2003 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004, huyện có diện tích đất tự nhiên hơn 24.721ha, dân số trên 161.000 người. Có 10 xã, với 18 dân tộc, đồng bào có đạo chiếm 87,23%, trong đó đồng bào đạo công giáo chiếm 71,3%.

Thực trạng

Từ ngày được thành lập, Đảng bộ huyện luôn coi trọng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các cấp uỷ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn phát triển đảng viên là người có đạo nhằm từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và trẻ hoá đảng viên trong điều kiện một huyện đặc thù về tôn giáo.

Năm 2004, toàn Đảng bộ có 664 đảng viên ở 34 chi, đảng bộ trực thuộc (10 xã, 24 cơ quan và lực lượng vũ trang). Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai, Ban Thường vụ Huyện uỷ xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; coi công tác phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ và tổ chức đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng đảng, trong đó xác định rõ mục tiêu, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, phấn đấu hằng năm số đảng viên được kết nạp đạt từ 8% trở lên so với tổng số đảng viên, đảm bảo tăng về số lượng, chú trọng về chất lượng, đúng tiêu chuẩn, quy định, quy trình kết nạp, gắn chặt chẽ với công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân bổ chỉ tiêu phấn đấu cho từng chi, đảng bộ, đồng thời giao trách nhiệm cho các ban đảng, các đồng chí uỷ viên ban chấp hành, ban thường vụ phụ trách cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc cơ sở thực hiện, kịp thời giúp cơ sở khắc phục khó khăn, nhất là khâu xác minh hồ sơ, lý lịch quần chúng xin vào Đảng.

Từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ cơ sở, nhất là đồng chí bí thư cấp uỷ và đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác phát triển đảng viên trong vùng có đông đồng bào theo đạo. Các cấp uỷ cơ sở có sự phối hợp và lãnh đạo, chỉ đạo mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức triển khai phong trào thi đua yêu nước nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Qua các phong trào hành động cách mạng, nhất là qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều gương điển hình, quần chúng ưu tú, giúp cấp uỷ cơ sở nhất là các xã chủ động tạo nguồn, bồi dưỡng để phát triển đảng viên.

Từ năm 2004 đến nay, Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở 17 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho 1.682 quần chúng ưu tú và 8 lớp bồi dưỡng cho 657 đảng viên mới về những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2011, các cơ sở đảng trong toàn huyện đã kết nạp 122 đảng viên, trong đó có 42 đảng viên là người có đạo, chiếm 34,4%, nâng số đảng viên từ 664 năm 2004, đến cuối năm 2011 là 1.401 đảng viên, trong đó đảng viên là người có đạo chiếm 21,78% tổng số đảng viên. Các đảng viên được kết nạp đa số là trẻ tuổi, được đào tạo về chuyên môn, được giáo dục, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, năng động, sáng tạo. Nhiều đồng chí hiện được giao nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã), trưởng phó phòng, ban của huyện.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên là quần chúng có đạo vẫn còn nhiều hạn chế: Một số cơ sở chưa tích cực, chủ động tạo nguồn phát triển đảng; công tác quản lý, tổ chức sinh hoạt, giao nhiệm vụ để thử thách ở một số nơi làm chưa tốt; sự phối hợp giữa cấp uỷ với các tổ chức đoàn thể chính trị chưa chặt chẽ, các đoàn thể chưa chủ động phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp những đoàn viên, hội viên ưu tú, một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào có đạo hiểu biết về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước còn hạn chế; một số cấp uỷ cơ sở còn e ngại, lúng túng trong quy trình kết nạp quần chúng là người có đạo vào Đảng; một bộ phận quần chúng nhân dân là người có đạo còn băn khoăn khi đứng vào hàng ngũ của Đảng sẽ hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo luật…


Giải pháp

Khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên là người có đạo nói riêng, Huyện uỷ Thống Nhất xác định:

1- Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, đồng chí bí thư đảng bộ cơ sở, bí thư chi bộ trực thuộc, đảng viên về yêu cầu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên đối với nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các xã đặc thù về tôn giáo. Xác định công tác phát triển đảng viên ở vùng có đông đồng bào theo đạo là một nhiệm vụ thường xuyên, một tiêu chí để đánh giá tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

2- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua các ban đảng và các đồng chí ủy viên thường vụ huyện uỷ phụ trách cơ sở đối với công tác phát triển đảng viên là người có đạo từ khâu phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, quản lý, giao nhiệm vụ phấn đấu cho quần chúng ưu tú, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác minh hồ sơ lý lịch quần chúng ưu tú. Cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo làm cơ sở cho việc tuyên truyền chính sách tôn giáo của Đảng. Mặt khác, giúp đồng bào nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tự giác chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng có đông đồng bào theo đạo.

3- Ban Thường vụ Huyện uỷ tăng cường chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện đổi mới nội dung, phương thức và xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập phù hợp với đối tượng là người có đạo.

4- Chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chủ động phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho tổ chức đảng xem xét kết nạp gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chú trọng khâu “làm theo”, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tập trung vào các đối tượng đoàn viên, hội viên, giáo viên, dân quân, lực lượng dự bị động viên,… để tạo nguồn phát triển đảng viên. Phát huy có hiệu quả vai trò của lực lượng nòng cốt trong tôn giáo. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vận động giáo dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

5- Cấp uỷ cơ sở phân công đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác tôn giáo về sinh hoạt tại chi, đảng bộ ở nơi có đông đồng bào theo đạo nhằm theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của của đồng bào, đề xuất thực hiện kịp thời chính sách của Nhà nước về tôn giáo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất