Các giải pháp đột phá cần nêu thật đủ, thật rõ

Căn cứ vào tình hình đặc điểm thực tiễn nước ta hiện nay, 3 giải pháp đột phá đó là cần nhưng chưa đủ và chưa rõ.

Đột phá thứ nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này đã được Nghị quyết Đại hội X cũng như nhiều kỳ đại hội Đảng xác định và bước đầu triển khai trên những nội dung cơ bản.

Điểm mới trong Dự thảo văn kiện là xác định “trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng”. Có thể cần nói rõ bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế ở trong nước; cạnh tranh kinh tế với nước ngoài; cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế để đảm bảo tính khoa học và chặt chẽ của văn kiện, nếu không người đọc sẽ hiểu bình đẳng chung chung, không xác định.

Xác định đây là đột phá chiến lược sẽ dẫn đến việc giải quyết rõ vị trí, vai trò và các mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay.

Chúng ta xác định kinh tế quốc doanh là chủ đạo và kinh tế quốc doanh cùng với kinh tế tập thể là nền tảng. Nhưng gần đây, một số đơn vị kinh tế quốc doanh, thậm chí cả doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế sản xuất kinh doanh không hiệu quả khiến nhiều người suy nghĩ, băn khoăn về vấn đề sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Vì vậy, vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế rất cần làm rõ về lý luận và thực tiễn; rất cần được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật.

Về đột phá thứ nhất, Dự thảo văn kiện nêu ở phần cuối cụm từ “và cải cách hành chính”. Theo tôi, thực tế, cải cách hành chính là vấn đề lớn, còn nhiều yếu kém nên cản trở lớn đến các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay.

Vì vậy, Dự thảo cần trình bày thành một đột phá riêng với những định hướng nội dung thiết thực nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay. Tình trạng lúng túng trong cơ chế quản lý, chức năng nhiệm vụ nhiều tổ chức bộ máy chồng chéo, chưa thật rõ ràng; tinh thần phục vụ nhân dân yếu, còn cửa quyền, quan liêu với dân ở không ít cán bộ công chức; những kẽ hở của cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý lỏng lẻo, gây tham nhũng, lãng phí... là những lý do cần coi cải cách hành chính là khâu đột phá quan trọng hiện nay.

Dự thảo Văn kiện coi phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao là khâu đột phá (thứ 2).

Đúng là như vậy, nhưng không phải phát triển nguồn nhân lực chung chung mà cốt lõi là tạo dựng nguồn nhân lực thật sự làm chủ đất nước trước mắt và lâu dài. Nguồn nhân lực có hoài bão, lý tưởng, có tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc chứ không phải nguồn nhân lực đi làm thuê.

Khâu đột phá thứ 3 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Tuy nhiên, cần có tính toán kỹ, thận trọng để có hình thức, bước đi thích hợp với điều kiện, lịch sử, văn hóa, tiềm lực kinh tế, xã hội của đất nước. Cùng với đó là có biện pháp tổ chức quản lý chặt bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh tham nhũng, lãng phí.

Ngoài những đột phá nêu trên, Đảng và Nhà nước cần coi chống tham nhũng, chống tiêu cực, lãng phí cũng là một đột phá quan trọng. Bởi, bản thân vấn đề tham nhũng đang là một nguy cơ về nhiều mặt đối với xã hội ta.

Thực tế, trong nhiều năm qua, việc chống tham nhũng, phòng tham nhũng chưa hiệu quả có thể khiến cho nhân dân mất dần lòng tin vào một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan đảng, bộ máy nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

PGS. TS. Trần Quang Nhiếp
Nguồn: Chinhphu. vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất