Ngày 9-10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng với sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện 30 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành và công đoàn ngành Trung ương cùng các nhà nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Đại hội Đảng lần thứ XI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Việc công bố dự thảo các văn kiện Đại hội để lấy ý kiện rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia góp ý những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần làm cho các văn kiện trình Đại hội Đảng trở thành ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta….
Trên tinh thần xây dựng thẳng thắn, chân thành, các đại biểu dự Hội thảo tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, trong đó tập trung vào các vấn đề lớn có liên quan đến giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn. Cụ thể: vấn đề phát triển lý luận về giai cấp công nhân góp phần hoàn thiện nội dung xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Giai cấp công nhân và định hướng xã hội chủ nghĩa, về mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH; vấn đề tri thức hóa giai cấp công nhân. Nguồn nhân lực công nghiệp; vấn đề việc làm, điều kiện làm việc, đời sống công nhân. Vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến công nhân, lao động. Vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp; chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ công đoàn; vấn đề cơ cấu cán bộ trong cấp ủy, Trung ương, Bộ Chính trị. Các ý kiến về kết nạp đảng viên là công nhân và đào tạo cán bộ Đảng, Nhà nước từ công nhân và cán bộ công đoàn. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung cơ bản của 3 dự thảo văn kiện và cho rằng, các Dự thảo đã thể hiện được tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, các vấn đề nóng đang được dư luận xã hội quan tâm; đặc biệt đã nêu và phân tích được những biểu hiện và nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong Đảng. Việc đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới và cả giai đoạn tiếp theo đã thể hiện rõ tầm chiến lược, tính cách mạng và sự đột phá, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và hội nhập quốc tế…
Đại biểu Đan Tâm, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn khẳng định: Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đều nhằm xây dựng và phát triển đất nước ta theo định hướng XHCN. Định hướng đó đã thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích cơ bản và thiết thực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người và cũng phù hợp với lý tưởng và tương lai phát triển của giai cấp công nhân. Là giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất của xã hội, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử cao cả vừa là giai cấp lãnh đạo, vừa là lực lượng nòng cốt đi đầu thực hiện sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN, trước mắt là xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng dù sao, sứ mệnh đó vẫn là khả năng - dù là khả năng tất yếu và cả sức mạnh to lớn đối với công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới XHCN - bởi phải có sự lãnh đạo của Đảng thì khả năng đó mới trở thành hiện thực, sức mạnh to lớn đó mới được phát huy. Bởi như Bác Hồ đã nói: “Giai cấp công nhân mà không có Đảng lãnh đạo thì không thể làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì"…
Về công tác xây dựng Đảng, Đại biểu Đan Tâm cho rằng, Dự thảo văn kiện còn nặng về hiện tượng và việc cụ thể, chưa nêu bật được bản lĩnh và năng lực lãnh đạo với những tiêu chí cần có của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là của các cấp ủy đảng và người đứng đầu từng cấp ủy đảng đáp ứng được đòi hỏi lãnh đạo của Đảng trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Về bản lĩnh chính trị, cần nhấn mạnh kiên trì định hướng XHCN, quyết tâm lãnh đạo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, rèn luyện, nâng cao lập trường giai cấp công nhân và quan điểm quần chúng, đạo đức chí công vô tư, có cuộc sống công, tư trong sạch, lành mạnh…. Cần nêu bật tiêu chuẩn đầu tiên phải có của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng trong kinh tế thị trường là lập trường giai cấp công nhân, quan điểm quần chúng và ý thức đảng. Quan điểm quần chúng là lắng nghe dân, vì lợi ích của dân, tôn trọng dân, chịu trách nhiệm với dân. Thực tế cho thấy rằng, chỉ có đứng vững trên lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, mới xử lý đúng mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội, bởi lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và lợi ích cơ bản của các giai tầng xã hội khác là thống nhất… Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng Hoàng Duy Đính bày tỏ băn khoăn về phần đánh giá những hạn chế, yếu kém trong văn kiện, mặc dù đã nêu ra 6 nhóm vấn đề nhưng chưa thấy được đằng sau những hạn chế, yếu kém đó đang tiềm ẩn các nguy cơ. Đó là sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang dần làm suy giảm lòng tin trong các tầng lớp nhân dân đối với Đảng; tham nhũng, lãng phí đã và đang trở thành một vấn nạn làm tổn hại đến nền kinh tế đất nước, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân; cải cách bộ máy hành chính chậm đổi mới, kém hiệu quả; vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở đang dần mờ nhạt, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Đại biểu Hoàng Duy Đính đề nghị các văn kiện phải rõ hơn về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, phải rõ nội dung: Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân, đội quân cách mạng của mình thông qua tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân; phải có chiến lược về giai cấp công nhân, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục đạo đức, lý tưởng và phát triển đảng trong công nhân lao động.
Góp ý vào dự thảo Cương lĩnh, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giai cấp công nhân và công đoàn Nguyễn Văn Dũng cho rằng, nhận thức và đánh giá của Đảng ta đối với vai trò và tác dụng lịch sử của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn thế giới là có tính lịch sử và là một động lực to lớn trong thời đại ngày nay nhằm thực hiện mục tiêu hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh, chống bóc lột và bất bình đẳng xã hội. Đảng ta khẳng định Đảng là của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân nhưng trong cương lĩnh cần làm rõ, cụ thể là cấp ủy đảng có cơ cấu đại diện là công nhân, cần đảng viên là đại diện công đoàn vào thường vụ cấp ủy các cấp. Đảng chủ trương tăng thành phần lãnh đạo quản lý nhà nước những người đã kinh qua phong trào công nhân, công đoàn. Đảng có chính sách và Nhà nước có thể chế hóa quyền và vai trò công đoàn trong việc tham gia quản lý kinh tế ở các cấp. Ông Nguyễn Văn Dũng cũng kiến nghị Cương lĩnh cần có thêm phần tổ chức thực hiện, thành lập ủy ban giám sát thực hiện Cương lĩnh của Trung ương Đảng trong đó các đồng chí nguyên là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn qua các thời kỳ, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy viên.
Đại biểu Vũ Quang Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương nhất trí cao với dự thảo về việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Song ông cũng đề nghị Đảng và Chính phủ cần dự báo chính xác, lâu dài về tình hình đất nước và khu vực trong những năm tới để có chính sách, giải pháp phù hợp. Đồng thời phải có chiến lược khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Nhà nước cần quan tâm đến chính sách kích cầu, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến môi trường nông thôn, tăng cường các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn để xây dựng nông thôn mới, tránh sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng lớn.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Ngọc Thanh đề nghị, các đại biểu khi về cơ sở tiếp tục triển khai các cuộc góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI để có nhiều góp ý ngày càng chất lượng, sát với thực tiễn giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp để gửi lên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN