Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch - một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay

Trong thời gian tới, nhất là từ nay đến trước thềm Đại hội XI của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng chắc chắn diễn ra ngày càng quyết liệt. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, cần phải tiến hành hàng loạt các giải pháp trên mặt trận tư tưởng, lý luận; trên lĩnh vực kinh tế-xã hội; trên mặt trận đối ngoại và an ninh tư tưởng v.v... Trong đó, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay của Đảng.

Như chúng ta đã biết, âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực cơ hội, thù địch là xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện âm mưu đó, chúng tăng cường sử dụng “diễn biến hòa bình” - một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng.

Trong chiến lược này, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được chúng coi là “mũi đột phá”, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và móc nối, tổ chức lực lượng chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đáng lưu ý là, trong những năm gần đây, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới và cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là tin học đang phát triển mạnh mẽ cùng với những khó khăn, thách thức nảy sinh do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và những diễn biến phức tạp mới trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Những phần tử cơ hội chính trị ở trong nước hùa theo những luận điểm sai trái của địch, ra sức công kích Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hàng ngày, chúng tung lên mạng, tán phát hàng chục tài liệu, từ xuyên tạc về lý luận đến vu cáo trong thực tiễn nhằm làm xói mòn lòng tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa; ra sức bịa đặt, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với mưu toan chia rẽ, kích động lật đổ chính quyền.

Năm 2010 là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII..., các thế lực thù địch coi đây là thời cơ, là lúc “phất cờ”, cần tranh thủ tối đa cái gọi là “lực lượng cấp tiến” trong Đảng để chuyển hóa từ lượng thành chất. Chúng đã và đang dồn dập tung ra các quan điểm sai trái, vu cáo, bịa đặt, hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để chúng dễ dàng thực hiện mưu toan “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

I- Quan điểm của Đảng ta về cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch

Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và ngày càng diễn ra quyết liệt.

Trên mặt trận này, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ thị, nghị quyết nêu rõ các quan điểm, nhiệm vu và giải pháp lớn. Một trong những văn bản quan trọng đó, là Nghị quyết Trung ương 5, khóa X, ngày 01/8/2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ tự diễn biến ở cả trung ương và các ngành, các cấp”(1). Và gần đây nhất là, Nghị quyết Trung ương 9, khóa X, ngày 02/2/2009 “Về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành hệ thống giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng”(2).

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ này, đã thể hiện nhất quán 3 quan điểm cơ bản của Đảng ta trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch: 1. Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng hiện nay. 2. Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. 3. Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp.

II- Những vấn đề trọng tâm của cuộc đấu tranh đã được triển khai

Xuất phát từ tình hình và đòi hỏi mới của công tác tư tưởng, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong những năm qua đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà kẻ thù đã và đang dồn sức tiến công chúng ta. Cụ thể là: 1. Phản bác luận điểm: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là lỗi thời, là tội lỗi, đã và đang cáo chung”. Trong các bài phản bác, chúng ta khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách lý luận và phương pháp nhận thức thế giới, cải tạo thế giới vẫn giữ nguyên giá trị. Học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, học thuyết giá trị thặng dư và lý luận về chủ nghĩa xã hội, trong đó học thuyết giá trị thặng dư được các nhà khoa học coi đó là “hòn đá tảng” của chủ nghĩa Mác; và cho đến nay, các học thuyết đó vẫn là cơ sở rất quan trọng để xem xét, phân tích sự phát triển của thời đại. Điều đó giải thích vì sao giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008-2009, một số nhà tư bản ở Ý, Anh, Đức... lại đổ xô đi mua bộ “Tư bản” của Mác để nghiên cứu với hi vọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện ở chỗ, khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng, chưa có học thuyết nào thay thế được. Sự kiện hơn 10 nước ở châu Mỹ Latinh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI là một minh chứng hùng hồn. Đời sống xã hội đương đại mặc dù rất phức tạp, trải qua biết bao biến cố thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu, vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Thực tiễn đổi mới thành công ở Việt Nam, Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua; sự vững vàng của cách mạng Cuba trước sự bao vây, cấm vận, chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, cũng như sự trỗi dậy của phong trào cánh tả theo xu hướng xã hội chủ nghĩa ở các nước châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây đã khẳng định sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của chủ nghĩa Mác-Lênin. 2. Phản bác luận điểm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là mớ lý thuyết hỗn độn nhằm đề cao, sùng bái cá nhân; là một di hại to lớn của lịch sử, cần phải được vạch trần, lên án” (qua phim Sự thật Hồ Chí Minh). Chúng ta đã chỉ rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...“Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” - Đó là sự tôn vinh của Tổ chức Văn hóa và Giáo dục thế giới. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị, khóa X đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cũng như kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng, đạt hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng... Đó là những minh chứng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, mãi mãi là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. 3. Phản bác luận điểm: “Việt Nam chọn con đường xã hội chủ nghĩa là ảo tưởng; là sự trượt dài theo vết xe đã đổ ở Liên Xô và Đông Âu”. Chúng ta khẳng định rằng, con đường cách mạng mà nhân dân ta đã lựa chọn “độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội” là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta và yêu cầu bức xúc của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Yêu cầu đó là độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu bằng con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Kiên trì mục tiêu đó, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chúng ta có quyền tự hào chính đáng khi nhận định rằng,“Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”(3). Đó là thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận, xuyên tạc. Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay không sẵn có mô hình, là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, nhưng đó là con đường hợp quy luật, hợp lòng dân. Công cuộc đổi mới của chúng ta hơn 20 năm qua có cả thành tựu và khuyết điểm, nhưng thành tựu là cơ bản, là mặt chủ yếu của sự phát triển. Khuyết điểm không phải mặt cơ bản, chủ yếu, song chúng ta tự nghiêm khắc thấy rằng, có một số mặt rất nghiêm trọng, không thể xem thường. Thực tế chỉ rõ, trong bất cứ trường hợp nào, Đảng ta đều dũng cảm nhìn nhận, không chối bỏ trách nhiệm về những yếu kém của mình. Phản bác luận điểm: “Phải xóa bỏ chế độ một đảng, lập đa đảng mới khắc phục được các căn bệnh trầm kha của xã hội, như tham nhũng, quan liêu...”. Nhiều người đã rõ, Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định tại Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và xã hội là ý nguyện của toàn dân. Lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX đã chứng minh điều đó. Thắng lợi của công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, được nhân dân ghi nhận, đồng tình. Đến nay, tuy còn không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, nhưng bước đầu chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế tiếp tục phát triển tăng trưởng, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định; quan hệ đối ngoại mở rộng. Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đó là xu hướng chủ đạo trong quá trình phát triển của đất nước. Không có Đảng Cộng sản lãnh đạo, sẽ không có thành tựu vĩ đại đó. Sự khủng hoảng triền miên của các đảng phái chính trị phương Tây hay gần đây ở một số nước khu vực Đông Nam Á đang là một thực tế sinh động bác bỏ luận điểm “phải có đa đảng thì Việt Nam mới phát triển, vượt qua tụt hậu”. Trong thời đại ngày nay, đảng nào chỉ đại diện hạn hẹp cho lợi ích của thiểu số giàu có, thì dù có thích ứng đến đâu cũng khó tồn tại bền vững được. Qua khảo sát ở Thụy Điển cho thấy, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển nắm quyền từ năm 1932; sau 44 năm đưa Thụy Điển từ một nước lạc hậu, nghèo nàn trở thành một nước phát triển. Nhưng tại sao năm 1976, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển thất cử, Đảng khác lên thay; từ đó đến nay, có lúc giành được quyền, có lúc lại mất quyền lãnh đạo. Một số nhà xã hội phân tích: Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển muốn điều tiết để bảo đảm công bằng xã hội, nhưng bằng điều tiết phân phối, chứ không điều tiết sở hữu... Đại sứ Thụy Điển tại Liên hợp quốc khi Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển thất cử nói: “Thụy Điển cần Ericsơn, nhưng Ericsơn không cần Thụy Điển” (Ericsơn là tập đoàn lớn nhất của Thụy Điển). Ở đây, tư hữu là chủ đạo, mấy nhà tư bản kếch sù nắm quyền chủ đạo. Chính phủ, quốc gia cần họ, chứ họ không cần chính phủ. Chúng ta không bao giờ quên thực tế này.Về cái gọi là “đa nguyên mới có dân chủ”, chúng ta chỉ rõ, không có nước nào, kể cả những nước tự cho mình là dân chủ nhất, lại dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Cần thấy rõ rằng, những người phê phán chế độ một đảng ở nước ta thực ra là muốn hợp pháp hóa vai trò của các lực lượng chính trị phản động đã bị nhân dân ta đánh đổ.Nghiên cứu về chế độ một đảng ở Việt Nam, tác giả Dam Fforde viết: “So với các chế độ cộng sản cùng đang cải cách khác, Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng. Lên nắm quyền qua chiến tranh và cách mạng chứ không phải do lực lượng bên ngoài áp đặt. Năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Sau ba thập kỷ chiến tranh, Đảng đã loại mọi đối thủ và khôi phục được Việt Nam thành một nước độc lập và thống nhất. Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam. Hơn nữa đó là một đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng... Ở Việt Nam trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam... Hơn nữa, Đảng phải tăng cường hệ thống một đảng không chỉ vì lý do tư tưởng mà còn hầu hết đảng viên đều tin rằng đường lối chính trị cạnh tranh sẽ làm trầm trọng thêm những chia rẽ giữa các vùng và làm mất ổn định chính trị”(4). 5. Phản bác luận điểm: “Đã công nhận kinh tế thị trường tức là đã thừa nhận chủ nghĩa tư bản, do vậy phải cắt “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa”.Chúng ta chỉ rõ: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng”. Đây là kết luận rất sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn tại Đại hội VIII của Đảng.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng IX (tr 86) nói về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.Đại hội Đảng X đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta với 4 nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa cơ bản sau:- Thứ nhất, về mục tiêu phát triển của nền kinh tế thị trường là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trước đổi mới, chúng ta mắc sai lầm là đồng nhất CNXH với công hữu về tư liệu sản xuất, mà chưa thấy rõ, dù công hữu hay tư hữu đều nhằm mục tiêu phát triển lực lượng sản xuất để chăm lo đời sống của con người. Hồ Chí Minh nói, CNXH là để cho con người ai cũng có việc làm, được ấm no, được học hành và sống một đời hạnh phúc.- Thứ hai, điều kiện để bảo đảm mục tiêu trên là phải phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo.- Thứ ba, giải quyết đúng mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Chúng ta thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và trong từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. - Thứ tư, thực hiện chế độ phân phối và điều tiết phân phối lại. Chúng ta thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực và thông qua phúc lợi xã hội. Như vậy là, thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế làm chủ yếu.6. Phản bác luận điểm: Trong đối ngoại, không có cái gọi là “làm bạn với tất cả các nước”; hiện nay “chỉ có thể dựa vào Mỹ hoặc Trung Quốc mà thôi”... Trước hết, chúng ta chỉ rõ, với kết quả hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại với hơn 180 quốc gia trên thế giới; chủ động, tích cực và ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Thứ hai, mục tiêu đối ngoại là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của đất nước ta. Chúng ta kiên trì hai nguyên tắc lớn: giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, lợi ích dân tộc; và định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện sách lược linh hoạt “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Về phương châm đối ngoại, chúng ta chỉ rõ: Một là, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Hai là, lấy lợi ích dân tộc làm quyết định. Ba là, trong quan hệ quốc tế cần thực hiện phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đảng ta chỉ rõ, hợp tác nhưng không rời bỏ đấu tranh trên những vấn đề đụng đến lợi ích quốc gia của chúng ta - đó là giới hạn của hợp tác. Đấu tranh phải kiên quyết, nhưng không để đưa đến bị “cắt cầu”, không đưa đến đối lập, đối đầu. Đó cũng là giới hạn và nghệ thuật chọn lựa trong quan hệ quốc tế. Bốn là, phải xếp loại các đối tác theo tình hình mới. Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, chúng còn xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, tạo ra tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ ta. Nhìn lại, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12, khóa IX về nhiệm vụ này (năm 2005), chúng ta đã từng bước chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, triển khai khá đồng bộ trên các công cụ báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, trên mạng internet, đặc biệt là sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng xuống tận các xã phường; góp sức nâng cao nhận thức tư tưởng, tinh thần cảnh giác cách mạng, phát động ý thức đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, đi ngược lợi ích của nhân dân, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Từ những mặt được và chưa được của cuộc đấu tranh, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu, nhằm làm tốt việc triển khai chu đáo hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa.

III. Một số kinh nghiệm bước đầu

1. Cần nhận thức sâu sắc tính chất cực kỳ nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch; trên cơ sở đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với cuộc đấu tranh này.

2. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.

3. Kết hợp hài hòa các hình thức đấu tranh: trên báo chí công khai, trên mạng Internet, các blog...; triệt để sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng.

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các bài viết phản bác, hết sức chú ý tính chiến đấu, tính thuyết phục. Muốn vậy cần có bộ phận nghiên cứu xây dựng hệ thống lý luận đấu tranh phản bác chung quanh những vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các thế lực thù địch đang tập trung khai thác trong từng thời điểm cụ thể. Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong những năm qua, mà gần đây nhất là việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X, ngày 01/8/2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã được tăng cường trên các phương tiện thông tiện thông tin đại chúng trong nước và trên các báo điện tử nước ngoài, tập trung vào 6 vấn đề trọng tâm, trọng điểm nêu trên, đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trước những mưu toan thâm độc và tính chất quyết liệt của những luận điểm sai trái và phản động, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cần được thường xuyên coi trọng hơn nữa, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh, thu hút đông đảo lực lượng tham gia, nhất là các nhà khoa học, các trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết; sử dụng đa dạng các phương thức đấu tranh; đặc biệt cần chú ý nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Trong thời gian tới, nhất là từ nay đến trước thềm Đại hội XI của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng chắc chắn diễn ra ngày càng quyết liệt. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, cần phải tiến hành hàng loạt các giải pháp trên mặt trận tư tưởng, lý luận; trên lĩnh vực kinh tế-xã hội; trên mặt trận đối ngoại và an ninh tư tưởng v.v... Trong đó, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay của Đảng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

-----------------------------
(1) Văn kiện Hội nghị Trung ương 5, khóa X, Nxb CTQG, H, 2007, tr.45(2) Văn kiện Hội nghị Trung ương 9, khóa X, Nxb CTQG, H, 2009, tr.187-188(3) Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tr 3, 4 (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng các cấp cơ sở, tháng 4/2010) (4) Viện Phát triển quốc tế Harvard, Trường Đại học Harvard: Những thách thức trên con đường cải cách ở Đông Dương, Nxb CTQG, H. 1994, Tr 523, 539.

(Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo)

 

Phản hồi (2)

lêngocthanh 08/09/2010

Tôi đọc bài này có những thông tin bổ ich, nhất là giúp cho những người làm công tác tuyên truyền, giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi xin nói một vài suy nghĩ của mình, cần có nhiều bài viết trên mạng intenet, vì thế hệ trẻ hiện nay họ đọc trên mạng là chủ yếu. Vấn đề chống diễn biến hòa bình hiện nay như lật đổ thần tượng bôi nhọ cán bộ, lãnh đạo, vấn đề chống tham nhũng và suy thoái về đạo đức mờ phai lý tưởng là vấn đề nhân dân, đảng viên quan tâm; chống trên cơ sở lý lẽ khoa học và thực tế, lý giải sự sụp đổ của Liên xô, Đông Âu vv.

Lại Lương Thọ 29/08/2010

Tôi rất đồng tình với bài viết này; đặc biệt là nội dung 3 trong "Những kinh nghiệm bước đầu". Bản thân tôi cũng đã có ý tưởng tại sao chúng ta không sử dụng mạng internet để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và thông qua đó để tuyên truyền chống lại và làm vô hiệu hoá chiến lược diễn biến hoà bình trên lĩnh vực văn hoá của các thế lực thù địch. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên được tiếp cận với internet hàng ngày, hàng tuần bớt ra một chút thời gian để viết một nội dung tuyên truyền về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước thì sẽ có rất nhiều thông tin để tuyên truyền chống lại âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Tôi sẽ cố gắng thực hiện và mong điều đó thành sự thật.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất