Để tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước

Đại hội Đảng lần thứ VII đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Bản Cương lĩnh đã vạch ra những nguyên tắc, phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ, vì thế đây là văn kiện quan trọng mang tính định hướng chiến lược, là nền tảng tư tưởng và ngọn cờ chiến đấu của Đảng, của nhân dân ta suốt 20 năm qua.

Đại hội Đảng lần  thứ XI sẽ bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 cho phù hợp với điều kiện mới của đất nước và thời đại trên những vấn đề chính thể hiện qua bản Dự thảo.

Trước hết, qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh giúp ta nhận thức rõ ràng, đúng đắn hơn về tình hình trong nước và thế giới. Đó là xu hướng biến đổi nhanh chóng, sâu sắc về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ cùng với nền kinh tế tri thức trong quá trình toàn cầu hóa đã chi phối, cuốn hút các quốc gia vào xã hội hiện đại, trong đó có Việt Nam.

Điều đó buộc Đảng ta phải nắm bắt kịp thời những vấn đề nảy sinh và giải quyết đúng đắn, có hiệu quả những vấn đề đó; bên cạnh đó là việc nhận thức và giải quyết những vấn đề cụ thể ở nước ta như: đặc trưng của CNXH ở Việt Nam, những mục tiêu, phương hướng, biện pháp, hình thức, bước đi trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Từ thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, để có cơ sở tiếp tục thực hiện Cương lĩnh trong giai đoạn mới, Đại hội XI của Đảng cần phân tích sâu hơn những đặc điểm lớn của nước ta mà các đại hội trước đã nêu.

Nhất là phân tích, đánh giá với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật các nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nguy cơ chệch hướng con đường lên CNXH, nguy cơ tham nhũng và các tiêu cực, tệ nạn xã hội, nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; thái độ, biện pháp của chúng ta đối với những nguy cơ và những vấn đề mới nảy sinh hiện nay… Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật theo tinh thần của Đảng chúng ta mới có cách giải quyết đúng đắn, hiệu quả.

Thứ hai, những cơ sở kiên trì con đường lên CNXH ở Việt Nam thể hiện qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Cương lĩnh 1991 khẳng định mặc dù CNXH đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, phức tạp song đó là cái đích mà loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường CNXH dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là lập trường của Đảng khi tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng ta khẳng định “đổi mới không đổi màu”.

Sự kiên định ấy không phải là bảo thủ mà Đảng ta nhận thức lại CNXH, tìm ra mô hình mới về CNXH, sớm thoát khỏi mô hình CNXH hành chính, quan liêu, bao cấp trước đây.

Đảng ta kiên định mục tiêu con đường lên CNXH và suốt 20 năm qua đã đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm rõ dần những vấn đề có ý nghĩa cốt tử như: Vì sao CNXH thế giới lâm vào khủng hoảng? Vì sao CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ? Đâu là những đặc trưng chủ yếu của CNXH ở nước ta? Thế nào là quá độ lên CNXH ở Việt Nam?  Từ một nước nông nghiệp lạc hậu không qua thời kỳ phát triển TBCN, trải qua nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, chúng ta đi lên CNXH bằng cách nào?  Thế nào là phù hợp với điều kiện và đặc điểm của Việt Nam trong khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng CNXH?...

Những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên được sáng rõ thì quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước suốt 20 năm qua mới thành công.

Sự tìm tòi, sáng tạo của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc đổi mới dựa trên cơ sở nhận thức lại những nguyên lý lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực tiễn đất nước và thời đại đã dần dần khắc phục những nhận thức, quan niệm không đúng đắn về CNXH trước đây.

Đó là một thời chúng ta cho rằng CNXH chỉ ở quan hệ sản xuất mà coi nhẹ vai trò của lực lượng sản xuất. CNXH chỉ có 2 thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể. Đối lập hệ thống XHCN với hệ thống TBCN và khép kín trong khối SEV chỉ có các nước XHCN, không có quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước TBCN. Sai lầm lớn nhất lúc đó là bệnh chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan kéo dài, chậm khắc phục của các nước XHCN; đồng nhất kinh tế thị trường với CNTB; muốn xóa ngay sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân; coi nhẹ các thành phần kinh tế, khoa học công nghệ mà loài người đã đạt được trong thời kỳ TBCN.

Rõ ràng, chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, biết tự thoát ra khỏi cái sự thật đang cản trở, níu kéo, chúng ta mới đổi mới và phát triển.

Để bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 (sẽ thông qua ở Đại hội XI của Đảng), những kinh nghiệm, các căn cứ của 20 năm qua cần được nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng, tìm ra mặt bản chất của vấn đề để vận dụng phù hợp với điều kiện mới. Đặc biệt, chúng ta cần nhận thức thật rõ, thật sâu sắc và đầy đủ một cách khách quan thực trạng mặt mạnh, mặt yếu; các thời cơ, thách thức của tình hình thế giới, trong nước đang tác động và chi phối chúng ta. Đồng thời cần nhận rõ những gì Cương lĩnh 1991 chúng ta đã thực hiện tốt; đâu là vấn đề tiếp tục phải làm rõ và cái gì mới phát sinh…

Cương lĩnh cũng cần chỉ rõ những điều kiện để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là các điều kiện chủ quan của Đảng, Nhà nước định ra đường lối, kế hoạch, chủ trương, biện pháp, bước đi thích hợp ở từng giai đoạn; sự nỗ lực của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp, các chủ thể, các thành phần kinh tế đoàn kết một lòng đi theo Đảng; chủ động sáng tạo với tinh thần độc lập tự cường đưa đất nước hội nhập quốc tế và không ngừng phát triển.

Những điều kiện khách quan có vai trò quan trọng giúp chúng ta thực hiện thắng lợi Cương lĩnh cũng cần được xác định trên những nét cơ bản.

Cương lĩnh không thể dài dòng nhưng phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ những vấn đề rất cơ bản làm định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước, là ngọn cờ tập hợp nhân dân. Do đó, về lo-gic, việc trình bày các phần, mục của Cương lĩnh cần chọn cách bố trí gọn, rõ để dễ theo dõi.

Nên bố cục trong từng phần (I, II, III, IV), theo đó mỗi phần lớn có mấy phần nhỏ trong đó. Ví dụ, Cương lĩnh có 4 phần  thì nên bố trí phần I có 2 mục nhỏ; phần II có 2 mục nhỏ…; không nên trình bày thành 4 phần lớn (I, II. II, IV) mà các phần nhỏ lại được đánh số liên tục từ 1 – 12, làm giảm tính chặt chẽ của văn kiện.

PGS – TS Trần Quang Nhiếp
Nguồn: Chinhphu. vn 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất