Chuyện muốn nói ở đây không phải là một môn thể thao trong hàng trăm, hàng ngàn môn chơi thời thượng của ngành du lịch biển. Nó cũng không phải là chuyện lướt sóng trong giới đầu tư và đầu cơ chứng khoán.
Lướt sóng lại cũng được sử dụng trong công tác cán bộ.
Chuyện là, tại một địa phương nọ, lãnh đạo quyết định lập dự án đầu tư khu công nghiệp, với mục tiêu phát huy nhiều lợi thế so sánh trên địa bàn để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm tăng GDP, tạo thêm công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Chủ trương đã có, nhân sự cũng được bàn bạc cẩn thận để gánh vác trọng trách ấy. Quả đúng như vậy, chẳng bao lâu sau, dự án khu công nghiệp đã khởi động. Không những thế địa phương lại cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều ngành, nhiều cấp, nên trong một thời gian ngắn dự án khu công nghiệp chẳng những đã được hình thành, mà nhiều nhà đầu tư đã để mắt tới.
Phong trào như đang lên vun vút, thì... có sự thay đổi về nhân sự. Người đứng đầu địa phương được mệnh danh là quyết đoán đã thay đổi nhân sự quản lý khu công nghiệp và thế vào đó một nhân vật mới.
Việc đó làm nảy sinh nhiều ý kiến bàn tán xuôi - ngược rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng, do thành tích tốt trong việc điều hành dự án, mà vị T - Trưởng ban quản lý khu công nghiệp được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, do quản lý dự án là một vị trí “quá ngon”, nên vị lãnh đạo cao nhất của địa phương với quyền lực đầy mình đã tìm mọi cách để “dém” con cháu của mình vào. Người ngoài cuộc thì chưa thể biết được nội tình như thế nào, nhưng đúng như ông cha ta từng nói: “Hạ hồi - phân giải” quả là rất đúng trong trường hợp này.
Do trình độ của người được thay thế có hạn, cái tâm lại không phải vì phong trào - xây dựng khu công nghiệp địa phương cho thật tốt, thật hiệu quả - nên một vài năm sau khu công nghiệp ỉu xìu cứ như quả bóng bị xì hơi. Chẳng những số vốn đầu tư của các doanh nghiệp cũ không tăng, mà còn giảm, số doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư mới cũng... chẳng màng. Đã thế, còn một ít vốn ngân sách nhà nước cấp để phát triển kết cấu hạ tầng rồi cũng cạn dần, cạn dần...
Đứng trước bài toán khó, vị lãnh đạo địa phương kia bèn phải hạ mình để mời những người quản lý khu công nghiệp của cái thời “hoàng kim” cũ ra gỡ rối. Nhưng nghe đâu “hữu thỉnh”, mà “vô đáo!”.
Đến lúc đó, mọi sự có lẽ không nói ra ai cũng đã biết. Tưởng là ngon, cho con em mình vào để “lướt sóng” lập công, nhưng lại bập phải “quả đắng”. Kết cục là, đất của nông dân thì đã lấy, mấy năm nay bị bỏ hoang. Đóng góp cho GDP địa phương tuy có tăng chút đỉnh, nhưng chưa thể gọi là đủ để nuôi số nông dân đã bị thu hồi đất, chưa nói tới làm tăng thu nhập của người dân địa phương.
Vậy là, câu chuyện lướt sóng cán bộ như đã kể trên đây cũng bị kẹp, chẳng khác nào như hiện tượng bị kẹp cổ phiếu trong đầu tư kiểu “lướt sóng” trong chứng khoán. Chỉ khác là ở chỗ, đầu tư chứng khoán mà bị kẹp thì có cách chuyển sang “đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”, nghĩa là cứ để thế chịu ngâm vốn và chờ cho khi nào thị trường hồi phục, có lãi thì mới bán. Còn trong công tác cán bộ mà lướt sóng kiểu đó thì ... chờ cái gì? hay chỉ làm hỏng cán bộ và “có hại cho dân” thôi!
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)