Mười cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử dân tộc

Nếu cách mạng xã hội là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, thông qua đó để chuyển từ hình thái kinh tế-xã hội này sang một hình thái kinh tế-xã hội khác, thì cải cách xã hội là những thay đổi diễn ra trong một hình thái kinh tế-xã hội. Nếu cách mạng xã hội gây ra những đảo lộn lớn, triệt để về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội thì cải cách mang lại những thay đổi một mặt, hoặc một số mặt như về thể chế, kinh tế, xã hội hay về văn hoá. Có thể các cải cách này dẫn tới cách mạng xã hội hay báo trước một thời đại cách mạng đang đến. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng xã hội; trong suốt chiều dài lịch sử để tồn tại và phát triển, cha ông ta đã thực hiện nhiều cuộc cải cách, đổi mới. 

1. Cải cách của họ Khúc thế kỷ X. Cuộc cải cách có tác dụng quyết định đến thắng lợi giành và giữ quyền độc lập tự chủ của dân tộc sau một thiên niên kỷ bị xâm lược, nô dịch (-110 TCN - 906 TCN). Nội dung cải cách rất sâu rộng, bao hàm cải cách chính trị (cải cách cơ cấu hành chính), kinh tế, văn hoá, xã hội… có tác dụng quan trọng đến sự nghiệp giải phóng dân tộc từ họ Khúc đến Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền.

2. Công cuộc đổi mới đế đô, từ Hoa Lư ra Thăng Long của Lý Công Uẩn, thế kỷ XI. Là một sự kiện lịch sử có vị trí quan trọng trong sự phát triển xã hội, bắt đầu từ đổi mới địa-chính trị đưa đến mở rộng tầm vóc địa-kinh tế, tăng cường ảnh hưởng của địa-văn hoá và quân sự, tạo tiền đề cho một sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam.

3. Sự nghiệp đổi mới chính sách xã hội của Trần Thủ Độ, thế kỷ XIII. Một cuộc đổi mới tạo tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng cho phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến thắng quân Nguyên-Mông của quân, dân nhà Trần.

4. Cuộc cải cách kinh tế-chính trị của Hồ Quý Ly, thế kỷ XV. Đánh dấu bước phát triển mới của xã hội, trong đó thương nghiệp, tiền tệ đã có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế phong kiến. Cuộc cải cách thất bại do nguyên nhân bên ngoài là chính (sự phá hoại của quân xâm lược nhà Minh), hiệu quả của cuộc cải cách này đã “mở đường” cho nhà Lê sơ hoàn tất và phát huy.

5. Cải cách hành chính của Lê Thánh Tông, thế kỷ XV. Kế thừa và phát triển cải cách hành chính của họ Khúc và là tiền đề cho cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh thế kỷ XIX. Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông tạo ra sự đổi mới toàn diện xã hội Việt Nam.

6. Cải cách tài chính của Trịnh Cương ở Đàng Ngoài, thế kỷ XVII. Một giải pháp “tình thế”, nhằm ổn định xã hội bằng biện pháp tài chính. Tuy không giải quyết được căn bản cuộc khủng hoảng của xã hội Đàng Ngoài đương thời, nhưng cũng cứu vãn được sự suy vong của nghiệp Chúa trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

7. Sự nghiệp đổi mới của Đào Duy Từ ở Đàng Trong, thế kỷ XVII. Đổi mới vị thế của mình để góp phần đổi mới xã hội Đàng Trong về kinh tế, xã hội, văn hoá; kiềm chế xung đột Trịnh-Nguyễn, đưa một nửa đất nước tiến lên theo kịp với thời đại.

8. Cải cách hành chính của Minh Mệnh, thế kỷ XIX. Cuộc cải cách đã phát huy được những thành quả của họ Khúc và Lê Thánh Tông. Mặt tích cực là đổi mới và thống nhất được hệ thống hành chính quốc gia, kể cả phân cấp hệ thống hành chính và chế định ngạch, bậc quan lại từ trung ương đến địa phương, nhưng không giải quyết được khủng hoảng toàn diện của xã hội phong kiến suy tàn đang cần chuyển sang một hình thái kinh tế-xã hội cao hơn.

9. Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, thế kỷ XIX. Đây mới là những đề xuất đồng thời với nhiều đề nghị khác của Phạm Phú Thứ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch… nhưng đề nghị của Nguyễn Trường Tộ là sâu sắc, bao quát được những yêu cầu phát triển toàn diện xã hội bấy giờ. Tuy những đề nghị này chưa được thực hiện nhưng có hiệu quả là góp phần thúc đẩy mở mang dân trí, thức tỉnh nhân tâm nhằm đi vào con đường yêu nước, canh tân.

10. Trào lưu Duy Tân (Đổi mới) đầu thế kỷ XX. Từ chỗ là một sáng kiến của một số nhân vật lịch sử đã trở thành một trào lưu lịch sử gồm những nhà yêu nước và quảng đại nhân dân có xu hướng canh tân, mà mục tiêu cuối cùng nhằm đánh đổ ách ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc.

Mười cuộc cải cách, đổi mới đó thể hiện nét đặc thù của lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng từ 1986 đến nay vừa là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam vừa là sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống về cải cách, đổi mới của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc vào giai đoạn phát triển mới. Cuộc đổi mới này mang tầm vóc, ý nghĩa của một cuộc cách mạng.


(Theo GS. Văn Tạo- Sách Sử học và Hiện thực, tập 2: 10 cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, H.2000).

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất