Mãi nhớ Giáo sư Đặng Xuân Kỳ - Một nhà Hồ Chí Minh học

Cách đây chừng một tháng, khi nghe tin anh bị bệnh hiểm nghèo, tôi vào Bệnh viện Hữu Nghị thăm anh. Trông anh hơi gầy nhưng vẫn hồng hào, đặc biệt, đôi mắt vẫn sáng, tinh anh. Tôi hỏi thăm sức khoẻ, anh tươi cười, vẻ vô tư, bảo: Không hề gì, mình vẫn ăn ngủ tốt, với sự chăm sóc, chữa chạy chu đáo thế này thì chỉ ít hôm nữa mình sẽ khỏi và được ra viện thôi... Con người luôn lạc quan ấy hình như không mấy bận tâm về sự đe doạ của bệnh tật hiểm nghèo cũng giống như chẳng bao giờ anh bực bội hay nao núng trước bất cứ một sức ép nào của những thói đố kỵ, ganh ghét, cho dù người ấy là ai...

Tôi đã có dịp được làm việc với anh ngay từ buổi đầu khi anh từ Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh về nhận chức vụ Viện trưởng Viện Mác- Lênin. Ít lâu sau Viện được đổi tên thành Viện Mác-Lênin-Hồ Chí Minh.

Ấn tượng sâu sắc của lớp cán bộ chúng tôi về anh ngày ấy là hình ảnh người lãnh đạo  một cơ quan khoa học đầu ngành có nhiều khác biệt với những người tiền nhiệm. Anh thể hiện ngay từ đầu quyết tâm đổi mới để xây dựng Viện Mác-Lênin-Hồ Chí Minh thành một trung tâm lớn nghiên cứu khoa học lý luận cách mạng của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong tình hình Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đang đứng trước nguy cơ tan rã. Vấn đề quan tâm hàng đầu của anh là làm sao đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị một cách đúng đắn. Muốn vậy thì phải bắt đầu từ đổi mới tổ chức và nhân sự. Những cán bộ cao tuổi đang nắm giữ chức vụ lãnh đạo các viện chuyên ngành được sắp xếp lại thành một tổ chuyên gia, đồng thời anh dựa vào việc trưng cầu ý kiến cán bộ khoa học trong Viện để đề bạt, giao nhiệm vụ cho các cán bộ khoa học trẻ, đã được đào tạo cơ bản thay thế. Đây là việc làm mới mẻ chưa hề có tiền lệ, được hầu hết mọi người trong cơ quan ủng hộ, đồng thời anh quyết định thành lập một tổ chức mới để chuyên trách chăm lo viêc đào tạo cán bộ trẻ có trình độ khoa học cao ở ngay tại Viện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của một cơ sở khoa học đầu ngành…

Giờ đây, mấy chục năm đã qua, mặc dầu vì những lý do khác nhau, ý định tốt đẹp của GS. Đặng Xuân Kỳ về việc xây dựng Viện Mác-Lênin-Hồ Chí Minh thành một trung tâm nghiên cứu lý luận của Đảng, của quốc gia có tầm cỡ quốc tế không thành nhưng những thành tựu mà anh để lại thì có ý nghĩa lâu dài, rất đáng trân trọng.

Về phương diện một nhà quản lý, anh đã chủ trì đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao mà những năm sau tuy cái nôi sinh thành ra họ không còn, họ đã tản mát đi nhiều cơ sở nhưng những thành tựu khoa học mà họ đóng góp cho đất nước thì còn mãi. Những giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ như Trần Hậu, Trần Thành, Hoàng Chí Bảo, Trịnh Nhu, Phạm Hồng Chương, Lê Văn Tích, Phan Hữu Tích, Nguyễn Đức Thuỳ, Mạch Quang Thắng và rất nhiều người khác nữa đều là kết quả của một  kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học có tầm nhìn xa, mang dấu ấn Đặng Xuân Kỳ.

Về mặt khoa học, GS. Đặng Xuân Kỳ là một nhà khoa học có công trình nghiên cứu rất sớm về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Anh có công đầu trong việc luận chứng để đưa công tác nghiên cứu toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh thành một chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Chương trình mang mã số KX.O2 - nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh - do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm cố vấn, anh làm chủ nhiệm được phê duyệt đã thu hút lực lượng đông đảo các nhà khoa học có tên tuổi trong cả nước tham gia. Kết quả đạt được thật to lớn, gồm: Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập, xuất bản lần thứ hai), bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (10 tập,  xuất bản lần đầu), giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, do anh làm chủ biên, được ghi nhận là giáo trình chuẩn, dùng làm cơ sở cho việc biên soạn và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân... Ngoài trách nhiệm là “TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ” của các công trình nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. GS. Đặng Xuân Kỳ còn có những công trình riêng có giá trị, đáng chú ý nhất là công trình Phương pháp luận nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, một công trình có ý nghĩa hướng dẫn cho người nghiên cứu tiếp cận tư tưởng của Hồ Chí Minh - nhà chính trị, nhà văn hoá kiệt xuất, với tư cách là một môn khoa học đang hình thành.

Công trình nghiên cứu khoa học của GS. Đặng Xuân Kỳ khá đồ sộ, tạo được dấu ấn riêng, đóng góp vào việc hình thành một môn khoa học mới mẻ - môn Hồ Chí Minh học - của nước nhà. Có một điều khá thú vị là, anh đã chơi thân với nhiều đồng chí trong nhóm trợ lý của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - những nhà khoa học tài năng như Dương Phú Hiệp, Trần Nhâm, Hà Nghiệp... và đã thông qua họ, cùng với họ gián tiếp góp phần vào sự thành công của những chuyến đi thực tế thâm nhập sâu vào cuộc sống nhân dân, dẫn tới việc đổi mới tư duy, bắt đầu từ đồng chí Trường Chinh - tác giả chủ yếu văn kiện Đại hội lần thứ 6 của Đảng ta.

Là con cả của cố Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Trường Chinh, anh Kỳ được hấp thụ một nền giáo dục gia đình rất cẩn trọng nên có thể nói anh là một trí thức nghiêm túc trong sự nghiệp khoa học, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu cả trong công việc lẫn trong cuộc sống đời thường. Nhưng trước hết anh là một người con hiếu thảo và có trách nhiệm với sự nghiệp của cha mình. Anh kể cho tôi nghe: “Cứ chiều thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, mình giữ nếp về ăn cơm với Cụ và cố gắng đem đến cho Cụ những thông tin ở ngoài đời, những câu ca thế sự, đại loại như: Tôn Đản là của vua quan, Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần, Đồng Xuân là của thương nhân, vỉa hè là của nhân dân anh hùng”.  Anh Kỳ là người quảng giao nên có nhiều bạn, từ các chính khách, các học giả, các doanh nhân cho đến người lao động bình thường. Không ai có cảm giác anh ỷ thế, cậy quyền, không ai nghĩ rằng anh nhờ cái bóng của thân phụ mà đi lên. Anh thẳng thắn, cương trực và xa lạ với thói cơ hội, bon chen. Trông bề ngoài không mấy ai biết được nỗi bất hạnh và sự gian khổ trong đời tư cũng như sự nghiệp khoa học của anh. Một thời gian dài anh phải chịu trách nhiệm chính chăm nuôi hai người mẹ già - mẹ đẻ và mẹ vợ. Mẹ vợ anh là một người nông dân quê ở Bắc Ninh ở với anh cho tới khi bà qua đời. Trong khi đó vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo từ khi còn trẻ, vật vã mấy chục năm trời, con gái không có, anh phải đích thân chăm nuôi, từ thuốc thang, cơm cháo đến tắm rửa, thay quần áo cho vợ. Có lần anh nói vui với chúng tôi rằng mình từ lúc mới 50 tuổi đến lúc đã quá tuổi cổ lai hy, hằng ngày rất gần vợ nhưng lại luôn luôn thiếu vắng đàn bà. Anh lầm lụi làm việc, chấp nhận số phận, không kêu ca, phàn nàn và suốt một đời trong sạch, không vẩn đục trăng hoa, mặc dầu anh khá đẹp trai, vui tính và không phải là không có những giai nhân ngưỡng mộ. Anh giữ nếp nhà, giáo dục hai con trai học tập giỏi, có ý chí tự lực vươn lên, nay cả hai cháu đều đã trở thành những người trí thức trẻ đang làm việc như những con em của mọi gia đình lao động bình thường. Anh không tham gia BCHTW từ khi Viện MÁC LÊNIN-TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH giải thể để nhập vào Học viện  NGUYẾN ÁI QUỐC (sau đổi tên thành Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) để làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và có thời gian trực tiếp làm chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Đảng cầm quyền.

Không ngờ lần ấy thăm anh lại là lần cuối cùng! Trong câu chuyện với chúng tôi buổi sáng ấy, hầu như anh không nói gì về bản thân, không một chút than thân trách phận thường có của người già trong lúc ốm đau. Anh chỉ nói về công việc, về làm sao tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho khoa học để đạt hiệu quả cao. Anh phàn nàn về các hiện tượng hoặc là tầm thường, dung tục hoá tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc thần thánh hoá tư tưởng của Người. Như thế, không những không tốt mà còn gây ra phản cảm, làm hỏng chủ trương giáo dục, quảng bá tư tưởng của Bác Hồ vô vàn kính yêu và vĩ đại. Anh có nhiều băn khoăn về việc làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, rằng việc đó còn chưa thực sự trở thành phong trào tự giác của cả trong Đảng lẫn ngoài dân chúng, để đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... - những tệ nạn đang làm tha hoá Đảng…

Nắm chặt tay anh ra về, tôi như được tiếp thêm sức mạnh cho việc hoàn thành công trình nghiên cứu đang dang dở của mình.

Nhưng! Giáo sư Đặng Xuân Kỳ đã vĩnh viễn ra đi để lại những công trình khoa học chưa hoàn thành và biết bao nhớ thương, tiếc nuối cho bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người thân....

Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ Anh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất