Về một chính sách…

Trong đợt đi vận động bà con huyện K trồng chè theo đề án đã được tỉnh phê duyệt, suốt cả tuần, anh bạn tôi vất vả, người gầy đi. Bọn tôi cứ tưởng xuống cơ sở sinh hoạt vất vả, ăn uống đứt bữa nhưng không hẳn thế… Anh bực vì nhiều nhẽ, đâm ra suy nghĩ… Anh bảo, chủ trương Nhà nước ưu tiên đủ thứ, nào là tiền khai hoang đất đai đã có Nhà nước trả; công đào rãnh, làm đất Nhà nước lo; cây giống Nhà nước cấp; chỉ việc trồng lấy mà ăn cũng phải hô hào rát hơi bỏng cổ vẫn không làm. Rồi thì chè trồng xong không chăm bón, không bảo vệ, để trâu bò phá phách, cỏ tốt um… Thật lười không còn chỗ để mà nói!  

Tiếp cái bực của anh, anh bạn công tác bên ngành kiểm lâm tiếp lời: Chủ trương xóa nhà tạm bợ, dột nát của Đảng và Nhà nước ta đã giúp nhiều hộ gia đình có nhà ở mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nhưng trong quá trình thực hiện, ngành kiểm lâm nhiều phen lao đao… Không ít kẻ lợi dụng chương trình, vào rừng chặt gỗ làm nhà, đáng một họ chặt, phá rừng lấy 3 - 4. Kiểm lâm có ý kiến, họ la lớn rằng cản trở chính sách, không cho dân lấy gỗ làm nhà. Không ít hộ nhờ “chủ trương” này mà có ngôi nhà sàn giá hàng tỷ đồng. Và cũng không ít gia đình xin tách hộ, bán nhà to dựng lều ở, vài năm sau lại xin được trong diện hộ nghèo để hưởng chính sách xóa nhà tạm bợ, dột nát…  

Lại chuyện bình xét hộ nghèo, một anh bạn phụ trách xã kể… Theo chủ trương bình xét, ai được nhiều phiếu bầu hộ nghèo là được “hộ nghèo” thành ra có hộ nhờ đông anh em họ hàng, người nhà làm cán bộ, được nhiều phiếu nên được hộ nghèo. Thành ra có nhà to, có xe máy, nhiều trâu, bò, nhưng vẫn được xếp vào diện hộ nghèo. Được hộ nghèo kéo theo được đủ thứ: Thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, con cái đi học được miễn giảm học phí, tiền điện được ưu tiên, tết đến có thêm gạo, thêm tiền... Trước đây, anh em họ hàng quây quần bên nhau, nay tách ta ở riêng hết, càng nhiều hộ càng được thêm phần...  

Chưa hết, một xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, hằng năm được đầu tư tiền tỷ để xây dựng hạ tầng. Khi thoát khỏi xã nghèo thì hộ nghèo thiệt thòi đủ thứ. Thế mới có phong trào “ phấn đấu” lên miền núi, “tranh đấu” để  được hộ nghèo, xã nghèo, để cán bộ có thêm phụ cấp. Trước đây, giáo viên đi vào các xã khó khăn “coi như kỷ luật”, nay “tự nguyện” xin vào dạy, bởi lương gấp đôi. Có vùng chỉ cách nhau một cái bờ rào, bên này có chính sách, bên kia ngồi đợi.  

Chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với miền núi, dân tộc và hộ nghèo là một chính sách đúng, nhằm giúp bà con vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Nhưng điều đáng bàn là chính sách này lâu nay đang làm tăng tư tưởng trông chờ dựa dẫm, ỷ lại vào Đảng và Nhà nước của một bộ phận nhân dân, có cả cán bộ, đảng viên, trong đó không ít kẻ lợi dụng chính sách để mưu lợi cá nhân… Để khắc phục tình trạng này, ngoài tăng cường công tác kiểm tra giám sát, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân trong chăn nuôi, trồng trọt. Trang bị cho họ cần câu, hướng dẫn họ biết câu được cá chứ đừng đem cá cho họ.  

Phản hồi (1)

Nông Dân 24/11/2011

Liệu người dân có thật lười biếng đến như vậy không? "Trong đợt đi vận động bà con huyện K trồng chè theo đề án đã được tỉnh phê duyệt, suốt cả tuần, anh bạn tôi vất vả, người gầy đi. Bọn tôi cứ tưởng xuống cơ sở sinh hoạt vất vả, ăn uống đứt bữa nhưng không hẳn thế… Anh bực vì nhiều nhẽ, đâm ra suy nghĩ… Anh bảo, chủ trương Nhà nước ưu tiên đủ thứ, nào là tiền khai hoang đất đai đã có Nhà nước trả; công đào rãnh, làm đất Nhà nước lo; cây giống Nhà nước cấp; chỉ việc trồng lấy mà ăn cũng phải hô hào rát hơi bỏng cổ vẫn không làm. Rồi thì chè trồng xong không chăm bón, không bảo vệ, để trâu bò phá phách, cỏ tốt um… Thật lười không còn chỗ để mà nói!"

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất