Ðánh giá đúng phẩm chất, năng lực của đảng viên

Dự thảo Báo cáo Chính trị nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình  trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, sự yếu kém chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước”. Tình trạng trên đây nếu không được khắc phục mà còn kéo dài thì thực sự trở thành nguy cơ đối với Ðảng và chế độ của chúng ta. Tôi xin được đóng góp hai ý kiến như sau:

1. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại yếu kém trong công tác xây dựng đảng nói chung, trong đó có những yếu kém về phẩm chất, năng lực của đảng viên. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh hơn về nguyên nhân chủ quan của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chính họ đã không tự ghép mình vào kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, đã để cho chủ nghĩa cá nhân lấn át... Một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua là minh chứng cho tình trạng đó. Vì vậy, cùng với những chủ trương, biện pháp khác, cần kiên trì Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi người đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ số một là tự giác, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng.

Chất lượng đảng viên mới được kết nạp có nơi còn thấp. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp cổ phần ở những địa phương kinh tế kém phát triển, nhìn chung trong thời gian qua tổ chức đảng ở đó chỉ được bổ sung những đảng viên là lao động phổ thông, trình độ văn hóa chưa cao, tay nghề thấp, nguồn vốn đóng góp ít, khả năng phát triển, tiến bộ bị hạn chế. Cho nên chúng tôi đề nghị cần hết sức coi trọng chất lượng đảng viên ngay từ khi kết nạp.

2. Cần xây dựng cơ chế và tiêu chí cụ thể để đánh giá chính xác hơn phẩm chất và năng lực của đảng viên, cán bộ, nhằm bố trí sử dụng có hiệu quả, đặc biệt là những đảng viên là cán bộ chủ chốt ở các cấp. Ðây là một việc rất khó khăn, đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp, nhiều kênh thông tin để đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, cái mà họ đã đạt được thường là cái đã qua, nhiệm vụ họ đã gánh vác ở cấp thấp hơn, phạm vi nhỏ hơn, điều kiện khác hơn. Do vậy không nên nhận xét, đánh giá cán bộ chỉ thuần túy dựa vào cái đã qua để giao chức vụ mới. Ta cần có cơ chế để người sẽ được bầu cử, bổ nhiệm vào cương vị chủ chốt mới được trình bày chương trình hành động của mình. Ðó sẽ là một cơ sở để tập thể nhận xét, đánh giá cán bộ. Trong khi sử dụng cơ chế dân chủ đại diện thì việc ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động càng cần thiết để có thêm cơ sở mà lựa chọn được tốt hơn.


Nguyễn Quang Tiến, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Ðịnh.

Nguồn: Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất