Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã có Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường...”. Về mục tiêu cụ thể đến 2015, cả nước có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo 19 tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trên tổng số 9.111 xã hiện nay của nước ta.
Không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân có đời sống văn hóa và vật chất thấp. Ðể Nghị quyết 26 của Trung ương đạt được mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới, cần phải có quyết tâm, nguồn lực và thời gian để thực hiện chương trình theo những nội dung sau:
Một là, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại là nội dung vừa có tính bức xúc trước mắt, vừa có tính lâu dài. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch nông thôn với quyết tâm đến cuối năm 2011, 100% số xã sẽ xong quy hoạch, đây là việc làm cần ưu tiên đi trước, và vì lợi ích lâu dài của người dân, của các địa phương nên chắc các địa phương sẽ tập trung giải quyết và có lẽ đến năm 2011 cơ bản xong. Nhưng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn Việt Nam chắc chắn là phải lâu dài. Trong tổng số 9.121 xã của cả nước (thống kê năm 2009), thì vùng đồng bằng sông Hồng có 1.955 xã thuộc 11 tỉnh, đây là vùng phát triển sớm, dân trí cao, hơn 50 năm xây dựng XHCN ở miền Bắc đã có khá nhiều thành công; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tương đối khá hơn so với cả nước. Nếu làm tốt cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, Nhà nước và nhân dân cùng làm thì có thể về đích sớm trong 10-15 năm tới, có tỉnh đạt sớm hơn, thí dụ như Thái Bình có 267 xã, nếu có nguồn lực từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm một ít cho các xã, thì trong 5 năm sẽ đạt hầu hết 19 tiêu chí. Riêng cơ sở hạ tầng 100% số xã sẽ về đích. Ðây là tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng hạ tầng nông thôn trong nhiều năm trước. Vùng Ðông Nam bộ có 490 xã thuộc 6 tỉnh, tuy có một số khó khăn ở những xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh này, song nếu biết khơi dậy tiềm năng và lựa chọn sự đầu tư hợp lý thì cũng có khả năng về đích sớm trong vòng 10-15 năm. Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 2.489 xã thuộc 14 tỉnh; vùng trung du, miền núi phía bắc có 2.283 xã thuộc 14 tỉnh; vùng Tây Nguyên có 598 xã thuộc 5 tỉnh; đồng bằng sông Cửu Long có 1.306 xã thuộc 13 tỉnh. Bốn vùng này có tổng số 8.676 xã hầu hết đều rất khó khăn. Trong đó, đặc biệt có 1.834 xã thuộc diện vùng 135 và 271 xã bãi ngang, 797 xã trong vùng 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ) hạ tầng cơ sở rất thấp kém. Cần phải đầu tư rất lớn và rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng được, không thể 10 năm, 20 năm mà phải lâu dài hơn nữa. Nhưng nếu không tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, thì không thể có được “bộ mặt nông thôn mới” có cơ sở hạ tầng hiện đại. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên trì, tập trung đầu tư trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm hài hòa quy hoạch giữa thành thị và nông thôn mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa nông thôn Việt Nam.
Hai là, tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Hiện nay, cả nước ta có 15.570.642 hộ sống ở nông thôn, chiếm 69,4% số hộ với 37.960.031 lao động, chiếm 69% số lao động cả nước, trong đó lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 51,9% số lao động cả nước. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 giảm xuống còn 30% số lao động làm nông nghiệp, còn lại phải chuyển sang ngành nghề khác phi nông nghiệp. Suốt 25 năm đổi mới của đất nước, tỷ trọng lao động nông nghiệp cũng chỉ giảm được 21% (từ 72,9% - năm 1985 còn 51,9% - hiện nay). Nhưng do yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa đất nước vì sự ấm no, giàu có của cư dân nông thôn, nhất định chúng ta phải tiến hành đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân còn tiếp tục làm nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định về Chương trình đào tạo cho lao động nông thôn. Theo đó, hằng năm, chúng ta phải tập trung đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn từ 700.000 đến 800.000 người và 300.000 nông dân tiếp tục làm nông nghiệp. Trường lớp đào tạo hiện còn chưa đáp ứng, cái khó hơn là đào tạo lao động phi nông nghiệp có được việc làm và thu nhập ổn định, cao hơn làm nông nghiệp. Lao động sau đào tạo chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp, có thể ở thành phố, đô thị nhỏ. Làm việc trong doanh nghiệp ở nông thôn và đầu tư vào nông nghiệp đang là thách thức lớn. Thực tế hiện nay ở nước ta mới có 39.414 doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn, trong số đó chỉ có 1.454 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 3,7% số doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn. Vốn đầu tư có 32 nghìn tỷ đồng chiếm 6% vốn của các doanh nghiệp đầu tư ở nông thôn và chỉ có 0,9% vốn của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Chính phủ đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cần phải coi đây là công việc thường xuyên, lâu dài về việc đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn và gắn đào tạo chuyển nghề với doanh nghiệp.
Ba là, tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần hiện nay. Nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân nông thôn là việc làm lâu dài. Thực tế hiện nay, thu nhập của cư dân nông thôn bình quân năm bằng 76,6% bình quân chung cả nước và chỉ bằng 47,5% đô thị; có tới 84,5% hộ nghèo (trong tổng số hộ nghèo cả nước) sống ở nông thôn (nếu tính theo chuẩn mới chắc còn cao hơn nữa). Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, nên nguy cơ các hộ từ cận nghèo trở thành hộ nghèo rất cao, hoặc hộ đã thoát nghèo nhưng nếu chỉ gặp rủi ro như trong năm có người ốm, lợn gà bị dịch bệnh,... lại trở về hộ nghèo. Bình quân mỗi hộ nông dân Việt Nam chỉ có 1,61 ha đất canh tác/hộ; trong đó đồng bằng sông Hồng 0,35 ha/hộ; trung du, miền núi phía bắc 2,98 ha/hộ; Bắc Trung bộ 1,76 ha/hộ, duyên hải miền Trung 2,13 ha/hộ; Tây Nguyên 5,63 ha/hộ; Ðông Nam bộ 1,2 ha/hộ; đồng bằng sông Cửu Long 1,03 ha/hộ. Nếu không chuyển dịch được cơ cấu lao động, không đưa nhanh được ngành nghề vào nông thôn thì dù có tăng năng suất, tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa kiểu gì cũng khó giàu, mà tất cả các công việc làm trên đều không thể một sớm một chiều hoặc là theo kiểu “phong trào” được.
Bốn là, tổ chức lại sản xuất gắn với tổ chức lại và tạo lập mới những tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với trình độ phát triển của cư dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thời kỳ đổi mới, chúng ta chủ yếu và nặng về hình thức hợp tác xã trong nông nghiệp - nông thôn, hơn 25 năm đổi mới đang chuyển dần sang hợp tác xã kiểu mới, khẳng định vai trò kinh tế hộ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song đi theo đó là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội vẫn chưa chuyển đổi kịp, và đang bị hành chính hóa, các tổ chức có tính hội nghề nghiệp chưa phát triển kịp, chưa có vai trò trong xã hội. Vì vậy chưa tạo động lực cho các loại hình sản xuất phát triển nhanh, mạnh trong kinh tế thị trường và đang bị chi phối quá nhiều vào các cấp hành chính.
Năm là, tập trung giải quyết những mâu thuẫn lớn ở nông thôn vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Những mâu thuẫn hiện nay thường gặp và nhiều người đã đề cập, như: vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai, nhà ở. Ðể giải quyết mâu thuẫn này, một mặt phải điều chỉnh bổ sung chính sách sát thực hơn với yêu cầu thực tiễn, đã hứa với dân thì phải làm, phải có đội ngũ cán bộ tâm huyết với dân, vì dân. Vì vậy, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ở các xã thật sự do dân, vì dân là công việc vừa là cấp bách, vừa là lâu dài của Ðảng và nhân dân ta.
Cần xác định người nông dân chính là chủ thể của nông thôn, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới. Nông dân là số đông trong cơ cấu cư dân sống ở nông thôn, nhưng họ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ðảng và Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo ra các giá đỡ cho họ, và nâng dần vị thế kinh tế - chính trị của họ để họ thực sự là chủ thể của nông thôn mới.
Hơn 70 năm qua, Ðảng ta rất quan tâm đến xây dựng giai cấp nông dân; xây dựng con người mới XHCN. Chặng đường dài ấy liên minh công - nông đã được tăng cường. Ðảng có nhiều cơ chế, chính sách mở đường kinh tế hộ phát triển, kinh tế tổ hợp tác đang hình thành trở lại, kinh tế HTX chưa “lột xác” xong. Mặt khác, để người nông dân là chủ thực sự, Ðảng, Nhà nước cần tôn trọng và lấy quyền lợi của nông dân để đưa ra các chính sách trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cần gấp rút có chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân (đây là các giá đỡ hữu hiệu nhất cho họ); chính sách tiêu thụ hết sản phẩm chủ yếu cho họ và tổ chức thị trường cả đầu vào, đầu ra ổn định mới hy vọng tăng thu nhập cho nông dân (thuần nông).
Nước ta xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn nên phải lâu dài. Công việc đó không phải là công việc của riêng ai, mà là sự nghiệp cách mạng mới lâu dài của toàn Ðảng và toàn dân ta.
Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Nhân Dân điện tử