Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý các Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XI của Ðảng

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hiến kế xây dựng Ðảng, xây dựng đất nước, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội, quyết tâm thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tới. Ðồng thời, giúp Hội xác định  tư tưởng, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ; từ đó tham mưu bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ trong tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng đất nước.


Hội nghị đã nghe PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo về quá trình chuẩn bị và những vấn đề trọng tâm trong các dự thảo văn kiện BCH Trung ương (Khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. 


Với tinh thần trách nhiệm, công khai, dân chủ, hội nghị tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm được hướng dẫn, gồm: Chủ đề Ðại hội; dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020). Ðặc biệt là những nội dung liên quan tới hoạt động của Hội LHPN; các nội dung liên quan tới phụ nữ, gia đình và các vấn đề văn hóa, xã hội. Cụ thể là vấn đề thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ, xóa đói, giảm nghèo, định hướng phát triển cán bộ nữ, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...


Các đại biểu đã đánh giá cao việc chuẩn bị các Dự thảo văn kiện công phu, chu đáo, nghiêm túc, thể hiện sâu sắc lý luận, thực tiễn và được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Phần lớn các ý kiến đều nhất trí những nội dung cơ bản thể hiện trong các Dự thảo văn kiện. Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những nội dung cần làm rõ, cần được quan tâm xem xét và tiếp thu nghiêm túc về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội để bổ sung hoàn thiện các Dự thảo văn kiện của Ðại hội XI; đồng thời nêu lên những bất cập, những bức xúc đòi hỏi Ðảng và Nhà nước phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Các đại biểu đánh giá cao và nhất trí với đánh giá những thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cho rằng, mục tiêu và định hướng cơ bản của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đề nghị cần cụ thể hơn nữa.


Góp ý kiến vào các vấn đề cụ thể, các đại biểu cho rằng, trong Cương lĩnh, mục “Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Ðảng” phần “MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân” sau cụm từ “thắt chặt mối liên hệ giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân”, nên thêm cụm từ “góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng”. Có vậy mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa của việc thực hiện chức năng đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện. Làm tốt vai trò giám sát, phản biện không chỉ góp phần bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, mà quan trọng hơn là giúp cho nhân  dân hiểu rõ, từ đó có sự đồng thuận, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Tiếp đó, ở phần “Các đoàn thể nhân dân” có đoạn: “Ðảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của mặt trận và các đoàn thể...” các đại biểu đề nghị nên thay cụm từ “chân thành” bằng “nghiêm túc” lắng nghe ý kiến của MTTQ, các đoàn thể nhân dân.            


Liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới, các đại biểu cho rằng, với cách thể hiện như hiện nay, vai trò của phụ nữ còn bị động và thụ động. Ðặt ra vấn đề “nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình và nuôi dạy con” có thể làm tăng thêm gánh nặng và sự bất bình đẳng giới, mất đi cơ hội phấn đấu đối với người phụ nữ. Bởi đây là trách nhiệm không chỉ của phụ nữ mà của cả nam giới và sự chia sẻ của cả cộng đồng (thí dụ chính sách, hệ thống phúc lợi xã hội...) để giúp phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Các đại biểu đề xuất, nên đặt ra yêu cầu “bảo đảm  bình đẳng giới” trong mọi lĩnh vực, bình đẳng không chỉ là tạo điều kiện mà còn phải tạo ra cơ hội cho phụ nữ, chỉ rõ những điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ. Cần nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, nhất là ban hành các chính sách đặc thù bảo đảm  cho sự phát triển của phụ nữ, bảo đảm các điều kiện để phụ nữ tham gia quản lý xã hội. Nhiều ý kiến đồng tình, chỉ xác định “thực hiện bình đẳng giới và hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ” là chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt, mạnh mẽ, cần nêu rõ việc “bảo đảm” hoặc “thực hiện tốt bình đẳng giới”, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ. Có ý kiến đề nghị đưa chỉ số khoảng cách giới vào Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Vấn đề quy hoạch và tạo nguồn cán bộ cũng cần nêu được một nội dung quan trọng là việc bố trí vị trí thích hợp phù hợp với khả năng của phụ nữ. Bên cạnh đó, quy hoạch cần đi cùng với việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan. Trong đó, chú trọng nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ, đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe, vai trò địa vị của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình và nuôi dạy con; hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách luật pháp đối với phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia xây dựng gia đình theo bốn tiêu chí: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng và hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm thân thể và nhân phẩm của phụ nữ, bảo đảm các điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong quản lý, lãnh đạo, phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản và các chế độ, chính sách khác đối với lao động nữ. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em... Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc và làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, dân tộc thiểu số.


Cũng trong phần “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” đoạn nói về phụ nữ: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất tinh thần của phụ nữ và vai trò của phụ nữ...” các đại biểu đề nghị nên diễn đạt như sau: “Phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao trình độ mọi mặt, đời sống vật chất tinh thần, sức khỏe và địa vị của phụ nữ. Nghiên cứu bổ sung, thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với phụ nữ. Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng, hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, ngăn chặn các hành vi bạo lực buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ. Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ tham gia trong quản lý lãnh đạo phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.


Ðối với vấn đề gia đình, các đại biểu nêu ý kiến cần làm rõ tiêu chí gia đình Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề gia đình cần được thể hiện độc lập, rõ ràng hơn trong dự thảo, không nên gắn chung vào với các vấn đề khác để nhìn nhận rõ hơn vai trò, vị trí, tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đất nước. Gia đình cần được kết cấu thành một chủ đề riêng với bốn mối liên quan về kinh tế, xã hội, văn hóa, con người. Một trong những vấn đề nhức nhối mà chúng ta đang phải đối mặt là giữ gìn sự bền vững và hạnh phúc của mỗi gia đình. Nếu không giữ được sự phát triển đúng hướng, bền vững của gia đình, sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình; thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực và ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Như vậy, nên  xây dựng gia đình với cả bốn tiêu chí: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” để gia đình thật sự là một tế bào lành mạnh của xã hội. Tại mục 6: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, các đại biểu đề nghị viết thêm một đoạn về gia đình: “...nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình. Tăng cường quản lý nhà nước về gia đình, quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực và ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để gia đình  thật sự là một tế bào lành mạnh của  xã hội.


Nguồn: Nhân dân điện tử

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất