Đại ngôn

Đã thành quy luật, cứ dịp cuối năm là nhiều cơ quan họp tổng kết, trong đó có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của cả năm. Vào dịp này ta lại được nghe nhiều hơn trong báo cáo những từ tích cực, chủ động, tăng cường, ra sức, tập trung, đề cao, triệt để, kiên quyết... gần đây thấy nói nhiều đến quyết liệt. Ví như, đơn vị đã “tích cực”, “chủ động” triển khai nhiệm vụ... Chúng ta cần “quyết liệt” đôn đốc hoàn thành công trình trước ngày... “Kiên quyết” di dời dân ra khỏi vùng... Nhờ “quyết liệt” chỉ đạo nên... Vì sao lại dùng quá nhiều các từ đó đến vậy? Ngẫm ra đều có lý của nó.

Nếu tỷ mẩn “chẻ sợi tóc làm tư”, phải chăng, dùng những từ mạnh như vậy có thể là sự phản ánh tình trạng thực thi nhiệm vụ chưa hiệu quả, chức trách chưa hoàn thành, trách nhiệm của công dân, trực tiếp là của cán bộ, công chức trong các cơ quan đã chưa làm hết. Hãy nghe một báo cáo: Việc cải cách hành chính còn chưa thật hiệu quả. Thời gian tới chúng ta phải làm “quyết liệt”, “kiên quyết” hơn nữa. Hoặc một đánh giá khác, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình chào mừng... công ty cần “chủ động” phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các đơn vị bạn liên quan... Vậy nếu họ đã làm tốt, làm hết khả năng, chức trách, nhiệm vụ của mình thì liệu có cần đến những từ “chủ động”, “kiên quyết”, “quyết liệt” đó nữa không?

Càng nhiều báo cáo tổng kết, sơ kết, nhất là càng nhiều chỉ thị, mệnh lệnh mà dùng các từ trên có thể cho thấy các hoạt động của hệ thống tổ chức đảng và nhà nước đang có vấn đề. Hoặc là hệ thống tổ chức đó yếu kém, không đủ sức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao (từ lực lượng cho đến trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, lao động...). Hoặc là họ đang làm ăn ì ạch. Hoặc nữa là họ đang gặp khó khăn, vì điều kiện gì đó mà chưa có cách tháo gỡ cần sự chỉ đạo, tham mưu, giúp đỡ của cấp trên, của các cơ quan chức năng... Thực tế cho thấy rõ điều đó: Tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở Hà Nội; những “hố tử thần” ở Thành phố Hồ Chí Minh là những vấn đề nóng tại các kỳ họp hội đồng nhân dân cuối năm 2010 của hai thành phố gần đây, để rồi lại có sẽ giải quyết triệt để nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, chỉ đạo là phải “đẩy mạnh” phát triển công nghiệp chế biến, “tăng cường” kho dự trữ đủ tiêu chuẩn, “kiên quyết” ngăn chặn các doanh nghiệp làm giá và chèn ép nông dân... Nghĩa là một bộ máy hoạt động chưa suôn sẻ nên xuất hiện những từ như vậy.

Đấy là nói ở cơ sở còn cấp trên, các cơ quan, ban, ngành chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của mình chắc chưa thể hiệu quả, để vụ việc xảy ra mới lại “chủ động”, “tích cực”, “kiên quyết”, “quyết liệt”...  Ví như vụ cho nước ngoài thuê đất rừng, các cơ quan chủ quản không biết, không nắm được, cho rằng đã phân cấp nên trách nhiệm thuộc về địa phương. Khi vụ việc đã trở nên nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý chuyên ngành “chủ động” phối hợp, “tích cực” xử lý...

Nhìn ở khía cạnh khác còn cho thấy, khi dùng quá nhiều các từ trên chứng tỏ vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, quản lý của Nhà nước, chế tài vận hành nền kinh tế - xã hội theo luật pháp cũng chưa thật hiệu quả. Thực tế đã có nhiều vụ việc không chấp hành theo đúng luật pháp, qui định đã xảy ra. Nhiều luật được đề ra nhưng “chấp hành và làm theo luật pháp” yếu. Nếu cứ thực hiện đúng luật pháp thì chắc chẳng cần đến những biện pháp “kiên quyết”, sự chỉ đạo “quyết liệt”. Sẽ chỉ có những từ đã thực hiện đến đâu, có thực hiện được không mà thôi. Ví như chuyện cấm hút thuốc nơi công cộng dù đã có chỉ thị “kiên quyết”, khắp nơi có bảng biểu nhắc nhở, “cấm” nhưng chẳng ai thực hiện. Hoặc là việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do vẫn có một bộ phận dân chúng vi phạm nên công an phải “tăng cường” ra quân, “kiên quyết” xử lý những vi phạm và phải tiến hành “quyết liệt”... 

Cũng cần khẳng định rằng, nhìn ở mặt tích cực, các từ trên còn dùng để chứng minh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, chức trách, nghĩa vụ của mình. Ví dụ một báo cáo tổng kết nêu rõ: Nhờ “chủ động”, “quyết liệt” trong công tác chỉ đạo nên chúng ta đã thực hiện tốt việc... Địa phương đã “tích cực” khắc phục khó khăn, nhiệm kỳ qua đã... Như một lẽ tự nhiên, những từ đó giúp cho người nghe thấy được sự cố gắng, nỗ lực hơn trong công việc và thực thi chức trách, nhiệm vụ của cơ sở. Có những từ đó, các báo cáo tổng kết, báo cáo thành tích, kết quả thêm “hoành tráng”. Tuy nhiên, có cần phải “thúc đẩy”, “tăng cường”, “triệt để”, “đề cao”... khi họ - cơ quan, địa phương, đơn vị, công ty... mà trực tiếp mỗi người lao động đã làm hết chức trách, nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình?

Vấn đề đặt ra chỉ là khi nào và ở đâu thì cần sử dụng những từ đó.

Nguồn: Báo Đại Đoàn kết

Phản hồi (1)

Nguyễn Lê Anh Tuấn 03/01/2011

Bài viết là một sự phát hiện, tuy nhiên không phải là mới. Tác giả cần đưa ra việc lý giải vấn đề: nếu không dùng những từ trên (trong văn bản hành chính, phát biểu chỉ đạo, báo cáo chính trị, ...) thì dùng những từ nào cho phù hợp mà vẫn đảm bảo văn phong (tính thuyết phục và tính chiến đấu)? Từ điển Tiếng Việt rất đa dạng nhưng không phải dễ sử dụng vào những câu văn như trên. Nguyễn Lê Anh Tuấn Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất